(Báo Quảng Ngãi)- Trước năm 1975, tôi không biết từ đâu mà gia đình mình sở hữu một chiếc radio hiệu Sony. Nó chính là chiếc cầu nối nhanh nhất về tình hình chiến sự với người dân trong ngôi làng nhỏ của tôi. Tôi biết tin tức sớm về ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, rồi ngày miền Nam giải phóng cũng từ chiếc đài này.
Chờ mong tin giải phóng
Bây giờ, đi xe máy từ trung tâm TP.Quảng Ngãi qua khỏi Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây một quãng là đến ngôi làng nhỏ của tôi. Nhưng thời chiến tranh, đó là một khoảng cách "khá xa", phần vì đi lại khó khăn do đường làng quá bé, lầy lội vào mùa mưa, phần vì bị “kiểm soát” của lực lượng dân vệ hoặc lính bảo an thuộc chính quyền Sài Gòn, nếu họ thấy khả nghi là mình chở một mặt hàng thiết yếu nào đó để tiếp tế cho quân giải phóng. Những lúc như thế, những cậu bé choai choai đang học cấp 2 như tôi phải trả lời hàng loạt câu hỏi vặn vẹo từ mấy ông dân vệ đang đứng chặn dọc đường, đến toát mồ hôi.
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào thị xã Quảng Ngãi ngày 24/3/1975. Ảnh: Tư liệu |
Ban ngày thì mấy ông dân vệ, bảo an có mặt ở làng để dò la tin tức, nắm tình hình hoạt động của đối phương. Ban đêm, mấy anh du kích hoặc đội công tác tìm về. “Đội công tác” là cụm từ để chỉ những cán bộ cốt cán trên huyện hoặc trên tỉnh về vùng sâu, áp sát quận lỵ để gặp cơ sở cách mạng và nắm bắt tình hình. Ngày ấy, người dân nắm thông tin qua một phương tiện duy nhất là chiếc đài bán dẫn. Mà nghe đài lúc bấy giờ cũng là một “nghệ thuật” chứ không phải muốn nghe lúc nào cũng được. Dù rất nguy hiểm khi nghe đài, song cha tôi hầu như không bỏ bữa tin tức nào từ chiếc radio hiệu Sony ấy. Cứ lâu lâu, ông lại sai tôi đi mua 4 cục pin đại, hiệu “con ó” để về thay, chứng tỏ là việc nghe đài của ông rất thường xuyên. Phần vì ông muốn nghe tình hình chiến sự để biết tin tức về cuộc chiến đến giai đoạn nào rồi, phần vì một lý do rất riêng tư, đó là người anh ruột của tôi đi kháng chiến từ năm 1971 mà vẫn bặt vô âm tín. Cha mẹ tôi vẫn mong ngóng từng ngày với hy vọng là núm ruột của mình sẽ trở về lành lặn.
Sau khi nắm bắt được thông tin khả tín nhất, cha tôi mới thông báo cho cả nhà trong mỗi bữa ăn, sau đó mới “rỉ tai” cho mấy người hàng xóm đáng tin cậy. Những người hàng xóm ấy, họ cũng có con em đi kháng chiến, nóng ruột mỗi khi nghe tình hình chiến sự đang diễn ra ác liệt. Vì cuộc chiến cứ kéo dài hết năm nay qua năm khác, nên người dân trong làng sốt ruột, mong ngóng ngày hòa bình.
Hai lần vỡ òa hạnh phúc
Thế rồi, cái ngày mong đợi ấy cũng đã đến. Không chỉ một lần mà những hai lần vỡ òa cảm xúc sau 21 năm bị dồn nén trong mong đợi. Lần thứ nhất là ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975). Năm đó tôi 15 tuổi, cái tuổi chưa đủ sự từng trải để cảm nhận hết sự vỡ òa như những bậc cao niên trong làng, nhưng âm thanh mừng vui cứ reo vang trong lòng tôi là có thật.
Những ngày đầu năm 1975, chiếc đài bán dẫn của cha tôi gần như hoạt động hết công suất. Lần này thì không còn giấu giếm như trước đó nữa, mà ông còn rủ cả những người hàng xóm đến nhà tôi để cùng nghe tin tức. Chiến thắng như chẻ tre được bắt đầu từ trận đánh bất ngờ của quân giải phóng vào Buôn Mê Thuột ngày 11/3/1975. Những âm thanh rạo rực, reo vui đến tuôn trào nước mắt được các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đạt hàng giờ đến người nghe. Cho đến bây giờ, sau 48 năm ngày đất nước hòa bình, những người đã từng “nín thở” theo dõi từng bước chân của đoàn quân giải phóng đang rầm rập tiến về Sài Gòn vẫn không thể nào quên những giọng đọc như “bùa chú” từ các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng ngày ấy. Họ như truyền ngọn lửa yêu nước và khúc hoan ca đến từng con tim người Việt vậy.
Rồi cái ngày cả dân tộc chờ đợi ấy cũng đã đến. Gần như tất cả mọi người trong xóm nhỏ của tôi đều chụm đầu vào chiếc đài bán dẫn để nghe “bản tin thời sự đặc biệt” được phát ra từ giọng đọc của phát thanh viên Kim Cúc: “Hồi 11giờ 30 phút ngày 30/4/1975, miền Nam đã được giải phóng!”. Chính ngay lúc ấy, cha tôi lặng lẽ thắp lên bàn thờ gia tiên một nén nhang. Tôi không biết ông đã khấn những gì sau giây phút thiêng liêng ấy. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông cầu mong đứa con trai của ông trở về nguyên vẹn. Rất tiếc là điều ấy đã không xảy ra. Anh tôi đã nằm lại bên bờ sông Vệ trong một trận công đồn cách đó 3 năm.
Chiếc đài bán dẫn ngày ấy của gia đình tôi không còn nữa. Thời gian đã kịp phủ lên nó lớp bụi mờ của ký ức. Thế nhưng mỗi lần nghĩ đến ngày mà cả dân tộc vỡ òa niềm vui đoàn tụ, bao giờ trong tôi cũng vọng về một giọng đọc đầy xúc động: “Miền Nam đã giải phóng! Non sông đất nước đã được thống nhất!”.
TRẦN ĐĂNG