Những người lính cầm bút

18:09, 25/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình tác nghiệp, dấn thân với nghề báo, chúng tôi - những người lính biên phòng, công an, đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt. Tất cả những kỷ niệm ấy trở thành hành trang quý giá, là động lực để chúng tôi phục vụ bạn đọc, phụng sự nhân dân ngày càng tốt hơn.

Lính biên phòng cứu nạn

Nhiều năm tác nghiệp trên biển, trải qua biết bao chuyến hải trình vất vả, nhưng tôi vẫn không quên thời khắc kinh hoàng khi cùng đi cứu con tàu của ông Trương Văn Có, ở thôn Đông An Hải (Lý Sơn). Đó là một đêm cuối tháng 11/2020, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 96001 TS do ông Có làm chủ cùng 3 lao động vào cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu) mua nhiên liệu. Trong lúc di chuyển gần đến phao số 0, thì luồng sóng lớn bất ngờ ập phía sau lái, làm con tàu rung lên bần bật. Linh tính chuyện chẳng lành, ông Có hô cho người trên tàu soi đèn để ông vượt qua cửa biển. Chưa dứt lời, luồng sóng thứ 2, thứ 3 liên tục “đánh bồi”, đẩy con tàu vào ghềnh đá. Phút chốc, chiếc tàu cá to bằng ngôi nhà cấp 4 vỡ tan. Từng mảnh gỗ trôi bồng bềnh trên mặt nước tựa như chiếc lá giữa mênh mông biển cả. Tai nạn khiến ông Có bị hất tung khỏi tàu, rơi xuống biển chấn thương, còn bạn thuyền đi cùng lạc nhau giữa đêm tối mịt mù.

Trung tá Nguyễn Văn Tánh (Khánh Toàn), công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chuẩn bị ra khơi tác nghiệp cùng đồng đội.              Ảnh: PV
Trung tá Nguyễn Văn Tánh (Khánh Toàn), công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chuẩn bị ra khơi tác nghiệp cùng đồng đội.              Ảnh: PV

Nhận tin báo, Đại úy Phan Xuân Huề  - nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ nhanh chóng báo cáo cấp trên và điều phương tiện chia thành 2 mũi phối hợp tìm kiếm. Có mặt trên chiếc tàu vỏ gỗ gần 700 mã lực cùng 3 chiến sĩ và 2 ngư dân đi cứu nạn, tôi trông thấy cột sóng lớn đập trực diện làm tàu cứu nạn dựng đứng. Chiếc máy thủy hiệu Hino - “trái tim” của con tàu nhả ra cột khói đen ngòm, rồi đột nhiên “ngừng đập” trong vài phút. Nhiều vật dụng trên tàu rơi loạn xạ. Các chiến sĩ và ngư dân lảo đảo. Ghìm chân vào mạn thuyền, những chiếc đèn pin liên tục lóe sáng quét qua màn đêm tìm kiếm người bị nạn. Hơn 2 giờ căng mình chống chọi sóng dữ, lần theo dấu vết, các chiến sĩ phát hiện ông Có và bạn thuyền mắc kẹt trong khe đá dưới núi Bàn Chân khổng lồ. Thông tin được truyền cho mũi tìm kiếm trên bờ. Chiến sĩ quân y biên phòng men theo mỏm đá đưa người bị nạn lên bờ hô hấp nhân tạo, ép đẩy lồng ngực, băng bó vết thương và chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Cho đến bây giờ, nhắc lại tai nạn của chồng, bà Mai Thị Hồng, vợ ông Có vẫn bồi hồi xúc động. Bà Hồng trải lòng, khi nghe tin tàu của gia đình tôi bị sóng đánh chìm, chồng tôi bị thương nặng, chân tay tôi rụng rời. Ôm đứa con chưa tròn tuổi, tôi ngã khuỵu xuống sàn nhà. Cả gia đình chỉ biết cầu mong anh Có được sống trở về. May có các chiến sĩ biên phòng cứu sống, không thì con tôi đã mồ côi bố. Ân tình này gia đình tôi luôn khắc ghi...

Ông Có là một trong hàng trăm ngư dân Quảng Ngãi được những người lính quân hàm xanh cứu nạn trên biển. Cứ mỗi lần nhận tin ngư dân bị nạn là tàu biên phòng lao nhanh về phía biển. Trong vai “người lính viết”, tôi cũng vội vã ôm máy quay theo chân các anh tác nghiệp. Tận mắt chứng kiến những cuộc giành giật mạng sống cho ngư dân giữa trùng khơi, tôi mới thấu hiểu được tấm lòng “Vì nhân dân quên mình...” của người lính biên phòng. Có những lúc, họ còn phải đối mặt với hiểm nguy đến tính mạng.

Chuyện xảy ra vào giữa tháng 10/2013. Thời gian này, tàu cá QNg 96569 TS do ngư dân Nguyễn Văn Lượng, ở huyện Lý Sơn làm thuyền trưởng hành nghề ở vùng biển Trường Sa trở về bờ bị rơi vào hoàn lưu bão số 11. Bão bẻ gãy bộ phận đạp nước của tàu, 16 ngư dân bị gió cấp 8, giật cấp 9 vắt kiệt sức, kêu cứu vô vọng. Lúc này, cửa biển Sa Kỳ đã "hàn kín" bởi những con sóng cao gấp 2 thân người, sấm chớp rền vang mặt biển. Vượt qua cửa biển, cứu ngư dân là việc mà các lão ngư và hàng trăm người đứng trên bờ theo dõi lúc bấy giờ đều cho là bất khả thi.

Nhận lệnh cấp trên, kíp cứu nạn biên phòng lên đường. Tàu BP 09-11-01 vừa trườn ra cửa biển, từng lớp sóng liên tục “đánh đòn phủ đầu”. Nước trùm lên con tàu, chui vào cabin gây sự cố chập điện, mất lái. Chiếc tàu hơn 3.000 mã lực loạng choạng, quay vào bãi đá ngầm. Vốn dạn dày sóng gió, nguyên Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2 Võ Văn Thơ và Trợ lý hải quân Huỳnh Công Minh động viên cán bộ, chiến sĩ giữ bình tĩnh, lấy chăn phủ lên tay lái chống điện giật và tiếp tục điều khiển tàu thoát ra cửa biển. Cuộc giải cứu ngư dân của người lính cứu nạn biên phòng diễn ra sau đó như một trận “thủy chiến”, mà ưu thế nghiêng hẳn về những con sóng. Suốt 4 giờ liền, các chiến sĩ biên phòng đội sóng, đạp gió cùng ngư dân nối dây, cứu kéo không để con tàu rơi vào khu vực nguy hiểm; đồng thời kêu gọi tàu BP 09-19-01 ra ứng cứu. Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái chính là sức mạnh diệu kỳ để người lính đưa tàu cùng ngư dân bị nạn đến bến bờ an toàn.

“Đóng quân ở biên giới biển, người lính quân hàm xanh như “chiếc phao cứu sinh” của nhân dân ở các làng chài trong lúc thiên tai, hoạn nạn. “Người lính viết” như tôi được chứng kiến từng khoảnh khắc ấy là kỷ niệm không phải ai làm báo cũng có được”.

Trung tá NGUYỄN VĂN TÁNH

 

“Giải cứu” nhân vật

Năm 2021, từ thông tin của cán bộ Công an xã Trà Sơn (Trà Bồng) về một người cha đến Công an xã báo trường hợp con gái đang là học sinh lớp 9 đã nghỉ học đi làm, sau đó bị đưa vào cơ sở karaoke. Do bị chủ karaoke thu giữ điện thoại, nên gia đình không thể liên lạc với em. Thông tin giá trị duy nhất công an có được là cơ sở karaoke có tên H.G, còn nơi giữ cô gái chỉ biết ở Quảng Ngãi. Tiếp nhận thông tin và trao đổi với người cha qua điện thoại, tôi cấp tốc tìm thông tin quán karaoke H.G qua mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè. Sàng lọc từ danh sách các quán karaoke có tên H.G, tôi đã cùng nhóm bạn xâm nhập vào quán karaoke tại một xã ở huyện Tư Nghĩa. Để vào được quán cùng thiết bị quay phim nhưng không bị phát hiện, chúng tôi phải tính toán rất kỹ. Kết quả là, tôi và đồng đội  đã tìm được cô con gái của người cha nọ.

Trung tá Đỗ Thành Sự, công tác tại Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh, chụp ảnh cùng bà Phạm Thị Nở, người được đưa ra khỏi rừng sâu sau gần 20 năm, vì bị nghi cầm đồ độc.                     Ảnh: PV
Trung tá Đỗ Thành Sự, công tác tại Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh, chụp ảnh cùng bà Phạm Thị Nở, người được đưa ra khỏi rừng sâu sau gần 20 năm, vì bị nghi cầm đồ độc.                     Ảnh: PV

Lúc này, người cha đã từ huyện Trà Bồng lặn lội xuống TP.Quảng Ngãi tìm con. Biết được, tôi đã đưa người cha đến Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) trình báo tố giác tội phạm. Từ những thông tin tôi có được ở lần xâm nhập quán karaoke H.G và của người cha cung cấp, Phòng Cảnh sát hình sự đã cấp tốc kiểm tra quán karaoke trên. Mặc dù gắn bó với nghề đã lâu, trải qua nhiều chuyên án, nhưng tôi và cán bộ, chiến sĩ hình sự cũng phải rùng mình khi chứng kiến những cô gái bị nhốt trong "động quỷ", bị chủ cơ sở hành hạ với nhiều thương tích trong người. Tại đây, các cô gái bị tra tấn bằng nhục hình như lột đồ, châm điện, chặt ngón tay... Một số cô gái khắp người bầm dập, thâm tím, chằng chịt các vết thương. Khi được giải cứu, các cô gái như được tái sinh. Cô gái ở huyện vùng cao Trà Bồng gặp người cha ôm mừng trong nước mắt. Các đối tượng tham gia nhốt, tra tấn, hành hạ các cô gái bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Càng dấn thân với nghề, càng thấy bản thân trách nhiệm hơn trong đấu tranh với cái ác, cứu giúp những người lương thiện. Như câu chuyện tôi cùng chiếc máy camera theo nhân vật suốt nhiều năm trời nơi rừng sâu. Với mong ước những nếp nghĩ, nếp sống, những hủ tục không phù hợp sẽ được bài trừ, để những vụ việc đau lòng không tái diễn, đặc biệt là tệ nghi cầm đồ thuốc độc. Câu chuyện vợ chồng bà Phạm Thị Nở gần 20 năm trời trốn trong rừng chỉ vì hủ tục này khiến tôi trăn trở. Mỗi chuyến vào rừng với nhân vật, từng chi tiết cảnh sinh hoạt hằng ngày đầy gian khổ, tôi đều ghi lại qua ống kính. Lần nào cũng vậy, đến với vợ chồng bà Nở, ngoài dụng cụ tác nghiệp, tôi còn mang thịt cá, muối, mắm tặng ông bà.

Tôi tự hỏi, chẳng lẽ cuộc đời ông bà phải gắn bó mãi với rừng sâu? Phải tìm cách đưa ông bà về lại làng. Đem chuyện này trao đổi với chính quyền địa phương, tất cả đều đồng ý. Nhưng hành trình trở về không đơn giản. Phải sau nhiều chuyến vào rừng, với công an, cán bộ hội, đoàn thể cùng vận động, thuyết phục, vợ chồng bà Nở mới chịu rời rừng. Rồi phải khuyên nhủ người dân chấp nhận, không còn nghi kỵ người từng bị coi là "ma rừng". Một kết thúc có hậu, khi vợ chồng bà Nở trở về trong tình yêu thương của dân làng!

Những câu chuyện tôi kể trên đây là để chia sẻ rằng, khi thực hiện những thước phim, bài báo điều tra, nếu không có đam mê, day dứt với nỗi đau của nhân vật thì chắc chắn không thể đi đến tận cùng của sự việc.

KHÁNH TOÀN - THÀNH SỰ

 

 

Xuất bản lúc: 18:09, 25/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.