Bác Hồ với các nhà báo năm 1960. ẢNH: TL |
Để có được buổi chiều 2/9/1945 rực rỡ thu vàng trên Quảng trường Ba Đình, qua làn sóng điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập và lễ ra mắt Chính phủ mới, những người làm báo của chính quyền cách mạng đã phải mất 10 ngày khẩn trương “thành lập một đài phát thanh quốc gia càng sớm càng tốt, cần kíp phục vụ cách mạng”. Để rồi, 5 ngày sau, ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức ra đời. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhớ lại: “Từ Tân Trào về tới Hà Nội, Bác Hồ đã chỉ thị cho Bộ Nội vụ và Bộ Tuyên truyền phải sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là cần xây dựng ngay Đài Phát thanh Quốc gia. Vì chỉ có làn sóng phát thanh mới vượt biên giới quốc gia không cần hộ chiếu, chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đập lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc cách mạng và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam”...
Phóng viên các cơ quan báo chí đang tác nghiệp. ẢNH: PV |
Ba mươi năm vừa kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là quãng thời gian báo chí cách mạng Việt Nam phát triển không ngừng. Ngoài các cơ quan báo chí lớn như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cứu quốc, Tạp chí Cộng sản; các báo Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ, Lao động, Tiền phong và hàng loạt tờ báo, tạp chí của các tổ chức đoàn thể, bộ, ngành, các đài phát thanh - truyền hình từ trung ương đến địa phương, báo Đảng các tỉnh, thành phố lần lượt ra đời, làm cho hệ thống báo chí cách mạng ngày càng lớn mạnh, trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một số tờ báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần xứng đáng vào thành quả của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Phóng viên các cơ quan báo chí đang tác nghiệp. ẢNH: PV |
Chúng ta đã có một nền báo chí với thế hệ những nhà báo - chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Trong thời kỳ xây dựng, phát triển, đổi mới và hội nhập, vẫn truyền thống ấy, báo chí tiếp tục là cầu nối giữa Đảng với dân, là diễn đàn để nhân dân phát huy quyền làm chủ đất nước; giữ vững định hướng chính trị, phê phán, đấu tranh với cái cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới; báo chí luôn là tai mắt của Đảng, của dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; là công cụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Với bề dày truyền thống 99 năm, những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về sự lớn mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà, với hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh - truyền hình rộng khắp cả nước, gồm 127 báo và 670 tạp chí; 72 đài phát thanh, truyền hình; 41 nghìn người đang hoạt động báo chí, trong đó có hơn 19,300 nghìn người được cấp thẻ nhà báo. |
Tự hào về truyền thống vẻ vang, sự phát triển lớn mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà trong suốt 99 năm qua, những người làm báo hôm nay càng nhận thức rõ hơn trọng trách của mình trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đó là làm báo trong kỷ nguyên số. Thật đáng mừng là báo chí Việt Nam đã biết vượt lên chính mình để thay đổi và thích ứng kịp thời. Không chỉ ở trung ương, mà báo đảng địa phương, các đài phát thanh - truyền hình, cũng đổi mới nhanh chóng với mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện... giúp công chúng có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin chính thống. Đó cũng chính là quá trình xây dựng và phát triển nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi. Xây dựng nền báo chí nhân văn để có sức mạnh bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của xã hội.
Công nghệ phát triển có thể giúp nhà báo tác nghiệp thuận lợi hơn. Kiến thức giúp nhà báo điềm tĩnh để phát hiện ra những bất thường trong chuỗi sự kiện mà thoạt nhìn, tưởng chừng như hợp lý. Còn cái tâm trong sáng, bản lĩnh chính trị sẽ giúp nhà báo tự tin hơn với bản thân mình mà sẵn sàng dấn thân vì nghề nghiệp, tránh xa những cám dỗ tầm thường, làm tròn bổn phận công dân, chung tay xây dựng một nền báo chí cách mạng nhân văn, trách nhiệm trước vận mệnh của nước, của dân.
NGUYỄN VÂN THIÊNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: