KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)
Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc (kỳ 2)

15:37, 07/06/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 6 này là tròn 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023). Đã 75 năm trôi qua nhưng sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước do Bác Hồ khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng lan tỏa sâu rộng, thiết thực. Phong trào thi đua yêu nước luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
   
Kỳ 2: Vì cuộc sống ấm no của nhân dân

Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” ở Quảng Ngãi lan tỏa sâu rộng bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân, mà thông qua phong trào thi đua này, nhiều câu chuyện đẹp về tình người được dệt nên từ lòng nhân ái.

                

LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH

Từng là hộ nghèo trong một thời gian dài, nhưng bằng ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên, ông Đỗ Văn Nam, ở thôn Bình Tân, xã Trà Bình (Trà Bồng) không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu và giúp lại những người khó khăn. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Nam cố gắng trồng trọt, chăn nuôi với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2012, ông tiên phong đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương. Được hỗ trợ vay 50 triệu đồng thông qua kênh của hội nông dân xã, ông đã mua chiếc máy cày trị giá gần 70 triệu đồng. Sau vài năm ăn nên làm ra, ông Nam tiếp tục mua thêm một chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá gần 200 triệu đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).  ẢNH: THANH THUẬN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).  ẢNH: THANH THUẬN

Không chỉ mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông còn Nam chịu khó phát triển mô hình chăn nuôi heo ky, vịt và trồng rau xanh. Dù thoát nghèo đã gần chục năm, có của ăn của để nhưng mùa nắng cũng như mùa mưa, vợ chồng ông Nam luôn cố gắng lao động, lấy công làm lời. Khoảng 6 năm trở lại đây, để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, ông đưa máy băm đất và gặt lúa miễn phí cho nhiều nông dân. “Tôi cũng từng là người nghèo nên hiểu được những khó khăn của người nghèo. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng san sẻ trong khả năng của mình để giúp người nghèo có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời”, ông Nam chia sẻ.

Ở thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân (Mộ Đức), xưởng may gia công của bà Nguyễn Thị Giáo, khác với những xưởng may khác ở chỗ, những người đi đường kim mũi chỉ nơi đây đều là người khuyết tật. Người cao tuổi nhất đã hơn 70 tuổi và trẻ nhất là 22 tuổi. Mỗi người có một dạng khuyết tật khác nhau; tay nghề không đồng đều nhau nhưng tất cả đều vui và lạc quan khi làm việc tại đây. Bản thân bà Giáo cũng bị khuyết tật vận động nên có lẽ sự đồng cảm, sẻ chia đã kết nối họ với nhau. 

Hơn 10 năm làm công nhân may ở TP.Hồ Chí Minh, tay nghề vững vàng nên khi về quê, bà Giáo vẫn tiếp tục với công việc may tại gia. Qua giới thiệu của Hội Người khuyết tật huyện Mộ Đức, nhiều người khuyết tật khó khăn đã tìm đến cơ sở của bà Giáo học việc. “Từ ngày có xưởng may của bà Giáo, những người khuyết tật ở địa phương có thêm điểm tựa. Thu nhập tuy không cao nhưng đủ trang trải cho bản thân mình, không còn cảm giác mình là người vô dụng như trước đây. Với chúng tôi, mỗi ngày được làm việc, được lao động là niềm vui”, ông Nguyễn Đắc (75 tuổi) có gần 5 năm gắn bó với xưởng may, bộc bạch.

Đến nay, cơ sở may của bà Giáo có từ 15 - 18 người khuyết tật làm việc, bình quân thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. “Tôi cũng từng vất vả kiếm việc làm, cũng từng tự ti, mặc cảm nên thấu hiểu. Giờ tôi điều kiện hơn thì hỗ trợ cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây", bà Giáo chia sẻ.                     

 
Bà Nguyễn Thị Giáo hướng dẫn học viên khuyết tật từng đường kim mũi chỉ. ẢNH: THANH THUẬN
Bà Nguyễn Thị Giáo hướng dẫn học viên khuyết tật từng đường kim mũi chỉ. ẢNH: THANH THUẬN
Bà Nguyễn Thị Giáo là một trong 5 điển hình thi đua yêu nước của tỉnh được đi dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bà Giáo cũng là cá nhân duy nhất của tỉnh được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong năm 2023. 
    
GIÚP NHAU GIẢM NGHÈO

Từng là hộ nghèo, thu nhập không ổn định, nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), gia đình anh Trần Văn Cường, ở tổ dân phố Trường Thọ Tây A có điều kiện để phát triển kinh tế. “Năm 2021, nhờ mặt trận phường hỗ trợ 15 triệu đồng mua máy may và máy vắt sổ mà vợ tôi có phương tiện để lao động, trung bình mỗi tháng thu nhập 7 - 8 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng phát triển”, anh Cường phấn khởi nói. 

Nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trương Quang Trọng luôn đồng hành hỗ trợ người nghèo ở địa phương trong phát triển kinh tế và ổn định chỗ ở. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trương Quang Trọng Bùi Hồng Hải cho biết, những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của cấp trên và nguồn vận động, hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường đều được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở kiên cố, trừ một số hộ vướng vào vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, mỗi năm, ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ ít nhất một phương tiện sinh kế cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ được hỗ trợ bò giống, bà Nguyễn Thị Huệ (bên phải), ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: T.L
Nhờ được hỗ trợ bò giống của Hội LHPN xã Nghĩa Dõng, bà Nguyễn Thị Huệ (bên phải) có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: T.L

Để giúp người nghèo có động lực vươn lên phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) thực hiện mô hình “Bò giống giảm nghèo” và hỗ trợ sinh kế theo nghề nghiệp cho hội viên. Mô hình “Bò giống giảm nghèo” được hội triển khai từ năm 2016. Hằng  năm, Hội LHPN xã Nghĩa Dõng hỗ trợ hộ nghèo mua bò giống từ nguồn kinh phí vận động và bán vé đêm văn nghệ “Tiếng hát yêu thương” do hội tổ chức định kỳ vào dịp đầu năm. Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Dõng Huỳnh Thị Nguyệt Lan cho hay, những năm qua, hội đã trao 8 con bò sinh sản cho phụ nữ nghèo, giá trị mỗi con từ 15 - 16 triệu đồng. Thông qua mô hình này đã có 7 chị thoát nghèo. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ sinh kế tùy theo nghề nghiệp của từng hội viên nghèo như xe ép nước mía, xe đẩy bán hàng...

Từ sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo ở huyện Ba Tơ đạt được kết quả đáng mừng. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm đạt từ 5 - 7% và là  một trong những huyện miền núi có tỷ lệ giảm nghèo hằng năm cao nhất tỉnh. Tháng 3/2022, Ba Tơ đã chính thức ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Đạt được kết quả này nhờ ý Đảng hợp với lòng dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, địa phương đã tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong, nòng cốt trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

  Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An thăm, tặng quà Tết thương binh Đinh Thị Sập ở xã Thanh An và gia đình ông Đinh Ly, ở xã Long Mai (Minh Long). Ảnh: T.L
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An thăm, tặng quà Tết thương binh Đinh Thị Sập ở xã Thanh An và gia đình ông Đinh Ly, ở xã Long Mai (Minh Long). Ảnh: T.L

Để tạo sự lan tỏa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, các sở, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng về phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và kết quả vận động Quỹ “Vì người nghèo”, chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững và các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả ở các địa phương...  tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đồng thời, tập trung vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp hộ nghèo có thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo. 

Tăng cường thực hiện bảo đảm an sinh xã hội; hướng dẫn hộ nghèo, người nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội... Qua đó, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, đầy tình thương và trách nhiệm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn mới giảm còn 7,96%.

THANH THUẬN - HIỀN THU

 

------------------
Kỳ cuối: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua



TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.