(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành 11 chính sách đặc thù. Các chính sách này bao phủ nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Coi trọng an sinh xã hội
Ngày 4/6/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các xã thuộc khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định 861 nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng nhiều chính sách. Trong đó, tác động lớn nhất là không được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT như trước. Điều này khiến đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, vì không có điều kiện mua thẻ BHYT.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc giám sát việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản tại các mỏ đất ở xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: NGỌC ĐỨC |
Theo quyết định trên, Quảng Ngãi có hơn 31 nghìn người dân tộc thiểu số bị cắt giảm hỗ trợ đóng BHYT. Trong số này có nhiều trường hợp khó khăn, không thể tự mua BHYT cho cá nhân và hộ gia đình. Vì vậy, ngành BHXH và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã vận động nhiều nguồn tài trợ để tặng thẻ BHYT cho người dân. Tuy nhiên, số lượng người dân cần được hỗ trợ vẫn còn rất nhiều. Theo thống kê, mỗi năm, Quảng Ngãi có khoảng 10 nghìn người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có thẻ BHYT. Trước những khó khăn này, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết để hỗ trợ người dân.
"Yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra rất lớn, nhưng nguồn lực của tỉnh thì có hạn. Tuy nhiên, HĐND tỉnh vẫn ưu tiên nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh thông qua những nghị quyết, chính sách đặc thù. Đây là sự quan tâm, thể hiện trách nhiệm chính trị của các cấp, ngành đối với nhân dân. Có thể khẳng định, phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Tất cả người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Ủy viên Trung ương Đảng, |
Tại Kỳ họp thứ 24 diễn ra vào tháng 6/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 27 năm 2019 về hỗ trợ tiền đóng BHYT. Trong đó, bổ sung việc hỗ trợ 30% tiền đóng bảo hiểm còn lại cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã khu vực II, khu vực III nhưng không còn trong danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Chính sách này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT như trước đây. Mỗi năm, tỉnh dành khoảng 9 tỷ đồng để thực hiện chính sách này.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trương Quang Hùng cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khu vực II, khu vực III vẫn còn khó khăn; nhiều người không thể mua thẻ BHYT. Vì vậy, Nghị quyết 15 ra đời đã tiếp sức cho người dân được tham gia BHYT đầy đủ, mạng lưới an sinh được bao phủ rộng.
Lắng nghe ý kiến cử tri
Tháng 7/2024, HĐND tỉnh đã thảo luận và thông qua Nghị quyết 29 ban hành chính sách hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ đối với mỗi trường hợp ở huyện Lý Sơn là 15 triệu đồng; các huyện miền núi là 13 triệu đồng; các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố là 10 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ hỏa táng của tỉnh đã cụ thể hóa Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng của Chính phủ, góp phần đưa tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 5%, cũng như thực hiện các quy định về phân loại đô thị và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021 - 2025.
Ngay sau khi ban hành, nghị quyết đã giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của người dân. Gia đình bà Trần Thị Mai Nhi, ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), là một trong những trường hợp đầu tiên được hỗ trợ từ chính sách này. Mẹ của bà Nhi hơn 90 tuổi, già yếu và mất. Bà Nhi đưa mẹ ra TP.Đà Nẵng hỏa táng và đã được Nhà nước hỗ trợ. “Hiện nay, ở địa phương không còn đất để địa táng người đã khuất, nên gia đình tôi đưa mẹ đi hỏa táng và được Nhà nước hỗ trợ. Việc sử dụng hình thức hỏa táng sẽ tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường”, bà Nhi chia sẻ.
Thị trấn Sông Vệ có quy mô dân số hơn 15 nghìn người nhưng không còn quỹ đất để mở rộng nghĩa trang nhân dân, trong khi hỏa táng thì phải đến TP.Đà Nẵng, gây tốn kém chi phí. Vào tháng 8/2023, 64 hộ dân ở tổ dân phố Vạn Mỹ, thị trấn Sông Vệ đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị để xin địa phương bố trí quỹ đất địa táng người chết.
Theo Chủ tịch HĐND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Tấn Lực, trước kiến nghị của người dân, huyện đã khảo sát quy hoạch 15ha tại xã Nghĩa Kỳ để xây dựng nghĩa trang nhân dân cho toàn huyện, nhưng nhanh nhất thì đến năm 2025 mới đầu tư. Từ năm 2022 - 2024, vấn đề này liên tục được người dân kiến nghị tại các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh. Có thể nói, nghị quyết khuyến khích hỏa táng ra đời phù hợp với thực tiễn, giải quyết bức xúc của nhân dân.
Tri ân người có công với cách mạng
Quảng Ngãi hiện có trên 181 nghìn người có công với cách mạng. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã ban hành 3 nghị quyết về chính sách đặc thù đối với người có công. Việc thông qua các nghị quyết, chính sách đặc thù tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng.
Cụ La Văn Chiến được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: THANH THUẬN |
Cụ La Văn Chiến (99 tuổi), ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), là cán bộ lão thành cách mạng. Khi đau ốm, phải điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cụ luôn được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo.
Ông La Quang Hoàng, con cụ Chiến bày tỏ, ba tôi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, gia đình tôi rất tự hào về điều này. Nghị quyết hỗ trợ người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là chính sách đặc thù rất ý nghĩa, góp phần phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Nguyễn Hoàng Hải cho biết, toàn tỉnh hiện còn 20 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa; các cụ có tuổi từ 93 - 105 tuổi, sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh mãn tính, đi lại khó khăn cần được chăm sóc đặc biệt. Sau khi nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh thực hiện khám bệnh cho các cụ tại nhà 3 lần/năm (từ quý I - III). Dịp tết Nguyên đán, Ban sẽ kết hợp đi thăm và khám sức khỏe các cụ một lần nữa. Chính sách này thật sự có ý nghĩa với người có công cao tuổi.
Những chính sách đặc thù được HĐND tỉnh ban hành là kết quả của việc xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, ưu tiên lựa chọn giải quyết những vấn đề cần thiết, được cử tri, nhân dân quan tâm, kỳ vọng, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: