Giá Vực, 50 năm vẫn vang mãi chiến công

05:40, 20/09/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Sau chiến thắng oanh liệt tại Phú Lâm Đông, Phú Lâm Tây và Chi khu quân sự huyện Minh Long, lãnh đạo Quân khu 5 quyết định tiến công Chi khu quân sự Giá Vực.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Quân khu 5 đã huy động lực lượng đặc công, Trung đoàn 576 pháo các loại gồm: Đại đội cối 120mm và 160mm, Đại đội pháo 85mm, Đại đội pháo 122mm, Đại đội xe tăng, Tiểu đoàn công binh, Trinh sát, bộ phận hậu cần Quân khu 5, bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Ba Tơ, cùng Lữ đoàn 52 bộ binh.  

Tiểu đoàn 8 (Lữ đoàn 52) chúng tôi được lệnh bàn giao Chi khu quân sự Minh Long cho bộ đội địa phương. Ngày 7/9/1974, chúng tôi hành quân về Ba Tơ để chuẩn bị tham gia đánh Giá Vực, đảm nhiệm mũi chủ công của chiến dịch. Về đến hậu cứ, cả đơn vị bắt tay vào củng cố lực lượng và chuẩn bị vũ khí, chúng tôi lại theo cán bộ đi trước vào Giá Vực để chuẩn bị địa hình. Đại đội 7 (C7) được giao niệm vụ đánh vào khu nhà Hội đồng, có lô cốt, ngay cạnh trung tâm khu dân cư; vị trí thứ 2 Đại đội của tôi đảm nhiệm, cao 250m hình tróp nón; có lô cốt, bao quanh là 5 hàng rào đơn.

Chếch sang bên trái khu Hội đồng khoảng 300m là cổng doanh trại của căn cứ địch do Đại đội 5 (C5) đảm nhiệm (mũi chủ công của Tiểu đoàn 8). Đại đội 6 (C6) phối hợp với xe tăng của Quân khu đánh trên Quốc lộ 24 vào căn cứ. Nhận nhiệm vụ xong, 3 giờ sáng nhóm chúng tôi trở lại núi, lên đến vị trí hầm đặt pháo mặt đất của E pháo binh 576 thở phào nhẹ nhõm, ngồi nghỉ ngơi.

Khi đó, anh Tăng nói với anh Phạm Văn Hồng b trưởng B1 và anh Vi Văn Đắm b trưởng B2: Điểm A2 đánh rất khó vì hình chóp nón, có hàng rào, có lô cốt, vị trí đứng khai hỏa B-40 trống trải, bắn tà dương đạn sẽ vọt qua lô cốt nên cản trở việc tấn công của ta. Trên đường tiếp cận điểm A1 (Hội đồng) của trung đội 3 qua làng của người Hrê, đội hình đông dứt khoát bị lộ. Người nhà của họ là lính trong đồn sẽ phát hiện ra bất thường nên Trung đội 3 đến đó phải cơ động nhanh để vào vị trí tiếp cận, khẩn trương đào hầm cá nhân trú ẩn chờ lệnh tấn công... 

Các cựu chiến binh Lữ đoàn 52 thăm lại chiến trường nơi diễn ra trận đánh Sân bay Giá Vực. Ảnh: Bá Sơn.
Các cựu chiến binh Lữ đoàn 52 thăm lại chiến trường nơi diễn ra trận đánh Sân bay Giá Vực. Ảnh: BÁ SƠN.

Sáng 12/9/1974, anh Tăng bảo tôi đi mời các cán bộ trung đội lên họp quân chính. Anh Tánh (Tiểu đoàn trưởng), anh Lương (Trợ lý tham mưu tiểu đoàn) xuống họp giao nhiệm vụ cho C7. Sau đó, anh Tăng giao nhiệm vụ cho các trung đội, phân công cụ thể từng mũi tiến công… Cuộc họp kết thúc, chúng tôi nhận cơ số đạn chiến đấu và chuẩn bị mọi điều kiện lên đường vào trận đánh…

Tối 16/9/1974, theo Quốc lộ 24 từng đại đội hành quân sang Giá Vực, 24 giờ đến xã Ba Tô, C5 và C7 rẽ sang trái, dừng nghỉ chân tại khu rừng ngay chân núi, C6 nằm lại Ba Tô để phối hợp với xe tăng, các đơn vị bạn cũng bắt đầu hành quân vào vị trí chiến đấu. Tại khu vực xã Ba Tô, lực lượng của ta nhộn nhịp tỏa đi các hướng.

Ngày 17/9/1974, máy bay L-19 địch bay lượn trên vùng trời Giá Vực liên tục, chúng đã phát hiện thấy địa hình thay đổi, con đường vượt lên triền núi để kéo các loại pháo mặt đất và pháo phòng không 37mm đã lộ ra những vệt cỏ tranh bị giẫm nát. Tối 17/9/1974, đội hình C5 và C7 chúng tôi hành quân lên điểm cao, đi qua triền dốc dài khoảng gần 1km toàn là cỏ tranh, lốp bánh pháo, người hành quân để lại những vệt cỏ nhừ nát.

Ngày 18/9/1974, chúng tôi nằm lại trên lưng chừng điểm cao nhìn xuống trung tâm Chi khu quân sự của địch, trận địa pháo mặt đất của ta đã bố trí sẵn, cây to đã được cắt gần đứt, pháo 85mm, 122mm đã khóa tầm, hướng, pháo phòng không 37mm trúc nòng sẵn sàng bắn. Thời điểm đó, có thể Tiểu đoàn biệt động biên phòng của địch biết lực lượng của ta chuẩn bị tấn công chi khu nhưng chúng cũng xác định sống mái với ta trận này.

Sáng sớm mây mù còn bao phủ khắp thung lũng, khoảng 9 giờ 30 phút tiếng phạch phạch của máy bay trực thăng to dần và lù lù xuất hiện, bay đảo lượn một vòng rồi đậu xuống sân bay dã chiến, khoảng gần mười người bước xuống, đi vào căn cứ Giá Vực. Oành oành oành oành, Oành oành oành oành; 2 loạt 37mm bắn, không trúng mục tiêu, cánh quạt chiếc trực thăng quay tít rồi nâng độ cao bay mất hút về hướng đồng bằng Quảng Ngãi.

Các cựu chiến binh Lữ đoàn 52 thăm lại chiến trường nơi diễn ra trận đánh Sân bay Giá Vực. Ảnh: Bá Sơn.
Các cựu chiến binh Lữ đoàn 52 thăm lại chiến trường nơi diễn ra trận đánh Sân bay Giá Vực. Ảnh: BÁ SƠN.

Thời gian cứ chậm chạp trôi, chúng tôi hồi hộp chờ đợi, không khỏi lo âu, bao nhiêu nỗi niềm lại ùa về trong mỗi người chúng tôi, những ký ức từng trận đánh, những mất mát thương vong của đồng đội… Trời tối dần, cây to trước hầm pháo đã cắt đổ xuống, để lộ khoảng không gian nhìn xuống căn cứ địch. Vào 22 giờ ngày 18/9/1974, chia tay các đồng đội pháo binh 576 chúng tôi xuống núi, rừng cây rậm rạp tối như bưng, cả đoàn quân lặng lẽ xuyên rừng đi. Đến 3 giờ sáng chúng tôi đến làng của người Hrê, C5 rẽ sang phía trái vòng qua làng để đến vị trí tiếp cận đánh trực tiếp vào cổng chính (nơi chiếc trực thăng đỗ xuống hôm trước), chúng tôi đi bên phải của làng.

Chó bắt đầu sủa ầm ĩ, tiếng gà vỗ cánh gáy ò ó o, mấy con trâu buộc ở gốc mít thấy hơi lạ nghếch mõm lên phì phì… chỉ còn khoảng 300m nữa là đến vị trí tiếp cận của C7 chúng tôi. Anh Tăng truyền lệnh vận động, chúng tôi bước trên lối mòn; đến rẫy mì anh nói: Triển khai vào vị trí, khẩn trương đào hầm. Anh Chinh (b trưởng B3) và anh Kính đào hầm ngay giữa rẫy mì, chúng tôi nằm cạnh hàng rào cây găng tiếp giáp giữa rẫy và ruộng lúa, đất đá rắn không sao đào nổi hầm. Đến 5 giờ sáng, địch phát hiện mũi của C7; hầm của anh Chinh bị lộ, địch bắn đại liên vãi đạn như mưa về phía chúng tôi. Anh Tăng bảo tôi: “Em lên bảo anh Chinh giữ bí mật, không được nổ súng”, tôi lom khom đi, đạn địch bắn chiu chíu. Vừa truyền lệnh cho anh Chinh, thì một tên lính ngụy rời lô cốt lăm lăm khẩu đại liên, vừa đi vừa nhả đạn về phía chúng tôi, anh Chinh trúng đạn hy sinh ngay miệng hầm, một lúc sau quả M-79 bắn trúng hầm, anh Kính hy sinh… 

Đúng 6 giờ sáng 19/9/1974, các khẩu đội pháo của ta bắt đầu khai hỏa bắn phá mục tiêu trong Chi khu quân sự, tên lính giật mình quay lại chạy, ngã lăn xuống ruộng. Pháo 85mm, 122mm, rồi các loại cối 60mm, cối 82mm, 120mm, 160mm thi nhau nhả đạn vào căn cứ Giá Vực và các chốt trên điểm cao bao quanh trung tâm chi khu quân sự, mặt đất rung chuyển. Tốp A-37 bay một vòng trên trời rồi lao xuống thả bom vào khu vực cửa mở, trúng đội hình của C5, còn địch bên trong căn cứ vẫn ngoan cố bắn ra như mưa, đại liên, M-79 và cối 61mm của chúng chống trả liên tục…

Đến 16 giờ ngày 19/9/1974, mũi chúng tôi được lệnh khai hỏa, khẩu đội 12,7mm đi cùng chúng tôi nhả đạn vào khu nhà Hội đồng. Vũ Văn Bút bắn liên tục hai quả B-41 vào lô cốt, RPD của Thơm gù nhả đạn, anh Tăng phát lệnh “xung phong”, chúng tôi băng qua thửa ruộng dưới làn đạn 12,7mm yểm trợ, đến chân lô cốt lựu đạn, chúng tôi ném bộc phá. Lúc đó, 12,7mm dừng bắn, mọi người lao lên, nhảy xuống chiến hào chĩa súng vào khu Hội đồng nhả đạn... Anh Châu phất lá cờ Quân Giải phóng phấp phới, khẩu đội 12,7mm cơ động ở giữa sân Hội đồng. Mặc dù lực lượng của ta khóa chặt chi khu quân sự, nhưng tiểu đoàn Biệt động biên phòng địch vẫn ngoan cố chưa chịu đầu hàng…

Sáng 20/9/1974, từ Quốc lộ 24, C6 của Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 406 của Tỉnh đội Quảng Ngãi có xe tăng dẫn đường từ hai hướng ào ạt vào vị trí chiến đấu, các loại hỏa lực của ta tiếp tục bắn vào căn cứ, bọn địch kéo nhau chui qua hàng rào định chạy về chân núi phía tây, khẩu đội 12,7 bắn truy quét, tôi bắn liền 9 quả M-79 về hướng địch tháo chạy, anh Tăng bắn thêm 5 quả nữa; lực lượng bộ binh của C5 và các đơn vị bạn được lệnh xông lên đánh chiếm toàn bộ khu trung tâm Giá Vực.

Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, địch sợ hãi vẫy cờ trắng xin hàng; trên điểm cao A2 đúng như dự đoán trung đội 1 và trung đội 2 gặp khó khăn, địch chống trả quyết liệt, Nguyễn Văn Hoàn xạ thủ B-40, Đào Sỹ Hoan hy sinh. Địa hình dốc đứng, cối 60mm và cối 82mm của ta bắn cấp tập, cuối cùng tên đại đội trưởng ngụy cũng phải vẫy cờ trắng đầu hàng.

Trong trận đánh Giá Vực, quân ta đã bắt sống và xóa sổ Tiểu đoàn 70 biệt động biên phòng của địch, loại khỏi vòng chiến đấu trên 500 tên địch, thu hơn 500 súng các loại và nhiều đạn dược quân dụng, giải phóng hoàn toàn huyện Ba Tơ, tạo thế liên hoàn cho vùng giải phóng từ đồng bằng đến miền Tây tỉnh Quảng Ngãi… 

Chiều 20/9/1974, Đại đội của tôi cơ động ra vườn mít trú chân và làm nhiệm vụ chôn cất liệt sĩ. Tôi mở nhật ký viết: “ĐÊM TIẾP CẬN / Đêm tiếp cận, lần dò từng bước/ Mắt mở tròn, xuyên ngược màn đêm/ Bò, lê, người mệt, đói mềm/ Chờ lệnh nổ súng, xông lên diệt đồn/ Trên nóc hầm, kìa tên lính gác/ Bắn cắc bòm, loạt đạn vu vơ/ Biệt động Ngụy, đâu có ngờ/ Bộ đội giải phóng, đợi giờ xung phong/ Từng chiến sĩ, dán mình xuống đất/ Súng lăm lăm, bí mật dõi trông/ Một viên pháo hiệu đỏ hồng/ Xé toang yên lặng, đồng lòng xông pha/ Những tiếng nổ, gầm vang chát chúa/ Địch kinh hoàng, thua chạy cong đuôi/ Rừng cây nảy lộc xanh chồi/ Giữ gìn độc lập, rạng ngời non sông”. 

TRẦN VĂN LŨY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 05:40, 20/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.