(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 6 này là tròn 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023). Đã 75 năm trôi qua nhưng sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước do Bác Hồ khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng lan tỏa sâu rộng, thiết thực. Phong trào thi đua yêu nước luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Kỳ 1: Lời hiệu triệu toàn dân
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Trương Ngọc Minh (gần 90 tuổi, ở phường Phổ Văn, TX.Đức Phổ) kể, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ lúc bấy giờ làm nức lòng người dân và làm sục sôi các phong trào, bởi tinh thần yêu nước trong nhân dân đã có sẵn với khát vọng đất nước hòa bình, độc lập, tự do. Cùng với cả nước, Quảng Ngãi thực hiện các phong trào thi đua ái quốc với 3 nhiệm vụ lớn là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Công trình thủy lợi Thạch Nham là một trong những thành quả tiêu biểu của Quảng Ngãi trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước những năm đầu tái lập tỉnh. ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Theo đó, hàng vạn thanh niên tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, hậu phương thì tăng gia sản xuất. Người người tham gia các lớp học, người biết chữ chỉ cho người không biết chữ... Đến thời kỳ chống Mỹ, Quảng Ngãi phát động xây dựng cơ sở cách mạng, thanh niên lên đường nhập ngũ, người dân tham gia nuôi giấu bộ đội, cán bộ cách mạng, tiếp vận lương thực, vũ khí... Nhờ thế mà vùng giải phóng được mở rộng, chiến công nối tiếp chiến công...
Sau giải phóng, nhất là thời điểm sau tái lập tỉnh, rất nhiều phong trào thi đua trở thành tiêu điểm cho mọi người phấn đấu, nhằm thực hiện những nhiệm vụ khó khăn của tỉnh lúc bấy giờ. Tư tưởng thi đua ái quốc của Bác ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực. Các phong trào thi đua được phát động rộng khắp, với tinh thần “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, lúc bấy giờ tôi còn công tác tại huyện Bình Sơn. Ngày đó, thi đua trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, làm thủy lợi, hồ đập, điện, đường, trường, trạm. Đặc biệt là thi đua hoàn thành đưa công trình thủy lợi Thạch Nham đúng tiến độ. Đây được xem là đợt thi đua, vận động lớn nhất của tỉnh. Hàng chục vạn ngày công công ích được huy động để thi công công trình.
Hàng trăm kílômét kênh mương ở kênh chính Bắc, kênh chính Nam được xây dựng hoàn thành, 50 nghìn héc ta hoa màu chủ động được nước tưới. Sau công trình thủy lợi Thạch Nham là xây dựng KKT Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Lúc đó, xã thi đua với xã, huyện thi đua với huyện. Những đơn vị thi công ngay trong KKT Dung Quất cũng thi đua với nhau. Những năm tháng đó không thể quên được. Từ thực tiễn cho thấy được sức mạnh to lớn của nhân dân qua những đợt thi đua.
Ngày 9/11/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 và quy hoạch KKT trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất (Bình Sơn) làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Kim Hiệu nhớ lại, lúc bấy giờ, tỉnh lấy việc xây dựng KKT Dung Quất làm công trình thi đua. Thi đua giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Cả hệ thống chính trị dồn sức cho công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh tổ chức một cuộc vận động lớn trong toàn dân, tuyên truyền cho dân biết đây là công trình trọng điểm quốc gia, là thời cơ của Quảng Ngãi. Xây dựng nhà máy lọc dầu thành công, xây dựng KKT Dung Quất thành công, đó là phong trào thi đua lớn nhất của tỉnh lúc đó.
Xác định thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy phát triển, Quảng Ngãi đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đều khắp trên tất cả các lĩnh vực. Các phong trào thi đua đã lan tỏa tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Quảng Ngãi phát triển bền vững.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự hài hòa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi. Xã Bình Dương (Bình Sơn) là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và hiện đang chờ thẩm định xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Một trong những bài học kinh nghiệm khi thực hiện xây dựng NTM ở xã Bình Dương là triển khai nhiều đợt thi đua cao điểm với những công trình, phần việc và thời gian cụ thể. Từ đó, tạo thành nhiều phong trào, thu hút nhiều lực lượng tham gia.
Đường giao thông ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) được bê tông sạch đẹp. ẢNH: MỸ HOA |
Trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2018, Nghĩa Hành đang ra sức thi đua giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tiến đến đạt chuẩn huyện NTM nâng cao trước năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục nâng cao chất lượng huyện NTM và xây dựng NTM nâng cao với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, huyện xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, là phong trào thi đua toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, huyện xác định vai trò của người dân quyết định đến sự thành công trong việc xây dựng NTM. Từ phong trào “Nghĩa Hành chung sức xây dựng NTM", huyện đã cụ thể hóa thành nhiều phong trào thi đua khác nhau. Điều đáng mừng là các phong trào đã được người dân hưởng ứng tích cực, tham gia cùng với chính quyền địa phương thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 97 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Thành phố Quảng Ngãi đang đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 9 xã đạt tiêu chí đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 26 xã đạt chuẩn NTM, 4 hộ gia đình và 20 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích đóng góp trong thực hiện phong trào NTM.
Công ty CP Đường Quảng Ngãi là một trong những đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, gần 20 sáng kiến cải tiến được công ty công nhận và áp dụng hiệu quả trong thực tế lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh và giữ vững thị trường. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, công ty chú trọng thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý, điều hành và xác định đây là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính phong trào này đã đóng góp vào sự phát triển của công ty, làm cho chất lượng sản phẩm ngày một nâng lên, mẫu mã được cải tiến, doanh thu ngày càng cao...
THANH THUẬN - HIỀN THU
-------------