(Báo Quảng Ngãi)- Những chiều cuối năm, nhịp sống trở nên hối hả, bận rộn và tất bật lo toan. Thời gian chừng như trôi nhanh theo cảm tính. Vì vậy ai cũng vội vã hoàn tất phần việc cuối cùng trong nôn nao đón đợi Tết đến Xuân về.
Những chiều cuối năm luôn đong đầy cảm xúc. Có buồn vui. Có thổn thức vơi đầy. Vui - với những ai đủ đầy, đoàn viên, hạnh ngộ. Buồn - với người cô quạnh, đang thấp thỏm mong chờ người thân trong ngày cùng tháng tận. Dẫu mảng đời sáng - tối cứ miên man. Những phút giây thần tiên nhất, thiêng liêng nhất cũng đang cận kề. Rồi phút giây ấy sẽ về, để bừng lên nhịp sống mùa xuân. Đấy là thời khắc giao thừa.
Sân ga chiều cuối năm. ẢNH: MINH HOÀNG |
Những chiều cuối năm. Tiết trời se lạnh. Mưa như là không mưa, chỉ lất phất, đủ liu riu cùng heo may, đủ để bám vào những tia nắng vàng tháng Chạp. Chừng ấy thôi đã làm mềm lòng bao trái tim đang ngoái đầu hoài niệm. Mà hoài niệm luôn cho ta cảm xúc ấm lòng, ngập tràn thương mến.
Những chiều cuối năm luôn hối hả dịch chuyển. Dịch chuyển, rồi dồn tụ cảm xúc vào chiều Ba mươi Tết. Rồi nôn nao đón đợi thời khắc giao thừa. Trong mái ấm gia đình ngập tràn tình đoàn tụ, ấm áp, thiêng liêng.
Chiều cuối năm. Những phong tục tập quán, những nét văn hóa Việt hiển hiện với bao gam màu sống động. Mà trước hết, đấy là lòng khiêm cung hiếu để có tính kế truyền, làm nên tập quán văn hóa Việt. Những cụ ông râu tóc bạc phơ đang dắt díu cháu con đi tảo mộ, thắp hương khấn vái tổ tiên, người thân đã khuất về cùng “ăn tết” với cháu con. Cõi âm dương như được giao hòa. Từ sâu thẳm lòng mình cõi người như được ấm nồng nhân nghĩa, được kết nối qua khói hương trầm mặc linh thiêng.
Chiều cuối năm. Trên đường làng các phương tiện giao thông đang hối hả ngược xuôi. Có lẽ giao thừa đang thúc gọi chăng? Và kia, những bản nhạc xuân không còn văng vẳng, mà đã rõ lời vang nhịp. Chiều đã muộn. Nhưng, những chậu hoa, chậu quất đặt trên xe ba gác, xe máy vẫn chầm chậm bồng bềnh trong gió, mặc cho chủ nhân đang nóng lòng chờ đợi cho kịp trang trí trong thời gian còn lại trong năm. Biết vậy, mà hoa và quả vẫn chầm chậm cùng xe. Bởi mỗi nụ hoa kia, mỗi chùm quả ấy đã thấm đẫm bao giọt mồ hôi chăm bón của người làm ra nó.
Vẫn chiều cuối năm. Ở phương trời xa thẳm, bao người con ly hương bươn bả mưu sinh, đang hướng về cố xứ. Nơi cái nhau rốn mình chôn ở đó. Nhưng với nhiều lý do khác nhau mà đành ngậm ngùi thầm gọi: Quê hương ơi, chiều cuối năm!
Chiều cuối năm khép lại. Lễ cúng tất niên cũng đã xong. Bữa cơm tất niên đã dọn. Cả nhà quây quần, vừa ăn, vừa trò chuyện râm ran. Bao được mất của mỗi thành viên trong gia đình được sẻ chia. Bao lời giáo huấn của ông bà, cha mẹ được truyền dạy. Hy vọng một năm mới thành đạt, an vui.
Mọi nhà trang trí, sắp đặt đã xong. Màn đêm buông xuống. Ngoài trời vẫn lất phất mưa phùn. Cái se lạnh vẫn còn vương víu trong tiết giao mùa. Trong mái ấm gia đình, tiếng thời gian dịch chuyển nôn nao đón đợi thời khắc giao hòa của đất trời. Trên bàn thờ tổ tiên nhang trầm, nhang thơm tỏa những sợi khói mềm mại, thâm nghiêm quấn quýt mâm ngũ quả, bình hoa tươi rực rỡ sắc hương.
Và thời khắc nôn nao, mong đợi đã đến. Bầu trời bỗng nhiên sáng rực. Tiếng chuông chùa ngân nga lay thức hồn người trước thềm năm mới. Tiếng chiêng, tiếng trống nơi các đình làng, lăng miếu dồn dập. Ta nghe cây cối, đất trời đang chuyển mình theo nhịp chuyển của mùa xuân.
Bùi Huyền Tương