Nâng cao hiệu quả tham mưu chiến lược về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

22:47, 31/12/2024
.

Chiều 31/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Cùng chủ trì hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Dự hội nghị có đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Báo cáo kết quả công tác tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2024, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương 10 đề án lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, đưa nhiệm vụ phòng, chống lãng phí tương đương với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; hoàn thành đề tài khoa học trọng điểm về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực nội chính qua 40 năm đổi mới; tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế, 13 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng và cấp cơ sở; biên soạn, phát hành cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nhiều giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu của ngành Nội chính Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ngành Nội chính đã tham mưu, tổ chức tốt 3 phiên họp, 2 cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và hơn 600 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh; đã phối hợp tham mưu, chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, đúng quy định pháp luật; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện công việc của 6 đoàn kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Ngành cũng đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu, tổ chức hơn 1.000 cuộc tiếp, đối thoại với công dân của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; tiếp nhận, xử lý gần 60.000 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo và tham mưu, chỉ đạo xử lý hơn 200 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Ngành Nội chính Đảng, của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh trong năm 2024.

Ngành Nội chính đã thực hiện tốt vai trò “trung tâm” trong phối hợp, tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần hiện thực hóa và khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước.

Kết quả này góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cho rằng hoạt động của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Hoạt động của một số Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh vẫn chưa thực sự nền nếp, hiệu quả; tham nhũng, tiêu cực trên một số địa bàn, lĩnh vực vẫn còn phức tạp; tình trạng đùn đẩy, né tránh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phòng, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức, lãng phí còn khá phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển của đất nước…

Chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp, ngành Nội chính phải tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Trong năm 2025, ngành cần tập trung tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, để đánh giá toàn diện những kết quả, hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ, đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước; nêu gương phòng, chống tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư đề nghị, ngành Nội chính tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là trọng tâm, đột phá, kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Ngành tiếp tục phối hợp làm tốt công tác thẩm định nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản không trung thực, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp; tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, lắng nghe và giải quyết tốt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương. Đồng thời, tăng cường các biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải thật sự bản lĩnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư "Chắc - Sắc - Đắc" (Pháp luật chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm).

Các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, có cơ chế thu hút, biệt phái cán bộ để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Nhandan.vn

  
 

Xuất bản lúc: 22:47, 31/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.