Những ngày gần Tết cuộc sống dường như vội vã hơn, ai cũng thấy mình bị cuốn vào không khí Tết đến nao lòng. Mỗi khi xuân về đều mang theo trong mình một hơi thở gấp gáp nhưng đầy sức sống. Đối với mỗi người Việt Nam, ký ức đẹp nhất về Tết có lẽ chính là những hình ảnh về chợ Tết.
Nói đến chợ Tết là nói đến một vùng kí ức, những giá trị làm nên nét văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc. Chợ Tết xưa rất dân dã, thường chỉ là những túp lều, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rơm, những quầy hàng được che phên, liếp trông dân dã… Chợ Tết xưa cũng thường gắn liền với không gian sinh hoạt thường ngày rất bình dị như chợ đình, chợ bến…
Vào buổi họp chợ Tết, từ gà gáy, người người trong vùng đã í ới gọi nhau đi chợ, từng tốp người vừa đi vừa cười nói vì đi đến đâu cũng gặp người làng, người quen. Tiếng chào nhau, nói chuyện rôm rả, chuyện mùa màng, chuyện sắm Tết, chuyện gói bánh chưng, chuyện thịt chung lợn… râm ran khắp những con đường.
Nguồn: Internet |
Ở đó, người ta có thể mua sắm mọi thứ cần thiết cho ngày Tết từ quần áo mới, gạo nếp, thực phẩm, hoa trái, cây cảnh đến các văn hóa phẩm gắn với phong tục, tập quán ngày Tết như: liễn, câu đối, tranh ảnh… Cho nên không khí tháng Chạp, nhất là thời gian cận kề ngày Tết bao giờ cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc khó tả, vừa thực lại vừa mộng.
Đến chợ Tết, người mua thì cố mua và người bán thì cố bán cho bằng được. Người mua dù có những mặt hàng đắt nhưng vừa ý thì dù giá có đắt cũng chẳng mấy người than phiền, vì là chợ Tết, để miễn sao mua được những thứ đẹp, vừa ý về trang hoàng nhà cửa, về cúng gia tiên… đem lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình trong cả năm. Còn người bán cũng thường rất xởi lởi, không tính đến chuyện đắt rẻ, vì chủ yếu là người trong làng xã với nhau, hơn nữa cũng mong bán hết hàng cho có lộc đầu năm.
Với ý nghĩa ấy thì chợ Tết là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc và nó cũng là một biểu tượng văn hóa truyền thống thấm sâu vào tâm thức của mọi người. Vì thế, việc đi chợ Tết là một nhu cầu tự thân, là một tiếng gọi thao thiết từ trong tâm cảm của mỗi người nhất là người phụ nữ. Và dường như, chợ Tết là nơi để người phụ nữ thể hiện thiên chức và thiên năng của mình.
Đi chợ Tết, đôi khi là đi để xem chợ Tết, hay đi để sống trong không khí văn hóa Tết, để cảm nhận ý vị của ngày Tết mà nếu không có chợ Tết thì ý vị ấy sẽ nhạt đi rất nhiều.
Chợ Tết bây giờ không khác gì chợ ngày thường, hàng hoá tràn ngập ngoài đường mà không cần đến chợ. Hàng hoá thường ngày và hàng Tết chả có mấy sự phân biệt nhiều, có chăng là chỉ khác vài hộp mứt. Bây giờ người ta bán bánh chưng luộc sẵn thay cho bán gạo nếp, lá dong. Bánh kẹo Trung Quốc, bánh kẹo trong nước, ngoài nước tràn ngập khắp nơi. Đời sống ngày càng sung túc thì những vốn cũ, hồn quê, nét đẹp văn hoá lâu đời của phiên chợ Tết không tránh khỏi nhạt nhòa, tiêu biến.
Tìm về chợ Tết là tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống trong Tết cổ truyền của dân tộc. Cho nên cùng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền dân tộc như: phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục đưa ông Táo chầu trời, phong tục kiêng kị và những lễ hội trong ngày Tết như hội chọi trâu, hội Lim... thì chợ Tết cũng là một giá trị văn hóa truyền thống mà chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy.
Theo Amthuc