KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)
Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc (kỳ cuối) 

22:48, 08/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 6 này là tròn 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023). Đã 75 năm trôi qua nhưng sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước do Bác Hồ khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng lan tỏa sâu rộng, thiết thực. Phong trào thi đua yêu nước luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Kỳ cuối: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thực hiện lời dạy của Bác, từ các phong trào thi đua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, truyền lửa để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

           

CẦN CÙ TRONG LAO ĐỘNG

Tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc tổ chức vào đầu tháng 6/2023, có 45 cá nhân điển hình được UBND tỉnh vinh danh, khen thưởng. Dù khác nhau về hoàn cảnh, tuổi đời, công việc nhưng ở họ đều có điểm chung là tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu vươn lên, cống hiến cho xã hội bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Họ là những điển hình cụ thể, góp phần lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Ông Phạm Trung Trường (75 tuổi), ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) là người lớn tuổi nhất được biểu dương. Ông Trường là tấm gương tiêu biểu về tinh thần lao động cần cù, vượt khó. 

Ông Trường chăm sóc vườn ba kích. Ảnh: T.L
Ông Trường chăm sóc vườn ba kích. Ảnh: T.L

Từ năm 2002, ông bắt tay vào việc trồng rừng, đầu tư trang trại chăn nuôi heo thịt và gà siêu trứng cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động trong và ngoài địa phương. Nhưng rồi, ông trở nên "trắng tay" do thiệt hại bởi cơn bão số 9 năm 2009. “Từng là người lính nên tôi đứng lên được và vượt qua nhanh, nhưng những người làm công cho tôi thì họ mất việc. Nhìn cảnh họ bơ vơ, không có thu nhập để lo cho gia đình, lòng tôi nặng trĩu. Thế là tôi quyết tâm làm lại từ đầu. May mắn là tôi tìm được một công ty uy tín chuyên đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ đầu tư con giống và thức ăn, còn tôi xây dựng trại chăn nuôi... Khi xuất bán sản phẩm, công ty thu mua toàn bộ và ăn chia theo tỷ lệ hợp lý. Dần dần tôi hình thành trang trại chăn nuôi gần 30ha, tạo việc làm cho người lao động với thu nhập thấp nhất là 8 triệu đồng/người/tháng, cao nhất là 15 triệu đồng”, ông Trường chia sẻ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trường còn là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào ở địa phương. Ông đã hiến 16ha đất nông nghiệp để Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Tuyền Tung, đảm bảo phục vụ nước tưới cho 100ha lúa; hiến 8.000m2 đất nông nghiệp làm đường bê tông nông thôn; hiến 1ha đất để xây dựng Nghĩa trang nhân dân xã Bình An. 

Còn anh Tiêu Văn Cầm (48 tuổi), ở thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) là người tiên phong xây dựng và phát triển thành công mô hình nhà lưới trồng rau an toàn sử dụng bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Cách làm này đã mở ra hướng đi mới, giúp người trồng rau tiếp cận thị trường, mang lại thu nhập cao. Hay như anh Đinh Văn Thơ, dân tộc Hrê ở thôn Bầu Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi vịt đẻ trứng, nuôi bò lai sinh sản, ươm cây keo giống và làm dịch vụ sửa chữa xe gắn máy. Với tính cần cù, chịu khó, lại ham học hỏi nên anh Thơ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thành công, mỗi năm thu lãi gần 300 triệu đồng. Gia đình anh đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, tích cực đóng góp công sức, tiền của cho các phong trào ở địa phương.

                   

SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI TRẺ

Gần 15 năm công tác, anh Lê Mỹ Phước (35 tuổi) là một trong những “cây sáng kiến” tiêu biểu của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, với hàng chục sáng kiến cải tiến được đánh giá cao và áp dụng vào thực tiễn. Điển hình như sáng tạo cơ cấu trượt và dưỡng chép hình cắt vát trực tiếp sản phẩm có biên dạng phức tạp ống đường kính 711; cải tiến thay đổi bản vẽ thiết kế bằng cách cắt thẳng Angle Cẩu RMQC 6; sáng kiến thay đổi phương pháp cắt Angle của dự án Cẩu RMQC... Đặc biệt, với giải pháp “Cải tiến cơ cấu trượt và dưỡng chép hình cắt vát trực tiếp sản phẩm có biên dạng phức tạp ống đường kinh 711” đã tiết kiệm 1.290 giờ công cho công ty, giảm ngày cắt từ 125 xuống còn 44 ngày. Không những thế, lợi ích mang lại lớn hơn là lấy được niềm tin từ khách hàng Nhật Bản. 

Anh Lê Mỹ Phước -  Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam là người có nhiều sáng kiến cải tiến được đánh giá cao, mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị. ẢNH: THANH THUẬN
Anh Lê Mỹ Phước -  Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam là người có nhiều sáng kiến cải tiến được đánh giá cao, mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị. ẢNH: THANH THUẬN

Với vai trò là người quản đốc, làm việc trực tiếp với công nhân, anh Phước nắm bắt được những khó khăn, trở ngại trong quá trình làm việc. Từ đó, anh đã có nhiều sáng kiến để người lao động làm việc bớt nặng nhọc, đạt hiệu quả cao. Với nhiều giải pháp hữu ích, tháng 5 vừa qua, anh Phước là một trong số 54 gương mặt được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV.

Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, giúp nhiều đoàn viên, thanh niên có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và góp phần xây dựng quê hương. Anh Trương Quang Ninh (30 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV Nấm dược liệu Ninh Trương, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), là một trong những thanh niên tiên phong khởi nghiệp từ mô hình nuôi đông trùng hạ thảo ở Quảng Ngãi. 

Từ khi còn là sinh viên đại học, anh Ninh đã có ý tưởng về hướng đi riêng cho mình sau khi tìm hiểu về nấm đông trùng hạ thảo và khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh, đặc biệt là hỗ trợ điều trị ung thư. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Ninh về quê thành lập công ty riêng, vay vốn để xây dựng nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị và tiến hành sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Hiện nay, cơ sở của anh sản xuất 5 dòng sản phẩm là nấm tươi, nấm khô, nấm ngâm mật ong, nấm ngâm yến và rượu đông trùng hạ thảo. Trong đó, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khô SONITA, rượu đông trùng hạ thảo SONITA đã có mặt ở hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng.

              

NỀN TẢNG CỦA CÔNG TÁC THI ĐUA

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua. Mỗi người hãy bắt đầu từ chính ngày hôm nay - ngày Truyền thống thi đua yêu nước (11/6), cần trách nhiệm hơn với chính mình để thi đua yêu nước bằng những việc làm nhỏ bé nhất, bình thường nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần xung phong gương mẫu cho quần chúng noi theo, để mỗi công dân đều là một bông hoa đẹp, cả đất nước trở thành một rừng hoa đẹp. Mỗi công việc hằng ngày gắn với mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi cá nhân đó là nền tảng của công tác thi đua; có việc thì tạo ra phong trào thi đua. 

UBND tỉnh biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. ẢNH: THANH THUẬN
UBND tỉnh biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. ẢNH: THANH THUẬN

Thi đua là cho tất cả các đối tượng và mỗi cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm để cụ thể hóa trong lĩnh vực của mình. Mỗi đối tượng, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải có những nội dung cụ thể để triển khai thực hiện. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong phong trào, đồng thời tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các nhân tố mới, điển hình mới được khẳng định, phát huy và nhân rộng trong đời sống xã hội. 

Để triển khai hiệu quả phong trào thi đua trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên các cấp về ý nghĩa của hoạt động thi đua. Các phong trào thi đua phải có kế hoạch cụ thể, hướng tới mục tiêu cụ thể, tức là phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và có tiêu chí cụ thể. 

Phong trào thi đua phải hướng đến có chiều rộng và chiều sâu. Chiều rộng là triển khai phong trào ở rộng khắp trong tầng lớp nhân dân, ở mọi đối tượng trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xây dựng Đảng đến quốc phòng, an ninh; chiều sâu là triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh đang tập trung cho 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chung sức xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo... Nghĩa là phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm gắn với các cấp, các ngành để có những nội dung cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện. 

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn cả đó là việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện. Cán bộ, đảng viên phải là nòng cốt, hạt nhân của phong trào thi đua, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Phải làm cho phong trào thực sự trở thành động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Từ đó, xây dựng tỉnh Quảng Ngãi ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung và cả nước.

THANH THUẬN - HIỀN THU


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.