Quan niệm về văn hóa và đổi mới của Phạm Văn Đồng

10:04, 04/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong lời mở đầu của tác phẩm “Văn hóa và đổi mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng - nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc - đã đặt một vấn đề cấp thiết khi cho rằng: “Văn hóa và đổi mới là một đề tài có tính thời sự nóng hổi... nó mở ra những chân trời mới cho sự suy nghĩ và nghiên cứu, và từ đó vận dụng và thực hiện trong cuộc sống...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân (Mộ Đức).        Ảnh: TL
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân (Mộ Đức).        Ảnh: TL

Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng, "văn hóa và đổi mới" là quá trình vận động mang tính cách mạng và biện chứng chi phối đời sống xã hội, cần phải “nhận thức và vận dụng một cách thích hợp và có hiệu quả các quy luật của xã hội, con người cũng như của thế giới tự nhiên”. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm “Văn hóa và đổi mới” của đồng chí Phạm Văn Đồng.

Một trong những hệ giá trị đầu tiên được bàn đến trong “Văn hóa và đổi mới” là quan hệ giữa văn hóa và lịch sử. Trong tư tưởng Phạm Văn Đồng, giỗ tổ Hùng Vương không chỉ có giá trị lịch sử mà có giá trị văn hóa. Đây là sự kết tinh truyền thống văn hiến cao đẹp của dân tộc, rõ nhất là giá trị cố kết cộng đồng mà biểu hiện là văn hóa làng, một giá trị độc đáo làm nên sức mạnh dân tộc. Và hệ giá trị văn hóa làng độc đáo của dân tộc đã được đồng chí Phạm Văn Đồng nói đến trong “Văn hóa và đổi mới” với một nhận thức mới mang tầm thời đại. 

Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, văn hóa có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người. Văn hóa chính là bệ phóng đưa con người từ “vương quốc tất yếu” đến “vương quốc tự do”. Và với một quan điểm duy vật biện chứng khi nhìn lại lịch sử loài người, đồng chí khẳng định: “Vị trí, vai trò và tác dụng của văn hóa, một chiến công biết bao quý báu của con người, đã góp phần rất lớn trong việc “giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người”, mà đỉnh cao là sự phát triển tự do và toàn diện của mọi người. Đây cũng sẽ là đỉnh cao của sự phát triển văn hóa trong toàn bộ lịch sử loài người”. Như vậy, trong tư tưởng của đồng chí Phạm Văn Đồng, nền văn hóa dân tộc cũng như nền văn hóa nhân loại là “tính cộng đồng” và “xu hướng nhân văn hướng về con người”. Đây là những hằng số giá trị của mọi nền văn hóa, là cái gốc tạo nên giá trị văn hóa Việt, là tiền đề tạo nên giá trị văn hóa và đổi mới.

Một vấn đề cấp thiết khác cũng được đồng chí Phạm Văn Đồng quan tâm khi bàn về văn hóa và đổi mới đó là mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế. Với quan điểm nhân văn, đồng chí nhìn vấn đề phát triển kinh tế trong mối quan hệ biện chứng với văn hóa mà mục tiêu hướng đến là phụng sự con người. Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, “kinh tế, nói rộng ra là sự phát triển, gắn với văn hóa là nhằm phục vụ con người, phục vụ cộng đồng dân tộc”. Và với đồng chí Phạm Văn Đồng, “đổi mới là sự nghiệp của văn hóa và trí tuệ. Đổi mới trong việc phát triển nền kinh tế thị trường... đó cũng là vấn đề văn hóa và trí tuệ”.

 Với phương pháp tư duy khoa học và cái nhìn biện chứng về quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trên nền giá trị của tính nhân văn, đồng chí Phạm Văn Đồng đã phân tích sâu sắc và tinh tế về mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa và xã hội. Và vấn đề cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước là phải xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, để làm cơ sở phát triển nhân cách văn hóa con người. Vì nếu “để môi trường xã hội ngày càng bị ô nhiễm với những hiện tượng suy đồi có chiều hướng lan rộng ra và thấm sâu vào cuộc sống của con người, thì đó là một nguy cơ thực sự”. Để làm được điều này, một vấn đề cần quan tâm là việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên cả 2 bình diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Bởi lẽ, chỉ có trên cái nền văn hóa truyền thống mới xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh. Thoát ly văn hóa truyền thống dân tộc, chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng không chỉ trong lĩnh vực đạo đức mà ngay cả trong lĩnh vực tư tưởng. Truyền thống dân tộc bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc, là bệ phóng để hướng đến tương lai, hướng đến những giá trị hiện đại.

Có thể thấy, tư tưởng về văn hóa và đổi mới của đồng chí Phạm Văn Đồng không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn hóa mà còn liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống chính trị, xã hội. Đây là cái nhìn có tính biện chứng và cởi mở. Đó là cái nhìn không chỉ xuất phát từ cơ sở khoa học của phép biện chứng, mà còn là sự kết tinh từ cuộc sống. Vì vậy, đây là vấn đề không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Bởi lẽ, “đổi mới đã đem lại những thành tựu rất quan trọng, bởi nó hợp với quy luật của nước ta và xu thế của thời đại”. Chính cái nhìn biện chứng này đã cho ta thấy tư duy minh triết của một nhà văn hóa với nhân cách lớn - nhân cách Phạm Văn Đồng. Văn hóa và đổi mới trong tư tưởng của đồng chí Phạm Văn Đồng là văn hóa của tương lai nên nó sẽ sống mãi trong “dòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc...

THIỆN MỸ


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 10:04, 04/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.