Ngày 12/11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 08 “về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đây là cách làm sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược, tầm nhìn lâu dài của Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong việc cụ thể hóa nhiệm vụ đột phá “về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”...
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định điều động 5 cán bộ trẻ về cơ sở vào tháng 3/2023 . Ảnh: Thanh Thuận |
Qua khảo sát, đánh giá của các cấp ủy trong tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vẫn còn một số mặt hạn chế, cần có cách làm khoa học, hiệu quả hơn...
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS ở Quảng Ngãi tham gia cấp ủy các cấp và giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn thấp, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy tỉnh chiếm 13,7%, cấp ủy huyện chiếm 14,6% (theo quy định của trung ương thì cán bộ nữ không dưới 15%). Đối với cấp tỉnh, tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các sở, ban, ngành chiếm 11,1%; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 4,4%; cán bộ người DTTS chiếm 1,5%. Đối với cấp huyện, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chiếm 9,2%; cán bộ người DTTS chiếm 4,6%; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm 4,6%...
Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng trao Quyết định của Thành ủy và chúc mừng đồng chí Phạm Tấn Phước. |
Theo đánh giá của Tỉnh ủy thì nguyên nhân chính của thực trạng trên là do tỉnh chưa có đề án tổng thể về công tác tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Vì thế, trong những năm qua, công tác này thực hiện chưa bài bản, còn dàn trải, thiếu đồng bộ, có lúc, có nơi chưa mạnh dạn bố trí sử dụng, chưa có định hướng chiến lược lâu dài.
Xuất phát từ thực tiễn đó, ngày 12/11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 08 “về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Tháng 3/2023, Thường trực Tỉnh ủy đã luân chuyển 5 cán bộ dưới 40 tuổi đang công tác ở cấp tỉnh về giữ các chức vụ Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã tại xã Bình Nguyên (Bình Sơn), Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), Hành Thiện (Nghĩa Hành), Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) và phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ). Đây là những cán bộ được đào tạo bài bản, đều có trình độ thạc sĩ, có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt và được quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, đây là một chủ trương lớn, mang tính đột phá của tỉnh. Mục tiêu của đề án là xem việc tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo trong hệ thống chính trị; khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ. Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2030 - 2035, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy các cấp và các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bằng và có tỷ lệ cao hơn quy định của trung ương.
Gần 10 năm giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, thầy giáo Phạm Tấn Phước được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) và đã bắt tay ngay vào công việc. Đến nay, đồng chí Phước đã 3 lần tiếp xúc, đối thoại với nhân dân các thôn Cổ Lũy Bắc - Vĩnh Thọ, Cổ Lũy - Làng Cá và Thanh An - Phú Thọ. Qua đó, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân đã được chỉ đạo giải quyết, như việc thiếu nước sinh hoạt của người dân thôn Cổ Lũy - Làng Cá đã được Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi triển khai đầu tư hệ thống cấp nước bằng hình thức sử dụng trước, trả tiền sau...
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) Phạm Tấn Phước trao đổi với người dân thôn Thanh An - Phú Thọ. Ảnh: Th.Thuận |
Cùng với đó, Đảng ủy xã đang tập trung lãnh đạo thực hiện các tiêu chí về thu nhập, cơ sở hạ tầng, công viên, cây xanh… để đưa xã trở thành phường vào năm 2025. Cho chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp thương mại đến đầu tư như Vinmart, Điện máy Xanh... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng chí Phước cũng là một trong ba đại diện của Quân khu 5 tham gia Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi cấp toàn quân diễn ra cuối tháng 7/2023 và đã đoạt giải Ba.
Với Bí thư Đảng ủy xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Ngô Thị Kiều Diễm (nguyên cán bộ của Hội Nông dân tỉnh) đã chọn cách tiếp cận công việc thông qua tham gia sinh hoạt chi bộ, khu dân cư ở 6 thôn trên địa bàn xã để nghe chia sẻ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. “Đây là cách nắm địa bàn hiệu quả nhất. Từ đó, tìm hiểu những lợi thế trong phát triển kinh tế, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024... để cùng với tập thể lãnh đạo bàn giải pháp thực hiện”, đồng chí Ngô Thị Kiều Diễm chia sẻ.
Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hành trao quyết định cho đồng chí Ngô Thị Kiều Diễm. |
Phát huy kiến thức chuyên ngành là thạc sĩ Nông học, đồng chí Diễm đã đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Đó là, nâng cao giá trị kinh tế đối với 300ha đất sản xuất lúa ở địa phương bằng cách xây dựng thương hiệu lúa Hành Thiện. Trước mắt là thử nghiệm sản xuất lúa giống, tiếp đến là sản xuất lúa chất lượng cao, đã được Chi bộ Hợp tác xã Nông nghiệp đồng tình cao.
Về giải pháp xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, đồng chí Diễm cho rằng, đi đôi với việc tiếp tục nâng cao đời sống người dân, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh... cần chú trọng đến môi trường sống của người dân, đó là phải xanh - sạch - đẹp và đảm bảo an ninh trật tự. Nhân rộng mô hình tuyến đường trồng cây lá màu ở thôn Vạn Xuân, vì ít tốn công chăm sóc và bền vững hơn...
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Đức Phổ Nguyễn Kiên trao Quyết định và chúc mừng đồng chí Đỗ Ngọc Thìn. |
Bí thư Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên, việc đưa cán bộ dưới 40 tuổi ở cơ quan cấp tỉnh về giữ vị trí chủ chốt ở cấp xã là chủ trương mới, có tính đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh. Địa phương có đồng chí Đỗ Ngọc Thìn được luân chuyển về giữ chức danh Chủ tịch UBND phường Nguyễn Nghiêm, một phường trung tâm của thị xã và đã phát huy được năng lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Nội dung: T.THUẬN - T.PHƯƠNG - K.NGÂN - H.THU
Trình bày: L.H