Chiến thắng 30/4 sống mãi trong ký ức của những người lính

06:36, 30/04/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Với những người lính từng tham gia kháng chiến chống Mỹ thì chiến thắng ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, non sông nối liền một dải vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức.
 
KÝ ỨC HÀO HÙNG
 
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi vinh dự được gặp Đại tá Phan Long Châu, người từng sống và trực tiếp chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ để sống lại không khí của mùa xuân thống nhất.
 
Ông Châu nguyên là Chính trị viên Huyện đội Đức Phổ, Chính ủy Trung đoàn 887. Nay ông đã tròn 80 tuổi, ở tổ 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi). Dẫu ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã lùi xa 49 năm, nhưng ông vẫn nhớ như in từng trận đánh, những ngày tháng “vào sinh ra tử”, với niềm xúc động xen lẫn niềm tự hào.
 
Hào hứng mở cho chúng tôi xem những kỷ vật đã từng gắn bó với ông suốt thời quân ngũ, đó là những bức ảnh những năm tháng học tại Học viện của Bộ Quốc phòng, huân chương, bằng khen… 
 
Ông Châu nhớ lại, khi tròn 18 tuổi, tôi thoát ly gia đình tham gia cách mạng, rồi được chuyển sang lực lượng trinh sát của Tiểu đoàn Bộ binh 83. Sau đó, tôi được điều động giữ các chức vụ Tiểu đội trưởng Trinh sát thuộc Tiểu đoàn Bộ binh 48, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 81 thuộc Trung đoàn 94 (Tỉnh đội Quảng Ngãi).
 
Chiến tranh lùi xa đã 49 năm, nhưng với Đại tá Phan Long Châu, nguyên là Chính trị viên Huyện đội Đức Phổ, Chính ủy Trung đoàn 887 thì chiến thắng ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức hào hùng.
Đại tá Phan Long Châu, nguyên Chính trị viên Huyện đội Đức Phổ, Chính ủy Trung đoàn 887 nhớ lại quá khứ hào hùng.

Ông Châu tâm sự, cuộc đời binh nghiệp của tôi trải qua vô số trận đánh lớn nhỏ, song trận đánh không bao giờ quên đó là trận đánh với lính Nam Triều Tiên tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), vào ngày 11/11/1966. 

Lúc này ông Châu là Quyền Đại đội trưởng Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 48. Ông đã cùng đồng đội chiến đấu quả cảm và tiêu diệt 200 quân địch. Cũng trong trận đánh này, ông bị đạn của địch bắn xuyên thủng đùi trái và chấn thương sọ não bất tỉnh. Cái ngày đau thương ấy ông không bao giờ quên, bởi 36 đồng đội của mình đã ngã xuống. Ký ức đau thương ấy vẫn hằn nguyên trong tâm trí ông.
 
Từng xông pha trận mạc, từng “vào sinh ra tử” và may mắn khi được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, người lính già luôn thấy vinh dự và tự hào. 
 
Cũng như ông Châu, trong miền ký ức của Trung tá Nguyễn Thiện Thực (82 tuổi), ở tổ dân phố 3, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), không khí sục sôi của những ngày tháng Tư lịch sử không thể nào quên. Ông Thực nguyên là Chính trị viên Huyện đội Tư Nghĩa,  Bí thư Ban Cán sự Huyện đội Tư Nghĩa; Huyện đội trưởng Huyện đội Tư Nghĩa. 
 
Trong những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông đã trải qua hơn 100 trận đánh. Ông Thực kể, nhiều lần tôi cùng đồng đội hóa trang, bí mật xâm nhập vào cứ điểm của địch, có những lần bị bại lộ, tôi và các đồng đội đã nhanh trí nổ súng tiêu diệt địch trước.
 
Cho đến bây giờ, ông Thực vẫn còn cảm giác bồi hồi xúc động khi nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử. Để có được những giây phút này phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao đồng bào, đồng chí và chiến sĩ.
 
 

Ngày 24/3/1975, Quảng Ngãi được giải phóng. Sau đó, quân và dân ta liên tiếp thắng trận ở các chiến trường. Từ đó, góp phần quan trọng cho những trận đánh, chiến dịch thắng lợi, đi đến chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

“Trưa ngày 30/4/1975, loa phát thanh vang lên bản tin đặc biệt có lời tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng do Tổng thống Dương Văn Minh đọc. Nghe xong mọi người mừng vui ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy dài rồi hét lớn: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất rồi”. Người dân hân hoan đổ ra đường đông nghịt, mang theo cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ vẫy chào, reo hò mừng ngày chiến thắng”, ông Thực xúc động nhớ lại. 
 
SÁNG MÃI PHẨM CHẤT BỘ ĐỘI CỤ HỒ
 
Trở về sau chiến tranh, những người lính như ông Châu, ông Thực mang trên mình nhiều thương tích, di chứng nặng nề, nhưng vẫn giữ mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, để vượt khó, tiếp tục sống có ích cho gia đình, xã hội, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
 

Trở về từ sự ác liệt của chiến tranh, những người lính mang trên mình nhiều di chứng, vết thương nặng nề, nhưng vẫn giữ mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khí chất cách mạng để vượt khó, tiếp tục sống có ích cho gia đình, xã hội, là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo.
Ông Nguyễn Thiện Thực (bên phải) cùng đồng đội luôn giữ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Tuy là thương binh 2/4, nhưng ông Châu vẫn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trần Hưng Đạo, rồi Bí thư Chi bộ tổ dân phố. Thương binh Nguyễn Thiện Thực cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tư Nghĩa.

Dù ở cương vị nào, những cựu chiến binh vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, vững vàng niềm tin và ra sức cống hiến để góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chia tay những người cựu chiến binh, những câu chuyện, những hồi ức của họ là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng để thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân quý giá trị của hòa bình và nỗ lực hết mình để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 
Xuất bản lúc: 06:36, 30/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.