Nhớ những Tết xưa

05:02, 12/02/2013
.

(QNg)- Tết ở quê tôi không có gì khác biệt so với những vùng quê khác nhưng có nét riêng của dải đất miền Trung nhỏ hẹp.  

TIN LIÊN QUAN


Cỡ 23 tháng chạp trở đi, khi hoàng hôn buông xuống mãi cho đến tận khuya là nghe thì thụp tiếng chày nện làm bánh nổ ở khắp các thôn, làng. Bánh nổ là thứ đặc sản ở quê tôi làm từ nếp rang nhưng không phải là bánh cốm Bắc, bánh phồng, bánh dẹp Nam bộ. Bánh đóng thành cây, dài chừng 40 - 50cm, dùng dao thật sắc cắt ra từng lát vuông vức đem sấy lửa cho khô dòn ăn rất thơm. Thường thì mỗi nhà làm vài ba cây bánh nổ. Nhà nhiều ruộng cấy nhiều nếp thì làm đến vài chục cây, sau Tết còn để dành làm bữa xế, nửa buổi khi làm đồng, thu hoạch mía. Bánh nổ còn lại sau Tết là thứ quà để con cháu mang đi xa.
 

 

Đi kèm với bánh nổ là bánh thuẫn làm từ bột và trứng gà. Cúng ông bà hay đãi khách trên đĩa bánh không thể thiếu bánh nổ và bánh thuẫn. Nhà nghèo thế là tạm đủ. Nhà giàu, có thêm bánh in, mứt dừa, mứt gừng, mứt dẻo và nhiều loại bánh khác. Đặc biệt là món bánh mè của Quảng Ngãi ngon hơn nhiều so với kẹo vừng ở ngoài Bắc. Kẹo mè cũng làm từ mè (vừng) nhưng nó là sự kết hợp giữa bột nếp chiên dòn và mè đen rất thơm.  

Thời ấy bánh mứt cho ngày Tết mỗi nhà đều tự làm chứ không mua như bây giờ. Chính vì vậy những ngày trước Tết là thời gian chộn rộn, tất bật và dậy lên không khí tết ở mọi nơi. Tối 30, trước phút Giao thừa thiêng liêng, mọi nguời ngồi quanh bếp lửa chờ vớt bánh tét, một thứ bánh không thể thiếu trong những ngày Tết. Quê tôi lại có món don nói theo cách bây giờ là rất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Don không có mặt trong mâm cỗ ngày tết, nhưng là món ăn sau tết, cỡ mùng 5 mùng 7 trở đi để giải bớt nhiệt do rượu và ăn nhiều mỡ.

Không chỉ ăn Tết, người dân quê tôi cũng có nhiều cách chơi Tết, vui Tết. Ngày trước, trẻ con thì sà vào các điểm chơi bầu cua tôm cá hay tụ tập chơi Vụ, bắn ống thụt lấy "đạn" là trái bời lời hoặc trái mù u. Còn người lớn chơi Tết cũng đơn giản nhưng rất có văn hóa chứ không sa vào nhậu nhẹt liên u bất tận như bây giờ. Có những nghệ sĩ hát bội được người dân quê nhớ đến từng vũ đạo, câu hát, nhất là các vở tuồng có sự tích từ Tam Quốc, Sơn Hậu, Bình Nam, Phân Đường, Thuyết Nhạc… Thời ấy người nghệ sĩ được tôn vinh thật sự trong lòng người hâm mộ bởi họ diễn rất tâm huyết, hết mình cho dù sân khấu rất đơn sơ, có khi chỉ là mươi tấm ván ghép và một ít phông màn. Và chính vì thế những đêm hát bội trở thành đêm hội làng.  

Thời cuộc đổi thay, giao lưu các vùng miền mở rộng đã làm thay đổi nhiều thứ; trong đó có cách ăn tết vui tết của người dân quê tôi. Tết bây giờ được chuẩn bị công phu hơn, mâm cỗ của nhiều gia đình to hơn, "hoành tráng" hơn ngày trước nhưng chẳng còn nhiều cái không khí náo nức, chộn rộn, hồi hộp khi cùng ngồi quanh bếp lửa canh nồi bánh tét chờ giao thừa hay nghe trống giục đầu làng rủ nhau đi xem hát bội.


Thanh Tánh
 


.