KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)

Một Hà Nội văn hiến, văn minh và khát khao vươn tới

08:34, 10/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghìn năm định đô, 70 năm giải phóng. Những mốc son thấm đẫm mồ hôi xương máu ấy đã kể lại câu chuyện về vùng đất trù phú bên dòng sông Mẹ này bằng tất cả niềm kiêu hãnh của dân tộc về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, một Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại và luôn khát khao vươn tới.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam, dù ở đâu, làm gì đều luôn tự hào mình là "con Rồng cháu Tiên". Đó là ước mơ, là khát vọng lớn lao về sự trỗi dậy, vươn cao, bay xa, của cả một dân tộc về những giá trị tốt đẹp, sự phồn thịnh và vương giả mà hình tượng Rồng - một biểu tượng trong Tứ Linh mang lại.

Hà Nội phát triển ngày  càng hiện đại.                                                                                                                                                                                                                                              Ảnh: VGP
Hà Nội phát triển ngày càng hiện đại. Ảnh: VGP

Cũng vì thế mà câu chuyện “Rồng bay lên” đã được bao thế hệ người Việt truyền cho nhau về chuyến dời đô nghìn năm trước của vị vua trẻ Lý Công Uẩn đến Đại La - một minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của đấng minh quân biết “mưu nghiệp lớn”, “muốn vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh” mà “trên kính mệnh trời, dưới theo chí dân” chọn vùng đất “rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Ðông, Tây, tiện hình thế sông núi trước sau”, “muôn vật phồn thịnh”, là nơi “hội tụ của bốn phương” làm chốn định đô. Tầm nhìn ấy đã đem đến cho quốc gia Đại Việt một con đường mới, một cách đi mới để Thăng Long xứng đáng là vùng đất mang vượng khí Rồng bay.

Nghìn năm sau, theo ánh nhìn từ dòng sông Mẹ, Hà Nội - vùng đất trong sông ấy vẫn luôn vững vàng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự... của một nước Việt Nam độc lập, tự do, tự cường; vững vàng trong gian khó; tự tin, sáng tạo trong dựng xây, phát triển; hào hoa, lịch thiệp trong mắt bè bạn bốn phương.

Bây giờ, Hà Nội đã cởi bỏ lớp áo cũ kỹ của một đô thị bị tàn phá trong chiến tranh, cùng cả nước hoàn thành sứ mệnh đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Càng tự hào hơn, khi trong gian khổ hy sinh, vẫn kiêu hãnh một Hà Nội dũng cảm, kiên cường, một “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” với một “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người.

Cứ mỗi độ thu về, phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) thu hút rất nhiều người dân và khách du lịch tới chụp ảnh.                                                                                                                                                                                        Ảnh: QĐND
Cứ mỗi độ thu về, phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) thu hút rất nhiều người dân và khách du lịch tới chụp ảnh. Ảnh: QĐND

Gần 40 năm đổi mới, Hà Nội nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng thiếu, thoát khỏi Thủ đô nghèo, xây dựng cho mình vị thế ngày một nâng cao, trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần mức tăng GDP bình quân hằng năm của cả nước. Đặc biệt là từ khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, thành phố này đã chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, bình quân thu nhập đầu người năm 2023 đạt gần 6.300 USD/người/năm. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD; đóng góp khoảng 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước.

Hà Nội không thể mãi là “vùng đất trong sông”, là thành phố quay lưng với dòng sông Mẹ; sông Hồng không thể cứ mãi là cái sân sau của thành phố với một “xã hội ngoài đê”! Hà Nội cần một con đường, một ánh nhìn hướng sông để tự tin khoác cho mình tấm áo mới.

Tròn 70 năm giải phóng là lúc để thành phố này nhìn lại những gì đã làm được mà biết cách biến dòng sông nghìn năm soi bóng kinh thành trở thành “trục trung tâm phát triển mới”, kết nối đô thị hai bờ nam - bắc, để sông Hồng là dòng sông ánh sáng, làm bừng lên khuôn mặt mới của Thủ đô. Không gian ấy không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho miền đất Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại, làm nên diện mạo mới của Thủ đô giàu mạnh, văn hiến, văn minh.

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 5 trụ cột phát triển chính gồm: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đề ra 4 khâu đột phá chiến lược gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan. Để đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “văn hiến, văn minh, hiện đại”, xanh, thông minh, hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía bắc. Đến năm 2050, thành phố có quy mô dân số khoảng 13 - 13,5 triệu người; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 - 46 nghìn USD/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa 80 - 85%.

Để thực hiện được khát vọng ấy, ngoài hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được xây dựng đáp ứng được yêu cầu phát triển mới như các trục đường xuyên tâm, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, đường vành đai 3, 4 và hệ thống đường sắt đô thị, Hà Nội xác định sẽ vượt sông Hồng bằng những cây cầu hiện đại, kết nối đôi bờ sông Hồng. Từ đó mở ra cơ hội mới để thành phố sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển mới, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa Hà Nội vươn lên xứng tầm Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Hà Nội đang bừng sáng lên với vận thế mới, tầm nhìn mới, tư duy mới, sức sống mới; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực Hà Nội là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng động lực phía bắc... Cho đến nay, Hà Nội xứng đáng định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý: Hà Nội văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo... thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Hà Nội sẽ đi lên bằng tất cả những thế mạnh về văn hóa, trí tuệ, bản lĩnh của một đội ngũ những nhân lực trẻ trung, chuyên nghiệp, đạo đức, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thủ đô phải tận dụng cơ hội để chinh phục những khó khăn, thách thức đặt ra; khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của thành phố lên những tầm cao mới, tiếp tục bứt phá, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

NGUYỄN VÂN THIÊNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:34, 10/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.