(Báo Quảng Ngãi)- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để thực hiện thắng lợi mục tiêu giành độc lập dân tộc, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TƯ LIỆU |
Theo đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc lúc 9 giờ sáng thứ Hai ngày 10/5/1965, đến 10 giờ Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo (11, 12 và 13/5/1965), cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển sang viết Di chúc vào buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.
Hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật Bác, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Người. Bác bổ sung vào bản Di chúc và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt, qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc.
Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (2/9/1969).
Bản Di chúc của Người là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là kim chỉ nam, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Di chúc là những lời căn dặn quý báu, là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với các dân tộc trên thế giới đã và đang đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.
Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra hết sức ác liệt . Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài...” và “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Người cũng thường căn dặn và mong muốn, sau khi chiến tranh kết thúc, cần ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong Di chúc, Người đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Mỗi dòng, mỗi điều Người để lại trong Di chúc là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, để đất nước ta được phồn vinh, nhân dân ta được tự do, ấm no, hạnh phúc. Thế mà Người chỉ coi đó là “để sẵn mấy lời” trước khi đi xa. Đó là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm của Người đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đó cũng là niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa là "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Đó là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng tình cảm, hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc chứa đựng sự trăn trở, suy nghĩ của Người về tương lai của dân tộc; là sự tổng kết và rút ra những luận điểm cô đọng, súc tích trong quá trình chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Sau 55 năm thực hiện Di chúc của Người và gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục tiêu: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ đi xa là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như ý nguyện của Người.
ĐẠI NGHĨA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: