Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức công đoàn

10:01, 09/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam, sớm giác ngộ và thức tỉnh giai cấp công nhân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sứ mệnh của tổ chức công đoàn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Công đoàn Việt Nam. Người sớm nhận thức được vai trò của công đoàn: Tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, là trường học tổ chức, giáo dục, đoàn kết công nhân, trường học quản lý công nghiệp xã hội chủ nghĩa, trường học của chủ nghĩa cộng sản.

Ngày 28/7/1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam, tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay.

Đảng bộ Liên đoàn Lao động tỉnh kết nạp đảng viên là đoàn viên thuộc Quỹ Trợ vốn công nhân lao động tự tạo việc làm.
Ảnh: QUANG TUYẾN
Đảng bộ Liên đoàn Lao động tỉnh kết nạp đảng viên là đoàn viên thuộc Quỹ Trợ vốn công nhân lao động tự tạo việc làm. Ảnh: QUANG TUYẾN

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Người thường xuyên quan tâm đến công tác công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường... Trực tiếp Bác Hồ đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”; đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ BHXH để duy trì hoạt động công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức công đoàn: Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện tốt, cán bộ công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân: “Ý thức làm chủ tập thể và cần kiệm xây dựng nước nhà”, “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”, “Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức”.

Người yêu cầu công đoàn các cấp phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ. Công đoàn các cấp cần phải cải tiến lề lối làm việc, sâu sát và thiết thực; phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức.

Nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”. “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”.

Trong 95 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, ngay sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, công đoàn các cấp đã thực hiện ba khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác; từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động.  

Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.

Tổ chức công đoàn các cấp đã đẩy mạnh triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đề cao vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở;  chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cải tiến, đổi mới lề lối làm việc... Tổ chức công đoàn tăng cường góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động.

Quan tâm, chăm lo người lao động

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian tới, tổ chức công đoàn cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tổ chức công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, vì người lao động. Tiếp tục coi trọng và đổi mới nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn các cấp, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo người lao động đóng góp trí lực, sức lực của mình cho sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn. 
Ảnh: QUANG TUYẾN
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: QUANG TUYẾN

Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ về mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế. Quan tâm xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ công đoàn phải hiểu người lao động, trăn trở vì người lao động, đi sâu, đi sát với cơ sở. Cán bộ công đoàn không những phải “giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế”; “phải thực sự lao động” và gần gũi công nhân, “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn bám sát thực tiễn cơ sở, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Phát huy và làm tốt việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với hình thức phù hợp. Tăng cường giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những cán bộ, đoàn viên công đoàn xuất sắc...

NGUYỄN THANH HOÀNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:01, 09/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.