Bao năm nay bà vẫn thích trồng lá dong bán tết. Trong khi người ta quay qua trồng cây ăn quả, đào ao thả cá hoặc làm chuồng trại chăn nuôi thì bà vẫn chung thủy với màu xanh mướt mát ấy. Nhiều nơi người nông dân làm giàu bằng trồng lá dong, nhưng mua bán theo kiểu “tình làng nghĩa xóm” của bà thì vui là chính chứ lãi lời chẳng là bao.
Có năm nhiều người mua đặt tiền cọc cả vườn nhưng bà không đồng ý. Bà bảo tiền bao nhiêu tiêu chả hết, lá dong còn để chia con cháu, làm quà cho người xa kẻ gần. Năm nào cũng vậy, cứ những ngày cuối tuần giáp Tết là tôi lại về nhà giúp bà thu hoạch lá dong.
Mảnh sân nhỏ trước nhà là nơi mấy thế hệ ngồi quây quần bên nhau xếp lá thành từng bó. Nhìn đứa chắt đã biết chạy quanh sân, bà cười bảo: “Không biết bà còn sống để trồng thêm được mấy mùa dong?”.
Ngày nhỏ, mấy anh em tôi hay chơi trốn tìm trong vườn dong của bà. Những cây dong cao quá đầu người luôn là chỗ trú ẩn tuyệt vời. Thỉnh thoảng mải chơi, chúng tôi giẫm đổ liêu xiêu cây lá, bà lại cầm nắm rơm đi dựng chúng lại cột chặt vào bụi. Nhiều khi bị mẹ mắng, tủi thân cũng chui vào vườn dong khóc vụng, có hôm còn nằm ngủ quên trong tiếng nấc cho đến khi được bà tìm thấy ôm vào lòng vỗ về.
Tôi lớn lên theo từng mùa lá bà trồng, thỉnh thoảng lại nghe bà reo “chao ôi, nó lớn quá chẳng mấy chốc mà cao hơn cả cây dong”. Bây giờ mỗi lần đi xa trở về, nhìn trong nhà ngoài ngõ, không thấy bà đâu là tôi lại xuống vườn đi tìm. Nhìn lưng bà còng lọt thỏm giữa vườn xanh, tôi nhói lòng khi nghĩ đến sự mất mát mơ hồ hình như mỗi ngày mỗi hiện lên rõ hơn.
Ảnh minh họa: nguồn internet |
Bà rất biết cách chăm sóc vườn dong nên lá nào lá nấy vừa to vừa xanh ngắt. Giá bán lúc nào cũng chỉ bằng nửa giá chợ, dân làng hàng xóm đến mua, bà thường tặng thêm lấy lộc. Nhiều người muốn được mùa lá nên chăm phun thuốc trừ sâu, còn bà thì không. Cũng có năm chẳng may, cả bụi dong chỉ chọn được vài lá đẹp để bán, những lá quăn rách, bà để lót nồi hoặc phơi khô dùng đun nấu.
Bà bảo được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, phun thuốc là phải tội. Cả năm mới có vài ba ngày Tết, bánh đâu chỉ để mình ăn mà còn để cúng ông bà tổ tiên, tham cái lợi trước mắt lại mất lộc con cháu sau này. Những bài học bà dạy chúng tôi giản dị vậy thôi.
Nhà tôi hay gói bánh sớm, chưa đến Tết ông công ông táo là đã có bánh chưng ăn. Những đĩa bánh xanh màu lá, thơm hương nếp dẻo. Bà thường gọi là “bánh đầu mùa”, ăn lúc chưa bị ngấy bởi thịt thà ngày Tết nên rất ngon miệng. Bà dặn mẹ gói nhiều làm quà thơm thảo, ai đến mua lá lúc về đều thấy trên xe có cặp bánh chưng nhỏ xíu treo toòng teng trên ghi đông.
Sau Tết, nhìn vườn lá dong bị cắt trụi đến tận gốc, lòng thấy trống trải vô cùng. Màu của lụi tàn, cằn cỗi thế chỗ cho màu xanh mướt mát. Sau đó ít lâu, lại thấy dáng lưng còng chuẩn bị cho một mùa lá mới…
Theo HUYỀN TRANG/PNO