Bắc Nam sum họp một nhà

07:04, 29/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 1954 - 1975, khi đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, trong mỗi người dân đất Việt đều trào dâng nỗi niềm nhớ thương và mong muốn đất nước hòa bình, thống nhất non sông.  
Nỗi niềm nhớ thương và ý chí khát vọng hòa bình, thống nhất non sông trong mỗi người dân đất Việt như được nói hộ qua những vần thơ. Trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" (5/1954) với chất giọng đầy hào khí, Tố Hữu kết thúc bằng câu mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ đã nói với Bidault, Smith đại diện của Pháp và Mỹ tại Hội nghị Giơ-ne-vơ: "Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/ Tre đã thành chông, sông là sông lửa/ Và trận thắng Điện Biên/ Cũng mới là bài học đầu tiên". Bài học đầu tiên ở đây là một dự cảm chính trị. Sau này nhà thơ Tố Hữu tiết lộ, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết có thể sau đó Mỹ sẽ can thiệp, hòa bình không chắc kéo dài, và cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước chắc sẽ phải tiếp tục. 
Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn, biểu tượng của sự kết nghĩa những năm 1960 giữa ba thành phố.
                                                                   Ảnh: TƯ LIỆU
Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn, biểu tượng của sự kết nghĩa những năm 1960 giữa ba thành phố. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong bài thơ dài "Ta đi tới", sáng tác tháng 8/1955, khi thể hiện niềm vui vô bờ bởi miền Bắc được giải phóng, nô nức trong công cuộc xây dựng quê hương, nhà thơ Tố Hữu dành nhiều nỗi niềm, tình cảm đối với miền Nam: "Ta đi tới, không thể gì chia cắt/ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến". Tố Hữu cũng đã viết: "Tôi viết cho ai bài thơ 61?/ Đêm đã khua rồi, rét về tê buốt/ Hà Nội rì rầm còi thổi ngoài ga/  Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa/ Tiếng sình sịch chạy dọc đường Nam Bộ" (Bài ca xuân sáu mốt). Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta nói một cách đơn giản mà thấm thía: “Miền Nam trong trái tim tôi”. 

Tình cảm Bắc - Nam, một tình cảm thiêng liêng không gì sánh được. Nhà thơ Tế Hanh quê gốc Quảng Ngãi đã tập kết ra Bắc. Ông đã thể hiện nỗi nhớ quê hương, tình cảm Bắc - Nam qua các bài thơ nổi tiếng như "Nhớ con sông quê hương", "Chiêm bao" (1956). "Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới/ Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ Không gành thác nào ngăn cản được!" (Nhớ con sông quê hương). "Chiêm bao bừng tỉnh giấc/ Biết là em đã xa/ Trên tường một tia nắng/ Biết là đêm đã qua" (Chiêm bao). Ý tưởng “ngày Bắc đêm Nam” là tâm trạng chung của những người tập kết ra Bắc, được nhà thơ nói hộ: "Ban ngày công tác bận/ Ban đêm dành nhớ em/ Ban ngày ở miền Bắc/ Ở miền Nam ban đêm". Chiêm bao mà cũng chính là dự báo, là niềm tin. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quả quyết: "Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà!".

 Đất nước bị chia cắt là nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam, bởi vậy trong mỗi người dân luôn khát vọng hòa bình, thống nhất non sông. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên khát vọng đó qua tác phẩm "Nối vòng tay lớn": “Rừng núi giang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà.../ Bàn tay ta nắm, nối tròn một vòng Việt Nam”.     

Nhớ lại những vần thơ thời kháng chiến, nhớ lại những tháng năm nhói đau khi nước nhà bị chia cắt, mỗi người đều cảm thấy trân quý độc lập, hòa bình, thống nhất của đất nước mình hôm nay.

CAO CHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 07:04, 29/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.