(Báo Quảng Ngãi)- Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/1/2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Một nội dung quan trọng thuộc nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng được Nghị quyết nêu rõ: “Thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó”.
Tuy là “vấn đề cấp bách”, nhưng việc thể chế hóa chủ trương nói trên chưa thể triển khai sớm. Song, từ đây tinh thần phát huy vai trò của người đứng đầu từng bước được xác định trong nhiều văn bản của Đảng.
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" xác định việc phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. Cụ thể là bằng chủ trương thực hiện thí điểm: “Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp phiên bế mạc tại hội trường, vào sáng 18/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, tinh thần của Kết luận số 21-KL/TW được đưa vào nguyên tắc phân cấp: “Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”. Theo đó, trong mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, vai trò chủ động, dám chịu trách nhiệm trước tập thể của những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được xác định: “Có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện quyết định của tập thể về cán bộ, công tác cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách”.
Vấn đề tiếp theo là, cần có cơ chế đầy đủ tính chính trị - pháp lý để việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ chính thức được triển khai. Và Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ đã đáp ứng yêu cầu đó. Quy định cũng góp phần giải quyết những băn khoăn, vướng mắc trong nhận thức về chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và sinh hoạt Đảng.
Đó là, trong khoa học chính trị, việc đổi mới thể chế, sửa đổi, bổ sung, thay thế một văn bản lãnh đạo, điều hành luôn được cân nhắc cẩn trọng, nhất là chạm tới vấn đề có tính nguyên tắc. Từ trước đến nay, với nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo xác định: Mọi quyết định về công tác cán bộ đều gắn với vai trò của tập thể - cấp có thẩm quyền. Việc ai được vào danh sách nhân sự bầu cử, bổ nhiệm phải do từng thành viên trong tập thể giới thiệu, biểu quyết, lấy kết quả theo đa số. Như Quy định số 80-QĐ/TW yêu cầu, việc giới thiệu nhân sự tại chỗ để bầu cử, bổ nhiệm phải tiến hành theo 5 bước, mỗi bước đều tổ chức hội nghị tập thể có thẩm quyền, với ít nhất 2/3 thành viên được triệu tập có mặt, mỗi thành viên hội nghị đều có trách nhiệm giới thiệu nhân sự, kết quả giới thiệu của bước trước là cơ sở để thực hiện giới thiệu trong bước tiếp theo...
Vai trò của người đứng đầu tương đương mọi thành viên khác. Nếu trong thảo luận tại hội nghị giới thiệu, người đứng đầu thể hiện sự thuyết phục cao về nhân sự mình giới thiệu, thì có thể được các thành viên khác đồng ý với mình. Nếu đó là nhân sự thực sự tài đức, được tập thể ủng hộ, sau bổ nhiệm sẽ rất thuận cho công việc chung. Nhưng với những tình huống khác, như tập thể thiếu đoàn kết, nhất trí; một bộ phận thành viên có tình trạng cục bộ, “nhóm lợi ích”; người đứng đầu không thật công minh; thông tin về các nhân sự trong quy hoạch thiếu đầy đủ... thì dù qua 5 bước, việc giới thiệu cũng có thể cho ra kết quả nhân sự không đáp ứng yêu cầu. Người được chọn về sau không phát huy được, hoặc bị phát hiện có khuyết điểm trước đó mà vẫn được bổ nhiệm, thì trách nhiệm sẽ là của tập thể; rất khó để quy trách nhiệm thấu đáo, rõ ràng cho cá nhân nào.
Tuy nhiên, hiện nay trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, người đứng đầu sẽ liên đới chịu trách nhiệm trước những khuyết điểm, sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Đã có một số cán bộ từng được đánh giá cao về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, song khi trên cương vị người đứng đầu lại hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý, để cán bộ dưới quyền vi phạm khuyết điểm, buộc phải xin từ chức... Đó là bài học cho mỗi cá nhân, nhưng cũng là vấn đề đặt ra đối với Đảng: Làm thế nào để vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu được xác định rõ hơn, để trong mỗi công việc, họ dám làm, dám chịu và phải chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình? Đồng thời, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng có cơ chế phát huy vai trò người đứng đầu và kiểm soát được quyền lực trước, trong và sau khi người đứng đầu thực hiện quyền được giao.
Quyết tâm đổi mới công tác cán bộ của Đảng
Sự ra đời của Quy định số 142-QĐ/TW cho thấy sự quyết tâm đổi mới công tác cán bộ của Đảng. Quy định 142 gồm 7 điều, xác định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu và việc tổ chức thực hiện quy định. Thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm, áp dụng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên. Việc thực hiện quy định phải đảm bảo nguyên tắc: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị”.
Quy định xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; giới thiệu nhân sự bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp; trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của tập thể, cá nhân liên quan.
Là thí điểm, nên tùy tình hình, người đứng đầu có thể thực hiện hoặc không thực hiện thẩm quyền theo quy định. Nếu thực hiện, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với nhân sự do người đứng đầu giới thiệu. Nếu có vấn đề sai phạm, việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu được cấp có thẩm quyền thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan.
Có thể thấy, là một chủ trương thí điểm, phạm vi quyền, trách nhiệm của người đứng đầu không phải là tất cả ở mọi cấp, mọi khâu của công tác cán bộ. Thí điểm thành công, Trung ương Đảng có thể cho triển khai đại trà, và tiếp tục tổ chức thí điểm đối với những nội dung khác của công tác cán bộ. Nếu không thành công, những vướng mắc, bất hợp lý cũng được chỉ rõ... Để có câu trả lời thỏa đáng, rất cần sự nhận thức đầy đủ, triển khai nghiêm túc của các tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và sự tin tưởng, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương thí điểm này.
Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: