(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, số lượng cán bộ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đây là kết quả của sự quan tâm, triển khai nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức liên quan trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển năng lực phụ nữ.
Quan tâm phát triển cán bộ nữ
Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu định hướng cho hệ thống chính trị các cấp: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt 25% trở lên, nữ ĐBQH và HĐND các cấp đạt từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm trong Chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2023, do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: HIỀN THU |
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%. Tỷ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp đạt trên 35%.
Cùng với cả nước, Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định công tác cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong chiến lược cán bộ và là nhiệm vụ quan trọng, nhằm khai thác nguồn nhân lực nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ cống hiến và trưởng thành, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác cán bộ, trong đó chú trọng đến cán bộ nữ. Thể hiện rõ nhất là Đề án số 08-ĐA/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Việc ban hành Đề án 08 là chủ trương đúng đắn, được đánh giá, tổng kết từ các nghị quyết, kết luận, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và quản lý cán bộ của tỉnh trong thời gian qua. Vì vậy, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 08 có tính thực tiễn cao, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, được các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện bài bản, có lộ trình cụ thể, rõ ràng, vững chắc và nhận được sự ủng hộ đông đảo của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 08, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ được các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng và có chuyển biến tích cực. So với nhiệm kỳ 2015 - 2020, cơ cấu nữ trong cấp ủy tỉnh và cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tăng lên. Cụ thể là, tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng 1,4% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 12,3%), ban chấp hành đảng bộ cấp huyện tăng 5,4% (nhiệm kỳ trước đạt 13,01%). Nhiều địa phương có cơ cấu nữ trên 15% như: Minh Long (20%); Trà Bồng (15,56%); Bình Sơn (28,57%); Thành ủy Quảng Ngãi (21,43%); Sơn Hà (27,02%); Nghĩa Hành (18,92%); Ba Tơ (28,20%); Sơn Tịnh (16,22%); Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (23,53%)...
Nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn
Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ chia sẻ, một trong những kinh nghiệm để làm tốt công tác cán bộ nữ là thường xuyên quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng phát triển Đảng, chuyên môn, nghiệp vụ để chủ động về nhân sự và đề bạt, bổ nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn của từng chức danh; coi trọng thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, lưu ý đến các địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ đạt thấp.
Nhờ đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở các cấp trên địa bàn huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó cấp huyện đạt 28,2% (tăng 4,77% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã đạt 19,82% (tăng 2,16%); có 10 bí thư, phó bí thư đảng ủy xã là nữ. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 35,48% (tăng 8,21% so với nhiệm kỳ 2016 - 2021); HĐND cấp xã đạt 18,13%; có 8 nữ là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã.
Chủ tịch UBND xã Ba Thành (Ba Tơ) Phạm Thị Minh Đôi kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa của xã. |
Những chính sách, quy định tại Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) và Đề án 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của các cấp, ngành để lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhằm tăng số lượng cán bộ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham gia vào các cơ quan dân cử. Đồng thời, tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp đều đạt theo yêu cầu. Cụ thể, nữ ĐBQH của tỉnh đạt 57,14%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 18,86%; nữ đại biểu HĐND cấp huyện đạt 25,72%; nữ đại biểu HĐND cấp xã đạt 24,59%.
Bên cạnh đó, cùng với công tác quy hoạch, các cấp, ngành đã chủ động tạo điều kiện đưa cán bộ nữ đương chức và trong quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, chú trọng đào tạo lý luận chính trị; kiến thức quản lý nhà nước và bồi dưỡng cán bộ theo chức danh. Giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh đào tạo, bồi dưỡng trên 55 nghìn lượt cán bộ. Trong đó, đào tạo về chuyên môn cho 135/495 cán bộ nữ (đạt 27,27%); đào tạo lý luận chính trị cho 1.312/5.572 cán bộ nữ (23,54%).
Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, số lượng nữ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng là 13,827 nghìn lượt người/tổng số 44,559 nghìn lượt công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (đạt 31,03%); số lượng công chức, viên chức nữ được cử đi đào tạo sau đại học là 75/191 người (đạt 39,27%), trong đó, tiến sĩ có 4 người, thạc sĩ có 22 người, bác sĩ chuyên khoa I có 40 người, bác sĩ chuyên khoa II có 9 người.
"Những năm qua, cán bộ, công chức, viên chức là nữ được tuyển dụng vào hệ thống chính trị nhiều hơn so với nam. Bên cạnh đó, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh ngày càng tăng; vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội được khẳng định và đề cao. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này tạo thuận lợi trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030, nhất là đảm bảo quy định cơ cấu nữ trong cấp ủy", Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: