(QNĐT)- Hơn 7 thập kỷ trôi qua, những vần thơ miêu tả phiên Chợ Tết của cố thi sỹ Đoàn Văn Cừ vẫn luôn sống động, giục giã mọi người đến với chợ Tết.
Dẫu cuộc sống đổi thay làm mờ dần những nếp sinh hoạt nơi làng quê xưa, nhưng phiên chợ quê ngày giáp Tết vẫn là điểm đến của nhiều người, nhất là những người con xa xứ vừa trở về cố hương. Phiên chợ Tết hàng hóa khá đa dạng, tựa như bức tranh đa sắc màu mời gọi khách hàng. Người đến chợ mua bánh, mứt và các loại thực phẩm để dâng cúng tổ tiên, dự trữ thức ăn và chiêu đãi người thân trong ba ngày Tết. Trẻ thơ tung tăng chân sáo theo mẹ ướm những tấm áo mới, vòi mẹ mua cho những thứ đồ chơi con trẻ.
Góc chợ quê ngày giáp Tết |
Các mẹ, các chị cứ vội vàng với nụ cười luôn nở trên môi cả người bán lẫn người mua. Mua như để cầu may trong năm mới sắp đến nên dẫu cao giá hơn thường ngày vẫn cứ vui, bán mong chóng hết hàng để bước sang năm mới việc làm ăn được thuận lợi. Việc mua bán diễn ra chóng vánh cùng những lời thăm hỏi, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Chợ Tết không chỉ để mua bán mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu giữa những người dân quê chân chất. Nhiều người đi chơi chợ để được nhìn ngắm, chuyện trò với người thân. Nhiều cụ bà lưng đã còng, tóc bạc trắng như cước vẫn cứ bảo con cháu đưa đến chợ để được dạo quanh tìm người quen sau cả năm xa cách. Không khí chợ Tết thêm ấm áp, thân tình với với những lời mời chào, những câu nói nghĩa tình và hẹn nhau đến phiên chợ Tết năm sau.
Chợ Tết là miền ký ức luôn ẩn hiện với nhiều người con đất Việt, nhất là với những người con xa quê. Nơi ấy, đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ với những buổi theo mẹ đến chợ để được ngắm nhìn và tung tăng chân sáo giữa sắc màu vây quanh. Ôi… quê hương! Tiếng gọi thiết tha giữa trời xuân tươi thắm.
Trang Thy