Chợ mai Tết

09:02, 02/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chừng 40 năm về trước, khi thú chơi cây cảnh còn chưa phát triển, cứ mỗi độ xuân về, Quảng Ngãi lại nhóm họp một chợ mai Tết trong lòng thị xã. Gọi là “chợ” cho oai chứ thực ra việc mua bán mai cành chơi Tết không ồn ào, tấp nập mà diễn ra rất nhẹ nhàng, ít có lời qua tiếng lại.

TIN LIÊN QUAN

Chợ không tụ một nơi mà rải rác qua  vài con đường quanh chợ tỉnh, nay là đường Nguyễn Bá Loan, Ngô Quyền, Duy Tân... Có năm chợ nhóm họp ngay chỗ vườn hoa nhỏ trước Bưu điện tỉnh bây giờ. Người bán hầu hết là nông dân từ các nơi quanh thị xã, lựa chọn những cành mai đẹp trong vườn mang ra chợ để kiếm ít tiền tiêu Tết. Người mua đông nhất là dân buôn bán, người có tiền muốn có một cành mai đẹp để chưng diện, làm đẹp cửa nhà trong ba ngày Tết.

Chợ  mai xuân.
Chợ mai xuân.


Chợ mai Tết thường nhóm họp từ khoảng 25, 26 tháng Chạp cho đến chiều 30 Tết. Những cành mai, gốc mai to nhỏ đủ kiểu được buộc chặt bên hông những chiếc xe đạp dựng bên lề các con đường chờ bán. Thời ấy nhà khá giả mới có xe máy, nên phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp và... đi bộ. Người nhà vườn đem mai ra chợ bán chỉ có cách thồ bằng xe đạp hoặc vác vai để giữ cho nụ hoa khỏi rụng. Điều đặc biệt là chợ mai chỉ toàn cánh đàn ông, cả người mua lẫn người bán, vì phụ nữ những ngày này phải tất bật lo toan mọi thứ khi Tết đang đến gần.
 

Mai vàng tượng trưng cho sự cao sang, phú quý, là một trong bộ tứ “tùng, cúc, trúc, mai” mang cốt cách của người quân tử theo quan niệm của người xưa. Hoa mai còn là biểu hiện sinh động cho sức sống tự nhiên của đất và người, qua hết  gian lao, vất vả sẽ nở hoa tươi thắm.

Người bán mai cành thường chỉ bán từ một đến vài ba cành vì khác mai chậu, mai cành không thể phơi ngoài trời nắng quá lâu. Nếu hôm trước bán được giá, hôm sau chủ vườn lựa tiếp cành mai đẹp đem bán chứ không ai cưa một lúc nhiều cành. Để có những cành mai đẹp mang ra chợ, các ông chủ nhà vườn phải bỏ ra khá nhiều công sức. Ông Hai Quý, ở huyện Nghĩa Hành là người chuyên bán mai Tết thời ấy, nay đã hơn 80 tuổi nhớ lại khi được tôi khơi dòng tâm sự: Ngày đó để có ít tiền tiêu Tết, bán được vài cành mai vất vả lắm. Mai trong vườn phải chọn cành nào có dáng đẹp, nhánh khỏe, nụ ra đều và phải canh sao cho mai nở đúng Tết mới đem ra chợ. Để cho mai nở đúng Tết, nhất là vào sáng mùng Một của năm mới là cả một nghệ thuật. Chọn được cành mai đẹp phải cẩn thận cắt cành rồi cột lên xe đạp, người dắt người phụ đẩy vài ba tiếng đồng hồ mới đến chợ tỉnh.

Khác với chơi đào, chơi mai tuốt lá là khâu quan trọng nhất. Tùy vào khả năng đoán định thời tiết tháng Chạp nắng ấm hay mưa nhiều mà người ta quyết định thời điểm tuốt lá mai. Thường thì mai năm cánh (mai xuân) nếu nụ nhỏ thì tuốt lá vào khoảng ngày 13 đến rằm tháng Chạp. Nếu nụ hoa đã hơi lớn thì tuốt lá vào khoảng ngày 18 đến 20 tháng Chạp. Canh làm sao cho đến ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời nụ hoa bung vỏ lụa lồ lộ một màu xanh là chắc mẩm mai nở đúng Tết.

Thú chơi mai ngày Tết của người Quảng Ngãi ngày trước cũng khá đa dạng. Các cụ còn ít nhiều ảnh hưởng của cửa Khổng sân Trình thì chơi mai để ngắm, để bình, để chiêm nghiệm cốt cách, tiết tháo của kẻ sĩ. Nơi chốn thiền môn, ngày xuân chơi mai cành là để tỉnh thức về lẽ tự nhiên, về kiếp nhân sinh hữu hạn theo triết lý vô thường của nhà Phật. Còn với số đông những người bình thường là công chức, giáo viên, người lao động, có một cành mai để chưng trong những ngày Tết là cả một niềm hạnh phúc, bởi ai cũng hy vọng cánh mai vàng rực rỡ trong nắng đầu xuân sẽ mang đến niềm vui và sự ấm áp cả năm cho gia đình mình.
 

THANH TÁNH

 


.