Có những điều diệu kỳ đang biến mất

09:01, 26/01/2012
.

Ngày ấy đám trẻ con quê tôi đứa nào cũng chỉ mong đến Tết thật nhanh để không phải học bài, không phải chăn trâu… Tết về chúng tôi được mặc quần áo đẹp, được mừng tuổi, được ăn uống no nê và vui chơi thỏa thích.
 
Mỗi khi thời tiết se lạnh tôi lại miên man nhớ về ngày Tết của tuổi thơ rồi ngồi lại chắp nhặt những ký ức ngọt ngào, những hình ảnh quen thuộc đã từng làm nên không khí Tết quê hương đầy ấm cúng và sinh động.
 
Làng tôi nhỏ bé khiêm tốn thu mình bên bờ sông Đáy rất hiền hòa. Ngày ấy người dân làng tôi còn nghèo lắm, cái nghèo ấy đặc trưng của một miền quê Bắc Bộ quanh năm chỉ biết làm bạn với ruộng vườn cây cỏ. Dẫu cuộc sống còn gặp rất nhiều thiếu thốn, những bữa ăn ngày thường là các thanh đậu phụ luộc, hay sang lắm thì những bữa xuất hiện những con cá rô đồng bắt được mỗi khi theo chúng bạn đi tát bờ mương.
 
Dẫu vậy mỗi độ Tết về ai ai cũng hồ hởi phấn chấn. Cả một năm họ bươn chải, lo toan chỉ để làm nên mấy ngày Tết no đủ cho người thân của mình. Những người con xa quê cũng chỉ mong Tết đến để về quây quần bên nồi bánh chưng thơm lừng cùng con cháu, thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị quê nhà.
 
 
Tôi còn nhớ, ngày 29 Tết mọi người trong làng tôi gọi nhau đi lấy phần thịt Tết. Nhà ai cũng mang 2 chiếc thúng to để đựng phần thịt lợn và thịt cá của mình. Những đống cá to đủ loại nào là cá mè, cá chép, trôi… được cho chung vào một chỗ. Những tảng thịt to cũng được chia theo từng nóc nhà. Cứ bao nhiêu hộ dân là bấy nhiêu phần chia. Đám trẻ con chúng tôi vui sướng khi được nhìn thấy những con cá to tròn béo ngậy, những tảng thịt ngon đến là ngon. Đứa nào mắt cũng tròn xoe mừng rỡ vì sắp được mang phần của mình về nhà để ăn thỏa thích, no nê.
 
Hình ảnh in dấu Tết xưa trong tôi là nồi bánh chưng, vì chỉ có Tết nhà tôi mới gói và làm bánh to đến vậy. Cái nồi đun bánh to cứ phải hai người ôm mới xuể được đun trên một cái bếp khổng lồ mà bố mẹ tôi vừa mới đắp. Buổi tối hôm đó anh chị em tôi ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, ai cũng tranh sẽ thức thâu đêm để trông nồi bánh, nhưng cố lắm chị em tôi cũng chỉ ngồi đến quá 12h đêm là buồn ngủ và người ngồi trông bánh bao năm vẫn không ai khác là mẹ tôi.
 
Ngày 30 Tết là ngày cuối cùng một năm mới, cũng là một ngày bận rộn vất vả nhất của mẹ tôi. Mẹ lau dọn nhà cửa sạch sẽ để đón một năm mới. Đến chiều 30 Tết mẹ không quên đun một nồi nước thơm thật to để cho mọi người trong gia đình tắm. Mẹ bảo đó là cách trút bỏ đi những vất vả, lo âu của năm cũ để cầu mong một năm mới may mắn và hạnh phúc cho mọi người.
 
Trên bàn thờ gia tiên mẹ tôi lựa những quả ngon nhất, đẹp nhất, những chiếc bánh trưng to vuông vắn cùng gói mứt Tết, bánh kẹo để bày. Dĩ nhiên là không thể thiếu một vài bánh pháo mẹ mua để đốt vào lúc giao thừa và 3 ngày Tết. Tôi nhìn mà ngưỡng mộ mẹ, hàng ngày nơi đó trống vắng vậy mà đến ngày hôm nay cái gì cũng có. Mẹ tôi thật vĩ đại, đôi bàn tay mẹ gân guốc là thế, cuộc đời mẹ lam lũ là thế mà mẹ làm lên được mọi thứ cho chúng tôi.
 
Trước thời khắc giao thừa, mẹ tôi thường làm một mâm cỗ cúng. Mẹ tôi bảo đó là mâm cỗ cúng quan trọng nhất trong năm. Nó khởi đầu một ngày mới, một năm mới và một cuộc sống mới. Vì thế mẹ muốn chính tay mình làm mâm cỗ đầy đủ chu đáo để cúng tổ tiên. Không biết mẹ tôi nói vậy là để giành hết mọi công việc về mình (Mẹ tôi vẫn là người như vậy mà) hay mẹ muốn thể hiện tấm lòng thảo hiền của mình với người đã khuất.
 
Đêm giao thừa với gia đình tôi là một đêm ý nghĩa và ấm cúng. Mẹ tôi luôn chuẩn bị một mâm ăn nhẹ cho cả gia đình để chào đón Giao thừa. Khi kim đồng hồ vừa chỉ đến số 12 thì cũng là lúc bố tôi mang bánh pháo ra đốt lên để báo hiệu và chào đón năm mới đã đến. Tiếng pháo nổ vang giòn giã, cũng lúc ấy mọi gia đình trong làng tôi cũng đốt pháo theo làm nên một dàn âm thanh ngân vang như bản nhạc đồng ca vui chào đón một năm mới tràn đầy may mắn và hạnh phúc. Khi quả pháo cuối cùng nổ thì gia đình tôi quây quần bên mâm cơm đã dọn sẵn.
 
Đầu tiên là ông bà tôi mừng tuổi cho tất cả mọi người, mỗi người một tờ 200 đồng mới nguyên với lời chúc phúc cho một năm mới cả gia đình đều được khỏe mạnh và vui vẻ. Tiếp đó là bố mẹ tôi mừng tuổi cho ông bà tôi sống lâu trăm tuổi. Chỉ có anh chị em tôi là thích nhất vì được cả ông bà và bố mẹ mừng tuổi cho. Lúc đó thì không thể diễn tả nổi niềm vui sướng của chị em tôi như thế nào khi được cầm những đồng tiền mừng tuổi đầu tiên. Cái cảm giác ấy cho tới tận bây giờ tôi cũng không tìm lại được cho dù mỗi độ Tết về.
 
Nhưng điều làm cho tôi nhớ da diết nhất đó là không khí của ngày mùng 1 Tết. Cả nhà tôi ai cũng dậy từ sớm và mặc bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để chuẩn bị đón khách. Bọn trẻ con chúng tôi thì đua nhau chạy ra đường để khoe quần áo mới. Những bộ quần áo mang nhiều màu sắc sặc sỡ tạo nên một bức tranh quê sống động, đủ màu sắc nhưng rất đỗi hiền hòa.
 
Mẹ thường dặn anh em chúng tôi, sáng mùng 1 không nên "xông đất" nhà người khác. Nếu lỡ năm ấy, nhà người ta xảy ra chuyện gì thì họ sẽ cho mình đem điều không tốt đến gia đình họ. Chúng tôi lắng nghe lời mẹ, nhưng rồi mải đùa vui cùng bạn bè, nhiều khi lại quên mất.
 
Sáng mùng 1 Tết năm nào mẹ tôi cũng dậy sớm để chuẩn bị mâm cỗ với các món ăn dân dã đặc trưng của quê tôi như món cá kho giềng, bánh đỏ, bánh tẻ, chè lam, thịt gà, bánh chưng để cúng tổ tiên. Đó cũng là mâm cỗ to nhất, ngon nhất đầy đủ các món mà tôi được thấy trong cả một năm. Mẹ tôi bảo ngày mùng 1 Tết cúng tổ tiên món gì thì sang năm mới sẽ được phù hộ có cái đó.
 
Ngoài ra, nhà tôi còn có một tục lệ từ xưa để lại, đó là: cứ bất kỳ ai đến nhà ngày mùng 1 Tết đều mời ăn cỗ và đốt một bánh pháo để chào đón với ý nghĩa mong muốn cả năm đó gia đình tôi luôn vui vẻ và no đủ. Chính vì thế trong ngày này nhà tôi ít cũng phải làm từ 8 đến 10 mâm cỗ chuẩn bị sẵn. Bố mẹ tôi nói rằng đó là một nét đẹp từ ngàn xưa mà các cụ nhà tôi đã để lại với ý nghĩa muốn được chia sẻ niềm vui của một năm mới với tất cả mọi người. Bởi vậy công việc đó có làm cho bố mẹ tôi vất vả hơn, mệt nhọc hơn nhưng nó lại mang lại niềm vui, niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt già nua của bố mẹ tôi mỗi khi bố tôi bưng mâm cỗ mời khách.
 
Và mỗi khi khách đến nhà phải thật vui vẻ, hồ hởi, mời thật chân tình, bởi nếu họ từ chối ăn cỗ nhà tôi thì nhà tôi sẽ bị "Rông cả năm". Với ý nghĩa đó nên trong ngày mùng 1 Tết mọi người trong làng tôi gặp nhau ai cũng vui vẻ hồ hởi và không quên dành cho nhau những lời chúc Tết chân thành. Những con người ấy ngày thường thì lam lũ chân quê, chạy ngược xuôi, bon chen để lo cho cuộc sống của mình, vậy mà hôm nay họ như những con người khác hẳn. Mọi người gần gũi nhau hơn, thân thiết với nhau hơn, họ dành cho nhau những lời chúc phát tài phát lộc.
 
Không chỉ riêng đám trẻ con chúng tôi mong đến ngày Tết để mặc quần áo đẹp mà ngay cả người lớn làng tôi cũng không quên diện những bộ trang phục đẹp nhất của mình để đi chúc Tết. Tình người quê tôi thật giản dị, đơn sơ nhưng hiền hòa chân thật. Họ cùng nhau ngồi quây quần bên mâm cỗ Tết, hương vị thơm lừng của món bánh chưng được làm từ gạo nếp và đậu xanh, cùng món cá kho gừng cay cay làm ấm lên không khí lạnh của ngày đầu năm.
 
Và mỗi khi trong làng tôi có tiếng pháo nổ ngày Tết, đám trẻ con quê tôi lại rủ nhau tìm đếm để có thể nhặt được những quả pháo còn sót lại rồi chụm đầu châm lửa đốt. Và trong túi quần, túi áo của chúng tôi dày lên những đồng tiền mừng tuổi của ông bà, các bác, các cô mỗi khi theo bố mẹ đi chúc Tết họ hàng nội ngoại.
 
Bước sang đến ngày mùng 2 và mùng 3 không khí Tết quê tôi rộn ràng hơn cùng các trò chơi như đẩy đu hay kéo co và vui nhất là cuộc thi hát dân ca. Không phân biệt tuổi tác hay nam nữ, tất cả người dân quê tôi đều tham gia trổ tài giọng hát của mình. Không còn sự e thẹn hay ngượng ngùng mà cứ như thế những làn điệu dân ca được cất lên thật sâu lắng, mượt mà.
 
Rồi không khí Tết cũng qua đi, mọi người ngỡ ngàng như muốn Tết dài thêm nữa, nhưng họ hiểu rằng một cuộc mới lại bắt đầu với những lo toan thường nhật nhưng của một năm mới mà họ tin rằng sẽ may mắn hơn năm cũ. Đám trẻ con chúng tôi thì nuối tiếc chỉ mong Tết lâu hơn để được vui chơi. Những bộ quần áo đẹp lại được giặt sạch và là cho phẳng phiu rồi cất vào tủ chỉ khi nào có lễ hội hay một sự kiện quan trọng đặc biệt thì họ mới đem ra mặc lại.
 
Đám trẻ con quê tôi cũng vậy, như hiểu được đó là một nét riêng của phong tục Tết quê mình, sau ngày Tết cũng chẳng có đứa nào còn được diện quần áo mới hay đi đôi dép mới. Chỉ có một vài nhà giàu thì con cái họ sau những ngày Tết vẫn được mặc quần áo mới mà thôi. Những chiếc áo cũ, những cái quần vá mông của đám trẻ con quê tôi lại được đem ra trưng diện với đôi chân trần chạy đất.
 
Những phong tục của ngày Tết ấy giờ thì xa lắm rồi, chỉ xuất hiện trong mỗi ký ức người dân quê tôi mà thôi. Quê tôi giờ đổi mới khang trang lên rất nhiều. Những hàng rào cây quanh nhà bây giờ là tường gạch, đường xóm quê tôi đã đổ bêtông vào tận cổng. Tết đến dăm ba nhà chung nhau thịt một lợn, hay mua vài ba kg cá chứ không còn cảnh người dân mang thúng xếp hàng đứng đợi chia theo phần nhân khẩu của nhà mình.
 
Những tiếng pháo trong đêm giao thừa không còn nữa mà thanh niên quê tôi lại rủ nhau đi hái lộc đầu năm (Vì cuộc sống làng tôi đã thay đổi lắm, tục hái lộc được thanh niên du nhập về làng từ bao giờ tôi cũng không hay). Họ thi nhau đi hái lộc là những cành cây nhỏ quanh làng, đôi khi họ không chỉ hái mà chặt cả cây đang mơn mởn chồi non của đất trời đem về làm lộc riêng của nhà mình. Những đồng tiền mừng tuổi không còn được trân trọng đưa bằng hai tay cho nhau mà nó được giấu trong một gói giấy màu đỏ nho nhỏ mà giờ đây họ gọi đó là bao lì xì…
 
Giờ đây mỗi độ Tết về trong lòng tôi có một cảm giác buồn vu vơ. Bởi tôi nhớ về cảm giác được mặc áo mới trong ngày đầu năm, nhớ tiếng pháo nổ rộn rã lòng người đã chìm vào quên lãng. Những phong tục của Tết quê xưa giờ đã thành kỷ niệm…
 
Theo Quỳnh Vi (Cảnh sát toàn cầu)

.