(Báo Quảng Ngãi)- Một vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội là chủ trương sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một việc cấp thiết, không thể chần chừ, trì hoãn để chúng ta không vuột mất cơ hội chấn chỉnh, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức vào ngày 1/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh. Đây cũng là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức để bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ảnh: TL |
Trước đó, thảo luận ở Tổ ĐBQH Hưng Yên ngày 25/10, người đứng đầu Đảng ta đã nêu thực tế là, có đến 70% ngân sách nhà nước hiện dùng để trả lương, chi thường xuyên phục vụ hoạt động của bộ máy. Nghĩa là chỉ còn 30% nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội... Vì thế, Tổng Bí thư đã sốt ruột hỏi rằng: “Đất nước muốn phát triển, muốn làm dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì tiền còn đâu nữa... Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được?”. Câu hỏi của người đứng đầu Đảng ta cũng chính là câu trả lời. Đất nước sẽ khó phát triển, khi bộ máy điều hành đã ngốn hết hai phần ba ngân sách. Sự vô lý ấy buộc phải thay đổi. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy lãnh đạo.
Không chỉ phát biểu trong phòng họp Quốc hội, với vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã công khai quan điểm của mình bằng bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” được nhiều cơ quan báo chí đăng tải, với những phân tích, nhận định và yêu cầu cụ thể đối với từng cấp, ngành, địa phương trong việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị của đất nước.
Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm lại một lần nữa khẳng định: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Nên cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”.
“Cách mạng” là thay đổi. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Những bất cập, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, dứt khoát phải được rà soát và sắp xếp lại. Một khi đã nhận ra sự bất thường với chỉ 30% ngân sách dành cho đầu tư phát triển, thì chắc hẳn, sự bất thường ấy phải được khắc phục. Không chỉ thể hiện ở lời nói, mà phải bằng hành động thực tiễn.
Mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hiện tại của nước ta gồm ba khối Đảng, Nhà nước và MTTQ. Sau nhiều thập kỷ tồn tại, đã bộc lộ những bất cập cần phải điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Chủ trương này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bây giờ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XIII quyết tâm triển khai thực hiện.
Theo tinh thần ấy, sẽ có một số ban Đảng, một số bộ, ngành thuộc Chính phủ, một số ủy ban của Quốc hội phải chấm dứt hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ hoặc sáp nhập vào ban, bộ, ngành khác. Đòi hỏi các cơ quan trung ương phải gương mẫu đi đầu rà soát, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo, quản lý của mình. Mạnh dạn sáp nhập, thậm chí là cắt giảm những cơ quan, đơn vị không rõ hoặc trùng lặp chức năng nhiệm vụ. Trung ương làm trước, địa phương làm sau. Bộ máy hệ thống chính trị tất yếu sẽ gọn nhẹ. Không chỉ tiết kiệm được ngân sách nhà nước, thời gian của người dân và doanh nghiệp, mà quan trọng là sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo trong quản lý, nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành của bộ máy.
“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”- câu thành ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày của người Việt từ xưa đến nay với ý nghĩa: “Mọi việc quý ở sự tinh nhuệ, chứ không ở số lượng nhiều”. Câu thành ngữ ấy lại càng đúng với yêu cầu nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hệ thống chính trị của đất nước, khi nó được cho là còn cồng kềnh, quan liêu, hiệu quả thấp.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thời gian tới. Trong đó, xác định tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất...
Hơn lúc nào hết, từng cá nhân, tập thể trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương cần phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, của người đứng đầu, có đủ bản lĩnh, trách nhiệm để vượt qua chính mình, mà thực chất là đặt lợi ích cá nhân sang một bên, để cùng nhìn về một hướng là lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
NGUYỄN VÂN THIÊNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: