(Báo Quảng Ngãi)- Trong không khí của tết Độc lập, tôi lại nhớ đến lời kể của đồng chí Nguyễn Khoách (Thạnh) - nguyên đội viên Đội Du kích Ba Tơ, khi ông còn sống và ghi lại câu chuyện ý nghĩa này.
Tháng 2/1943, ở căng an trí Ba Tơ đã có đến vài mươi đồng chí. Tuy không hoạt động công khai nhưng anh em chúng tôi vẫn tổ chức nhiều hình thức khéo léo để sinh hoạt, học tập chính trị và theo dõi thời sự. Có điều, chúng tôi không biết làm cách nào lợi dụng những hình thức ấy để tuyên truyền cách mạng trong quần chúng nhân dân. May quá, một lần, tên đội trưởng lính khố xanh đến gợi ý đá bóng giao hữu. Anh em vui vẻ đồng ý ngay...
Lễ trao súng cho những đội viên mới gia nhập Đội Du kích Ba Tơ. Ảnh: GIA ĐÌNH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÁNH CUNG CẤP |
Nắng chiều còn gay gắt mà đồng bào đã về sân vận động đông nghịt. Đây là trận đá bóng đầu tiên giữa đội an trí và lính khố xanh. Không hiểu bọn chúng làm ra vẻ quan trọng vì ý nghĩa thể thao thật sự, hay vì muốn làm vui lòng mấy vị quan lớn của chúng đang về dự. Ban tổ chức, về phía đội an trí chỉ có anh Nguyễn Đôn và tôi, còn lại chủ yếu là bọn chúng cả.
Nhìn quang cảnh và lực lượng hai bên, tôi thầm lo trong bụng. Mười một cầu thủ của nó to cao khỏe mạnh, lại còn nhiều tên dự bị ngồi bên trong nữa. Chúng mặc áo xanh có gắn số, quần đùi đỏ sọc đen, tất trắng vằn vàng, tất nhiên có cả giày đinh. Bên ta thì lưng trần, chân đất, chỉ có độc chiếc quần đùi màu xám. Đến anh giữ gôn cũng không có lấy chiếc áo dài tay. Mọi người đều gầy gò, hốc hác. Tôi nghĩ, chúng tôi sắp đem “trứng chọi đá” đây. Thế nhưng, trên gương mặt mỗi người, ai cũng như ai, đều không hề gợn chút bâng khuâng, lo lắng.
Hồi còi báo hiệu trận đấu sắp bắt đầu. Đội lính khố xanh xếp hàng, cúi đầu chào khán giả. Một tên sĩ quan bước ra bắt tay động viên từng cầu thủ một. Sau đó, cả đội bóng hí hửng ùa ra sân, chạy khởi động trước mặt mọi người. Đội an trí cũng ra sân xếp hàng, tôi cũng bước ra bắt tay động viên từng cầu thủ. Mỉm cười cùng nhau, bí ẩn và im lặng. Không ai bảo ai, tất cả đều hướng về phía bà con để đón nhận những cái nhìn đầy tình yêu thương, gửi gắm của đồng bào Ba Tơ về một điều gì đó thiêng liêng và ý nghĩa hơn nhiều.
Cúi chào bà con xong, tôi và cả đội đứng thẳng dậy. Tiếng vỗ tay vang lên. Tôi đảo mắt nhìn quanh rồi hất nhẹ đầu sang bên ra hiệu. Đã chuẩn bị sẵn, anh Đôn từ phía ngoài sân đứng phắt dậy, cầm một cây gậy dài, ung dung tiến đến anh đội trưởng đứng ở đầu hàng. Hàng trăm cặp mắt hướng về phía anh Đôn. Anh quay về phía khán đài với vẻ mặt nghiêm trang và xúc động. Và bỗng... anh vung mạnh tay, giơ cao chiếc gậy lên. Tấm vải cờ cuốn tròn trên đầu gậy vụt bung ra, phần phật bay trong gió. Ôi! Màu đỏ! Lá cờ nhỏ thôi mà dường như ngợp cả khoảng trời. Không sao vàng, không hình búa liềm, nhưng hồn thiêng dân tộc và danh hiệu của Đảng đây rồi! Tim tôi đập rộn rã. Ngoài sân, đồng bào đều đã đứng cả lên, nghiêm trang hướng về phía lá cờ màu đỏ.
Các cựu chiến binh tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: ĐỨC PHONG |
“Cùng nhau đi hồng binh...”. Tiếng ca trầm hùng bỗng vang lên. Anh em ta hát. Đồng bào bốn phía sân cũng bất chợt hát theo. Chỉ có lũ chúng nó là ngơ ngác nhìn nhau. Tiếng ca như thấm đến lòng người. Âm vang ấy bao tháng năm rồi, người dân Ba Tơ vẫn đợi chờ... Đột ngột quá, mắt người nào cũng rưng rưng. “Ngăn lại! Ngăn chúng lại!”. Có tiếng thét từ phía bọn sĩ quan ngồi dưới mái dù. Tên đội trưởng lính khố xanh cầm ba-tong phóng ra sân. Mấy tên lính cầm súng lếch thếch chạy theo. Tôi đứng sát dưới bóng cờ. Hắn hùng hổ sấn đến: “Các ông làm gì đây? Loạn hả?”. Không chút nao núng, anh em vẫn hướng mắt nhìn cờ. Tôi điềm tĩnh đáp: “Chúng tôi chỉ làm nghi thức chào khán giả thôi, ông đội ạ!”.
Đến nay đã hơn 79 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 - 11/3/2024) cùng sự ra đời của Đội Du kích Ba Tơ với lời thề “Hy sinh vì Tổ quốc”. Đây là đội quân vũ trang cách mạng thoát ly đầu tiên của Đảng Cộng sản Viêt Nam ở Trung Trung Bộ. Ngay từ khi ra đời, Đội Du kích Ba Tơ trở thành trung tâm của cao trào kháng Nhật cứu nước ở miền Trung Trung Bộ và là hạt nhân của các lực lượng vũ trang Liên khu 5 sau này. |
Thấy bị hạch sách, bà con ùa cả ra sân. Mấy tên quan Pháp vừa định bước ra, thấy vậy, vội lùi vào chỗ có nhiều lính bảo vệ, khoanh tay đứng nhìn. Tên đội trưởng nao núng, ngoảnh lại sau, thấy có mấy tên lính đang cầm sẵn súng. Hắn quát: “Đồ vô dụng. Giữ trật tự đi!”. Hắn chạy lại giật lá cờ trên tay anh Đôn, giọng thất thanh: “Không làm loạn chứ, cái gì đây? Cờ cộng sản hả?”. Anh Đôn cùng tôi giằng cờ lại. Cánh tay tôi chạm vào cánh tay đầy lông lá của hắn. Anh Đôn nhìn hắn, nói chậm rãi: “Đây là lá cờ của đội bóng chúng tôi. Màu đỏ tượng trưng cho khát vọng chiến thắng. Chúng tôi rất muốn chiến thắng trong trận đấu này, thưa ông đội”.
Hắn không hiểu hết ý câu nói của anh Đôn nên hỏi vặn: “Thế các ông hát để làm gì, cái bài hồng binh ấy?”. Tôi trả lời: “Cũng chỉ để chiến thắng thôi, ông đội ạ! Bên các ông mạnh quá, chúng tôi phải hát để lấy tinh thần”. Chừng như đuối lý, hắn đe dọa: “Các ông liệu hồn đấy! Chúng tôi không để các ông làm chánh trị ở đây đâu”. Không còn gì để nói thêm, tên đội trưởng lính khố xanh quay lại ra lệnh: “Thôi. Mọi người ra khỏi chỗ này... Trận đấu bắt đầu đi”. Hắn vẫy tay cho trọng tài nổi còi rồi lững thững bước vào bên trong. Quả giao bóng đầu tiên không biết vô tình hay cố ý bay vèo qua đầu hắn. Chiếc mũ rơi xuống đất. Hắn cúi xuống nhặt lên rồi bước thẳng vào phía sau khán đài.
Cuối trận đấu, tôi không nhớ tỷ số bao nhiêu, chỉ nhớ là đội chúng thắng. Thầy trò hắn hỉ hả lắm. Đội ta thua mấy quả, nhưng thật ra, chúng ta đã chiến thắng từ lúc mới bắt đầu, chiến thắng từ khi âm thầm vận động bà con đi xem để được nhìn tận mắt màu cờ đỏ và nghe tận tai bài hát "Cùng nhau đi hồng binh" của những người du kích Ba Tơ...
MAI BÁ ẤN ghi
TIN, BÀI LIÊN QUAN: