Tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số:

Cách làm sáng tạo ở Quảng Ngãi (kỳ 3)

09:46, 25/08/2023
.
 
 

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có vai trò và vị trí quan trọng đối với Quảng Ngãi trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Do đó, việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí công tác cho cán bộ là người DTTS được Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định là đầu tư cho lâu dài, bền vững đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Tiếp và làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trà Lâm (Trà Bồng) Võ Thị Mai Vỹ (39 tuổi) đã mang đến nhiều điều thú vị. Thoáng nhìn khó có thể nhận ra chị là đồng bào Cor. Đồng thời, ở độ tuổi còn khá trẻ, điều kiện đi lại còn khó khăn, nhưng chị đã hoàn thành chương trình cao học Quản lý công và từng đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện. Vì thế, khi được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Trà Lâm, chị Vỹ đã nhanh chóng nắm bắt công việc, cùng với lãnh đạo địa phương giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện nổi cộm ở địa phương, không để phát sinh đơn thư vượt cấp, được nhân dân tín nhiệm cao.

Chủ tịch UBND xã Trà Lâm (Trà Bồng) Võ Thị Mai Vỹ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người uy tín trong xã để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.         Ảnh: K.NGÂN
Chủ tịch UBND xã Trà Lâm (Trà Bồng) Võ Thị Mai Vỹ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người uy tín trong xã để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.         Ảnh: K.NGÂN

Mới đây, 2 hộ dân ở thôn Trà Hoa và Trà Lạc (Trà Hiệp) tranh chấp đất trồng keo với các hộ dân ở xã Trà Thủy, có nguy cơ hình thành điểm nóng. Nắm được thông tin, chị Vỹ cùng lãnh đạo thôn, xã, người có uy tín xuống tận cơ sở để nghe người dân trình bày vụ việc và phân tích đúng, sai trên cơ sở quy định pháp luật và tình người, được người dân đồng thuận. Ông Hồ Văn Banh, ở thôn Trà Lạc chia sẻ, nhờ sự phân tích của Chủ tịch UBND xã mà chúng tôi hiểu được vấn đềnên không còn tranh chấp nữa, cùng nhau đoàn kết hỗ trợ phát triển kinh tế.

Một điểm sáng nữa đối với nữ cán bộ trẻ này là chị Vỹ đã lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp khu dân cư, nên đến nay trên địa bàn xã đã xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không còn tình trạng tảo hôn. Cùng với đó là giúp những cán bộ lớn tuổi, người DTTS ở địa phương còn hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện các thủ tục hành chính. Chị Vỹ còn bố trí cán bộ trẻ am hiểu CNTT hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ thôn, xã ứng dụng CNTT trong công tác lãnh đạo, điều hành, mang lại hiệu quả cao.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân Đinh Văn Ơn thường xuyên xuống cơ sở để trao đổi với người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân Đinh Văn Ơn thường xuyên xuống cơ sở để trao đổi với người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân (Sơn Tây) Đinh Văn Ơn (người Ca Dong) cũng là một cán bộ năng động. Để gần dân, hiểu dân và nắm được tình hình, anh Ơn luôn duy trì việc đi cơ sở, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên... Nhờ đó, đến nay việc sinh hoạt của 8 chi bộ trên địa bàn xã dần đi vào nền nếp. Bí thư Chi bộ thôn Tà Dô Đinh Văn Phân cho biết, trước đây, việc phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS rất khó khăn. Nhưng với tấm gương sáng của đồng chí Ơn, nhiều đoàn viên, thanh niên đã giác ngộ được lý tưởng của Đảng, luôn phấn đấu để được kết nạp vào Đảng. Nhờ đó, hằng năm chi bộ đều hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên.

 

Trước đây, vùng đồi núi Nước Ta, xã Sơn Liên (Sơn Tây) là những rẫy mì, keo, quanh năm phụ thuộc nước trời, canh tác kém hiệu quả, nên người dân ít có cơ hội để thoát nghèo. Trước thực tế đó, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm đã mở ra một cơ hội rất lớn để người dân phát triển kinh tế. Đi đôi với việc vận động người dân  vào HTX, chị Trầm còn tuyên truyền, hỗ trợ người dân thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Với phương thức “cầm tay, chỉ việc”, chị đã giúp các thành viên HTX trồng ổi Soli theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 3 năm, vùng đồi Nước Ta đã đổi thay với những vườn ổi lúc lỉu quả trên diện tích trồng 5ha và hơn 17ha bưởi da xanh đang đến mùa cho quả. Ông Đinh Văn Thiếu, người dân tham gia trồng ổi, phấn khởi chia sẻ, nhờ hướng dẫn tận tình của chị Trầm, tôi tận dụng diện tích đất đồi gia đình để trồng ổi. Nhờ vậy, những năm gần đây, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn. Thu nhập từ vườn ổi gấp đôi so với trồng mì, keo trước đây.

 

Chị Trầm còn là Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh. “Chúng tôi đã xây dựng 1 cửa hàng chuyên bán các nông sản, đặc sản miền núi của huyện Sơn Tây tại TP.Quảng Ngãi. Đồng thời, thường xuyên tham gia các phiên chợ của tỉnh để giới thiệu sản phẩm của người dân đến với người tiêu dùng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào Ca Dong. Câu lạc bộ đã lan tỏa, khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi”, chị Trầm bộc bạch.

Chị Phạm Thị Trầm giới thiệu những sản phẩm  nông sản của huyện Sơn Tây.
Chị Phạm Thị Trầm giới thiệu những sản phẩm  nông sản của huyện Sơn Tây.

Vượt qua những khó khăn cố hữu trong công tác cán bộ ở địa bàn vùng cao, ở những nơi được tăng cường, bố trí cán bộ trẻ về công tác thì ở đó hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục sự trì trệ trong công tác lãnh đạo, điều hành.

 

Việc am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa, đời sống kinh tế ở vùng cao được coi là một lợi thế rất lớn của đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì thế, trong những năm qua, huyện Ba Tơ luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết, huyện coi việc tạo nguồn và phát triển cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý là nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Việc cơ cấu, bổ nhiệm cán bộ phải đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Cán bộ trẻ Lê Minh Vương thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp
Cán bộ trẻ Lê Minh Vương thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp

Với cách làm đó, huyện Ba Tơ đã khắc phục được tình trạng hẫng hụt cán bộ. Huyện phấn đấu trong nhiệm kỳ 2025- 2030, 2030 - 2035, tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy các cấp và các chức danh diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý bằng và có chỉ tiêu cao hơn quy định của trung ương.

Với Sơn Tây, toàn huyện có 222 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS (chiếm 28,3%). Trong đó, có 80 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (chiếm 36,03%). Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết, huyện xác định cơ cấu cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ, trẻ, người DTTS phải hài hòa, cân đối trong tổng thể đội ngũ cán bộ. Phấn đấu đạt tỷ lệ quy định của trung ương, tỉnh và phù hợp với điều kiện của địa phương và năng lực thực tiễn của cán bộ; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện. “Huyện sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ người DTTS. Bởi điều này không những góp phần đối với sự phát triển của địa phương, mà còn là nền tảng đảm bảo cho sự ổn định, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc”, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết.

Theo đồng chí Lê Văn Tùng, để đạt được mục tiêu đó, trước hết là nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về mục tiêu của đề án. Xây dựng môi trường giáo dục theo hướng phân luồng học sinh, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo cán bộ. Đẩy mạnh công tác khuyến học,  khuyến tài để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh, sinh viên là người Ca Dong có đủ điều kiện phát huy khả năng và năng lực của mình...

Có thể khẳng định rằng, đội ngũ cán bộ là người DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang có những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi.

 

Thực hiện: T.THUẬN - T.PHƯƠNG - K.NGÂN - H.THU
Trình bày: L.H

            

--------------

Kỳ cuối: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

 

                      

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:46, 25/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.