(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu tái lập tỉnh, báo chí Quảng Ngãi luôn đồng hành và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Báo chí Quảng Ngãi thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng bộ tỉnh.
Hồi tưởng lại hoạt động của Báo Quảng Ngãi trong những ngày đầu tái lập tỉnh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Lê Thị Xuân Hòa cho biết, ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Ngãi chính thức tái lập. Trước đó, vào ngày 25/5/1989, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định thành lập Báo Quảng Ngãi. Trong thời gian này, tôi đang là Phó phòng Phóng viên Báo Nghĩa Bình, cùng một số phóng viên Báo Nghĩa Bình quê Quảng Ngãi, được giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung để ra số báo Quảng Ngãi đầu tiên.
Nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hoàng Danh theo dõi thông tin trên báo Quảng Ngãi. Ảnh: Ý Thu |
Những ngày đầu hoạt động, bộ máy tổ chức của Báo Quảng Ngãi chỉ có Phòng phóng viên và Hành chính - Trị sự, với vỏn vẹn 6 người. Báo chưa có trụ sở, nên phải mượn tầng 2 của một cơ quan trên đường Lê Trung Đình (TX.Quảng Ngãi) để đặt trụ sở tạm thời. Vậy mà, tròn 1 tuần kể từ ngày tái lập tỉnh, vượt qua mọi khó khăn, báo Quảng Ngãi chính thức ra số đầu tiên (số 001) vào ngày 8/7/1989 và phát hành 10 nghìn tờ báo đến với độc giả trong toàn tỉnh.
Tại trang 1 của số báo đầu tiên, báo Quảng Ngãi đăng toàn văn Quyết định của Bộ Chính trị ngày 4/3/1989 và Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 5 ngày 30/6/1989 về việc chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Cùng với đó là bài viết của đồng chí Đỗ Quang Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với tựa đề “Nhận rõ tình hình, nắm vững phương hướng, mục tiêu, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi tăng cường đoàn kết nhất trí vững bước tiến lên”. Bài viết đã mang đến sự quyết tâm vượt qua khó khăn của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi sau khi tái lập tỉnh.
Cũng trong sáng ngày 8/7/1989, nhân kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khai mạc, Đài Phát thanh Quảng Ngãi chính thức đưa chương trình lên sóng vào lúc 5 giờ 30 phút. “Khi nhạc hiệu là bài Du kích Ba Tơ và lời xướng của phát thanh viên “Đây là Đài Phát thanh Quảng Ngãi” đồng loạt vang lên làm mọi người cùng vỡ òa niềm vui và xúc động. Bởi kể từ cuối năm 1975, khi Đài Phát thanh Quảng Ngãi hợp nhất với Đài Phát thanh Bình Định thành Đài Tiếng nói Nghĩa Bình, thì lúc này người dân Quảng Ngãi mới được nghe lại trên sóng phát thanh câu danh xưng gần gũi và thân thương đó”, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi Hoàng Danh nhớ lại.
Ông Hoàng Danh cho biết thêm, để đưa Đài Phát thanh Quảng Ngãi đi vào hoạt động ngay sau khi tái lập tỉnh, thì yêu cầu phải có thiết bị đồng bộ. Nhưng vấn đề đặt ra lúc đó là nếu trang bị máy phát sóng mới, đòi hỏi phải có kinh phí lớn, trong khi tình hình ngân sách của tỉnh đang hết sức khó khăn. Trước thực trạng đó, Đài đã đưa ra phương án khôi phục máy phát sóng 10KW của Mỹ từ lâu không sử dụng tại Trạm phát xạ An Nhơn của Đài Nghĩa Bình và được UBND tỉnh đồng ý. Để khôi phục máy, Đài cử cán bộ kỹ thuật vào TP.Hồ Chí Minh tìm mua một số linh kiện sửa chữa máy phát sóng. Cùng với đó, Đài Truyền hình Việt Nam còn cử cán bộ kỹ thuật vào giúp tỉnh lắp đặt hệ thống truyền dẫn tín hiệu. Cán bộ kỹ thuật của Đài tỉnh vừa làm vừa học hỏi để chủ động cho việc vận hành sau này.
Cũng như Đài Phát thanh, sau khi có chủ trương chia tách tỉnh, cán bộ, nhân viên quê Quảng Ngãi làm việc tại Đài Truyền hình Quy Nhơn được phân công về TX. Quảng Ngãi làm nhiệm vụ chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để chuẩn bị lên sóng truyền hình đúng vào ngày công bố Quyết định tái lập tỉnh. “Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn trăm bề, nhưng cán bộ, nhân viên đài đã nỗ lực vượt khó để đúng 19 giờ ngày 1/7/1989, Đài Truyền hình Quảng Ngãi chính thức lên sóng. Khi nhạc hiệu là bài “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường” nổi lên và chữ Đài Truyền hình Quảng Ngãi xuất hiện, người dân Quảng Ngãi hân hoan đón nhận một loại hình báo chí mới - đó là báo hình”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Trần Cao Tánh cho biết.
Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, vượt qua khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình tỉnh đã mang đến cho bạn đọc, người nghe, người xem truyền hình những tin tức thời sự trên mọi lĩnh vực. Sau khi phát hành 10 nghìn tờ ở số báo đầu tiên, báo Quảng Ngãi duy trì xuất bản 10 ngày 1 kỳ, in từ 3.500 - 5.000 tờ/kỳ. Đài Phát thanh Quảng Ngãi phát sóng đều đặn 3 chương trình/ngày, có cả thời sự, ca nhạc và tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. Diện phủ sóng phát thanh của tỉnh lúc bấy giờ đạt trên 60%. Còn Đài Truyền hình Quảng Ngãi, lúc đầu phát sóng mỗi tuần 2 chương trình thời sự, mỗi chương trình 15 phút. Ngoài ra, còn có các chương trình ca nhạc, phim truyện, sân khấu, bóng đá do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Quy Nhơn in băng cung cấp để phát lại.
Ấn phẩm báo Quảng Ngãi số đầu tiên và một số ấn phẩm tiếp theo kể từ ngày tái lập tỉnh. Ảnh: Ý Thu |
Ông Hoàng Danh cho biết, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cán bộ, nhân dân địa phương vận dụng thực hiện, Đài Phát thanh Quảng Ngãi còn mở chuyên mục “Tiếp chuyện bạn nghe đài”. Qua đó, tăng cường phản ánh ý kiến của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp tại nhiều lĩnh vực; thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và nhân dân của cơ quan báo chí.
Trên báo Quảng Ngãi, ngay từ số báo đầu tiên, báo đã mở chuyên mục “Suy nghĩ - đề xuất”. Qua đó, các vướng mắc, khó khăn trong đời sống, sản xuất và kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp được gửi gắm đến chính quyền các cấp. Tiếp theo đó, ở các số báo sau, báo Quảng Ngãi tăng cường thêm các mục “Ý kiến bạn đọc”, “Ý kiến công dân”. Ở những mục này, nhiều ý kiến của người dân về mọi lĩnh vực đời sống đã được đăng tải qua các bài: “Niềm vui và nỗi lo hiện giờ của người nông dân”, “Cần quản lý chặt chẽ các đại lý bán lẻ vật tư nông nghiệp”, “Nghĩ về cây quế”, “Cò mồi”...
“Ở những mục này, nhiều kiến nghị xác đáng, nhiều hiến kế, đề xuất của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh lưu tâm, chỉ đạo thực hiện. Dấu ấn của báo Quảng Ngãi nhờ đó càng thêm đậm nét, trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân khi cần đề đạt tâm tư nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền”, bà Lê Thị Xuân Hòa chia sẻ.
LÀM NGHỀ BẰNG TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ Ông Nguyễn Thái Anh (65 tuổi), nguyên Trưởng phòng Thời sự phát thanh (Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi) kể, sau khi tái lập tỉnh, tôi là phóng viên của Đài Truyền thanh Tư Nghĩa và là cộng tác viên thường xuyên của Báo Quảng Ngãi. Chúng tôi đi về cơ sở bằng xe đạp, hoặc đôi khi phải đi bộ để lấy thông tin, tư liệu. Máy ảnh là phương tiện tác nghiệp hiếm hoi đối với đội ngũ làm báo chúng tôi thời ấy... Song, vượt lên trên tất cả những khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi vẫn hăng say làm nghề bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết. Phương châm của người làm báo chúng tôi là “Làm hết việc, chứ không hết giờ”. Trong những ngày đầu tái lập tỉnh, chúng tôi làm báo trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn chứ không đầy đủ, hiện đại như bây giờ. |
Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: