Hạnh phúc khi được sống giữa tình thương và lòng nhân ái

17:49, 05/08/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta trong 3 nhiệm kỳ trở lại đây, người đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng đã ra đi về với cõi vĩnh hằng. Song, những giá trị cao đẹp mà đồng chí đã để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là vô cùng quý giá và bất biến.


Trong cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" (xuất bản tháng 11/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ quan điểm và ý nghĩa về hạnh phúc: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Câu nói của đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một lời khuyên, mà còn là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta tìm về với những giá trị chân thật nhất của hạnh phúc.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc (tháng 7/2022). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc (tháng 7/2022). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.


Quan niệm về hạnh phúc của Bác Hồ
Trong bài "Thơ mừng năm 1961" được sáng tác vào đúng ngày đầu tiên của năm mới (1/1/1961), Bác Hồ đã khởi đầu bằng những câu thơ đầy phấn khởi: "Mừng năm mới, mừng xuân mới/Mừng Việt Nam, mừng thế giới/Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…". Qua đó, chúng ta có thể thấy quan niệm về hạnh phúc của Bác. Hạnh phúc đồng nghĩa với những gì tốt đẹp, mới mẻ và đầy tràn hy vọng.

Con đường dẫn tới hạnh phúc, theo Bác không chỉ là của riêng ai mà là của tất cả mọi người, không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn cho toàn thế giới. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về hạnh phúc vì thế gắn liền với những giá trị nhân loại phổ quát, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.


Trong suốt chiều dài lịch sử, con người luôn khao khát và nỗ lực để vươn tới hạnh phúc. Hạnh phúc là một biểu hiện rõ nét của tính người, điều mà triết học văn hóa hiện nay đang cố gắng lý giải, phân tích và tổng kết để tìm ra một mô hình con người mới. Những điều giản dị và cao cả về hạnh phúc đã tồn tại đầy đủ và hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Bác Hồ, con người hạnh phúc trước hết là người có lý tưởng, sẵn sàng phấn đấu, cống hiến và hy sinh vì mục tiêu cao cả, tốt đẹp của dân tộc và nhân loại. Lý tưởng đi đôi với niềm tin. Người giàu lý tưởng cũng là người giàu niềm tin.


Bác Hồ coi hạnh phúc là dành cả cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Người hy sinh hạnh phúc cá nhân để đi tìm hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Khi dân tộc hạnh phúc thì Người hạnh phúc: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho nên Bác Hồ của chúng ta là người hạnh phúc nhất vì có lý tưởng đẹp nhất và đã thực hiện thành công nhất lý tưởng ấy.


Hạnh phúc không chỉ là sự thỏa mãn trong hưởng thụ mà còn bao hàm cả vật chất và tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhìn thấy sớm nhất và đã có những giải pháp thiết thực, kịp thời nhất để giải quyết vấn đề này ngay từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Người đã đề ra chủ trương ưu tiên diệt giặc đói và giặc dốt. Bác Hồ cũng từng nói "Dân dĩ thực vi thiên" (Dân lấy ăn làm trời) để nhắc nhở cán bộ phải quan tâm đến miếng ăn cho dân. Bên cạnh việc lo cái ăn, cái mặc cho dân, Bác Hồ còn chăm sóc đặc biệt cho các cháu thiếu niên nhi đồng, mong muốn các em được hưởng thụ nền giáo dục mới: “Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà” (trích bài thơ "Tặng cháu Nông Thị Trưng").

Đoàn viên chi đoàn Báo Quảng Ngãi thực hiện công tác an sinh xã hội tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng(Tư Nghĩa). ẢNH: PV
Lãnh đạo và Chi đoàn cơ quan Báo Quảng Ngãi tặng quà cho các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). 


Bác Hồ là tấm gương vĩ đại, không chỉ là người lãnh đạo mà còn là người thầy, người chỉ đường cho nhiêu thế hệ trẻ trên con đường phấn đấu vì sự nghiệp chung. Đây chính là nguồn cảm hứng sâu sắc để chúng ta noi theo và thực hiện lý tưởng hạnh phúc mà Người đã để lại.


Giá trị của hạnh phúc 
Hạnh phúc của con người là gì? Những điều kiện nào để con người cảm nhận được hạnh phúc? Giải nghĩa vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một câu nói đầy sức thẩm thấu: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". 


Câu nói này của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã giúp chúng ta nhận ra rằng hạnh phúc không chỉ đơn giản là sự giàu có vật chất, mà còn đòi hỏi sự giàu có của tâm hồn và nhận thức. Chúng ta không thể phủ nhận rằng tiền bạc và các điều kiện vật chất đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một cuộc sống ổn định. C.Mác từng nói: "Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa". Điều này nhấn mạnh rằng, việc đảm bảo một mức độ dư dả về vật chất là cơ bản và cần thiết.


Tuy nhiên, chỉ dựa vào sự giàu có vật chất để định nghĩa hạnh phúc thì không phải lúc nào cũng đúng đắn và bền vững. Xã hội có thể trở nên lệch chuẩn nếu tất cả chúng ta chỉ chạy theo tiền bạc, coi nó như thước đo duy nhất của thành công và hạnh phúc. Quan điểm xem trọng tiền bạc một cách cực đoan và tôn thờ vật chất có thể dẫn đến sự phá vỡ các giá trị đạo đức và xã hội.


Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" còn phê phán về lối sống thực dụng, chỉ biết chạy theo đồng tiền và xu hướng khoe mẽ vật chất. Những điều này đang đối lập hoàn toàn với thuần phong mỹ tục và bản sắc của người Việt Nam. Hạnh phúc thực sự phải xây dựng từ những giá trị nhân văn, đạo đức và công bằng xã hội. Đây cũng là một cái nhìn biện chứng về hạnh phúc, kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật chất và tinh thần. Trong đó, cuộc sống tinh thần đóng vai trò cốt lõi trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Nó bao gồm sự phong phú về tâm hồn, tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Đoàn viên chi đoàn Báo Quảng Ngãi thực hiện công tác an sinh xã hội tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng. ẢNH: PV
Đoàn viên Chi đoàn Báo Quảng Ngãi thực hiện công tác an sinh xã hội tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng. ẢNH: PV


Nếu một người chỉ có tiền bạc nhưng thiếu những yếu tố tinh thần này, thì không thể nói người đó đang sống hạnh phúc. Hành trình xây dựng hạnh phúc thực sự đòi hỏi sự cân bằng giữa hai yếu tố, vật chất và tinh thần, mỗi yếu tố hỗ trợ và làm điều kiện tiền đề cho nhau.


Văn hóa Việt Nam với sự phong phú về tâm hồn và giá trị nhân văn đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Những phẩm giá như lòng nhân ái, sự công bằng và những giá trị đạo đức chính là những yếu tố làm nên hạnh phúc con người. Chúng ta cần duy trì và phát huy những giá trị này để xây dựng một xã hội hạnh phúc thật sự. 


Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu quan niệm về “Hạnh phúc của con người” có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn trong nhận thức và hành động, hình thành niềm tin và lý tưởng sống cao đẹp đối với thế hệ thanh niên Việt Nam chúng ta ngày nay. Câu nói ấy cũng thực sự thấm thía đối với mỗi chúng ta, có ý nghĩa lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, góp phần to lớn trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Phạm Danh Xuất bản lúc: 17:49, 05/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.