(Baoquangngai.vn)- Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 29/11, Quốc hội thảo luận tại Hội thường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
|
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận tại Hội trường. Ảnh: C.HIỀN |
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Việc này nhằm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đại biểu Hương đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 của Luật Hoạt động giám sát (điểm a khoản 14 Điều 1 của dự thảo Luật), đại biểu Hương thống nhất chọn Phương án 2 là không sửa đổi nội dung này, mà giữ như quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật hiện hành.
Việc bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan ban hành văn bản “hướng dẫn” luật, pháp lệnh, nghị quyết là không cần thiết. Bởi vì vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm chủ động của các cơ quan trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, đã được quy định cụ thể tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật tương ứng về tổ chức bộ máy.
Đại biểu Hương tán thành việc bổ sung quy định Đoàn ĐBQH giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Việc này nhằm bảo đảm cơ chế chặt chẽ để Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát các vụ việc nếu thấy cần thiết.
Khoản 50 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung quy định bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát tại khoản 1 Điều 89 của Luật hiện hành. Theo đó “Nghị quyết, kết luận việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát phải được gửi đến người đứng đầu, cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát, trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”...
Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp (mới) thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.
PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN: