(Báo Quảng Ngãi)- Quan điểm chỉ đạo về công tác bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cho đến các kỳ Đại hội Đảng sau này. Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
Quan điểm của Đảng ta về bình đẳng giới
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Nam nữ bình quyền” là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nam nữ bình quyền được thể hiện và ghi nhận tại Điều 9 Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Ngay trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 10/1/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận. Nghị quyết số 152-NQ/TW chỉ rõ: Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn, trở ngại của phụ nữ...
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới. Trong ảnh: Phụ nữ Ca Dong huyện Sơn Tây. Ảnh: MINH THU |
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân là yêu cầu, đòi hỏi lớn. Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ... còn tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em...”.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm bình đẳng giới bằng những nghị quyết và chỉ thị về công tác phụ nữ. Cụ thể là, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, mục tiêu nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế - xã hội. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; trong đó, Đảng ta xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”.
Kế tiếp, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nghị quyết được ban hành sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW về công tác cán bộ nữ và trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh toàn điện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới. Mục tiêu mà Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra là: “Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực”.
Thông báo số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 về kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới” tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Đề án thông qua việc triển khai một số giải pháp bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và giảm khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao.
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục thực hiện có hiệu quả, bền vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phụ nữ đã nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Đồng thời, tập trung giải quyết căn nguyên của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, cụ thể hóa bằng việc định hướng chính sách phù hợp, khả thi, thiết thực cho các nhóm phụ nữ; quan tâm nhiều hơn đến cơ chế và giải pháp cụ thể.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”. Đồng thời, “thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”...
Chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật của Việt Nam được đánh giá là tiến bộ theo xu hướng đảm bảo các quyền con người và không phân biệt đối xử. Trong đó, Hiến pháp quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Có thể khẳng định, những thành tựu về bình đẳng giới mà Việt Nam đạt được là nhờ hệ thống chính sách, pháp luật tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ. Từ Hiến pháp cho đến các bộ luật, luật, chiến lược quốc gia, các chính sách của Nhà nước đều yêu cầu thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới, đảm bảo cơ hội và sự thụ hưởng cho tất cả các giới.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định về những nguyên tắc của bình đẳng giới; trong đó, một nguyên tắc căn bản là không phân biệt đối xử. Điều 4 của Luật Bình đẳng giới nêu rõ mục tiêu: “Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Bên cạnh đó, đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật là một nguyên tắc quan trọng lần đầu tiên được đề cập trong Luật. Luật Bình đẳng giới nêu các quy định về bình đẳng giới trong 8 lĩnh vực, bao gồm: Chính trị; kinh tế; lao động; GD&ĐT; KH&CN; văn hóa, thông tin, TD-TT; y tế; gia đình; quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới. Có thể nói, Luật Bình đẳng giới đánh dấu bước phát triển về thể chế và hệ thống hóa trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam bằng việc tăng cường bình đẳng giới trong đời sống cá nhân và xã hội.
Trong khi đó, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 là chiến lược đầu tiên của Việt Nam được xây dựng nhằm xác định mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cần thực hiện trong vòng 10 năm. Chiến lược còn là một trong những công cụ quan trọng để đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về các mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 là: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Chiến lược lần này hướng tới các mục tiêu tăng cường bình đẳng giới trong 6 lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; GD&ĐT; TT-TT.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta. Làm tốt công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội.
Ngoài ra, nội dung bình đẳng giới cũng được quy định trong các luật và bộ luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội...
UYÊN ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: