Bánh, mứt truyền thống vào vụ Tết

03:02, 05/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã thành thông lệ, cứ đến dịp cận tết Nguyên đán, những lò bánh, mứt lại tất bật sản xuất để cho ra lò những sản phẩm truyền thống thơm ngon phục vụ người dân gần xa đón Tết cổ truyền.
[links()]
Làng nghề vào xuân
 
Về thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) thời điểm này tiếng đóng bánh nổ vang vọng khắp nơi. Với truyền thống 3 đời làm bánh, cơ sở bánh nổ của chị Nguyễn Thị Lượng bắt đầu “đỏ lửa” từ tháng 11 âm lịch đến nay. Những cây bánh qua bàn tay khéo léo của chị Lượng đã được cắt ra thành từng lát mỏng và đều. “Nghề làm bánh nổ có từ thời ông bà, đến đời tôi là đời thứ 3.
 
Cơ sở bánh nổ của gia đình chủ yếu làm nhiều vào dịp Tết. Năm nay, cơ sở cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 3 tấn bánh. Những ngày này chúng tôi phải làm liên tục để đủ bánh giao cho bạn hàng”, chị Lượng chia sẻ.  
Bà Yến tất bật làm bánh mì xốp để cung ứng cho thị trường Tết.                                         Ảnh: TRÍ PHONG
Bà Yến tất bật làm bánh mì xốp để cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh: TRÍ PHONG
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết: “Toàn xã hiện có hơn chục hộ làm bánh nổ phục vụ thị trường Tết và tập trung chủ yếu tại thôn Điền Trang. Nghề làm bánh nổ đã có lâu đời ở địa phương. So với trước đây thì số hộ làm bánh nổ đã giảm dần theo thời gian. Những gia đình còn làm bánh là những hộ còn tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông”.
 
Giữ “hồn” cho Tết xưa
 
Ngày Tết người Quảng Ngãi dùng bánh nổ, mứt gừng, bánh thuẩn... để cúng gia tiên và đãi khách. Trước sự phổ biến của các loại bánh, mứt công nghiệp, bánh truyền thống mất dần chỗ đứng, nhưng vẫn còn một số gia đình tâm huyết giữ nghề để giữ hương vị Tết xưa. 
Cơ sở sản xuất mứt gừng của bà Mỹ
Cơ sở sản xuất mứt gừng của bà Mỹ "đỏ lửa" hơn 30 năm phục vụ thị trường Tết.
Được xem là một trong những lò sản xuất mứt gừng lớn nhất, nhì Quảng Ngãi, cơ sở sản xuất của bà Trần Thị Mỹ, ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), những ngày này luôn rộn ràng. Tại đây có 10 nhân công tất bật hằng ngày với các công đoạn như cạo vỏ, xắt gừng, rim và sấy mứt. “Năm nay thời tiết lạnh, nên nhu cầu đặt hàng lớn, cơ sở làm nhiều hơn năm trước. Thời điểm này, mỗi tháng cơ sở làm khoảng 15 tấn gừng để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh”, bà Mỹ cho hay.
 
Theo bà Mỹ, cơ sở mứt gừng Mỹ Nhật có truyền thống làm mứt gừng hơn 40 năm.  Để có sản phẩm chất lượng, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Mứt gừng tại đây được chế biến bằng phương pháp thủ công, nên giữ được hương vị tự nhiên. 
 
Tuy chỉ làm trong một thời gian ngắn, nhưng nghề làm mứt truyền thống không chỉ giúp những chủ lò có được thu nhập khá, mà còn tạo việc làm, thu nhập đáng kể cho nhiều phụ nữ địa phương. Chị Lê Thị Tâm, một nhân công làm mứt, cho biết: “Với tay nghề rim mứt gừng đã hơn chục năm nay, mỗi năm cứ vào cận Tết tôi tham gia làm tại cơ sở Mỹ Nhật. Nghề thời vụ này cho thu nhập 7 triệu đồng/tháng”.
 
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm bánh, mứt truyền thống, cơ sở của bà Hứa Thị Yến, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng sản phẩm không chỉ vì chất lượng thơm, ngon mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm. Vào dịp cận Tết, cơ sở của bà Yến luôn tấp nập khách với nhiều đơn hàng lớn. Số lượng bánh thuẩn, bánh mì xốp và mứt phải làm gấp 4 - 5 lần mới đủ cung ứng. “Gia đình tôi đã 3 đời theo nghề làm bánh truyền thống. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nguyên liệu tự nhiên giữ được hương vị bánh xưa, nên thực khách rất tin dùng, ưa chuộng”, bà Yến chia sẻ.
       
TRÍ PHONG
 
    
 

.