Tết xưa- Tết nay: Sự chuyển biến theo thời gian

09:01, 19/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Cùng với những chuyển biến của xã hội, Tết nay cũng có nhiều đổi khác so với Tết xưa. Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều giá trị mới, mang đến nhiều niềm vui mới nên ngày Tết phai phôi đi ít nhiều ý nghĩa. 
 
Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Từ Tết được đọc chệch từ chữ “Tiết”, là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp, đây cũng chính là khoảng thời gian nông nhàn, thư thái nhất trong năm. 
 
Tết còn là dịp để gia đình sum họp, con cháu nhớ về tổ tiên. Sau ngày 23 tháng Chạp khi con cháu đi tảo mộ thắp hương mời ông bà về ăn Tết, lúc này Tết như một cầu nối âm dương, để cả con cháu và gia tiên cùng sum họp.
 
Với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tết Nguyên đán đã trở thành ý thức hệ dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng trong thời kỳ toàn cầu hoá như hiện nay cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. 
 
Từ “ăn Tết”
 
Tết truyền thống xưa, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Trước ngày này, mọi gia đình đều đi lấy đất, nặn ông đầu rau mới để thay trong ngày ông Công ông Táo. Cũng bắt đầu từ ngày này, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị cho mấy ngày Tết.
 
Tết xưa sáng ba mươi, cùng mẹ đi phiên chợ cuối cùng của năm cũ, mua hoa, ngắm quả, sắm quần áo mới rồi về “lăng xăng” giúp bố mẹ làm cơm cúng ông bà tổ tiên để sẵn sàng đón ngày đầu năm. Chính những tất bật chuẩn bị cho năm mới như thế khiến không khí Tết thêm rộn ràng, mọi người đã được sống trong không khí Tết, được thưởng thức cái hương vị Tết, được vui Tết từng phút từng giây.
 
Chiều 30 Tết, mọi nhà đều có nồi bánh chưng, bánh tét luộc để dâng lên tổ tiên vào phút giao thừa. Những gia đình có trẻ nhỏ, có khi còn gói riêng những chiếc bánh nhỏ, từ chút gạo, thịt thừa, có khi chỉ còn vỏ đỗ chứ chẳng có đỗ xanh cho con trẻ khỏi háo hức. Nhớ mùi Tết xưa là nhớ mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng phải giữ đỏ rực. Dăm viên gạch xếp chụm lại thế kiềng ba chân, bên trên bắc cái nồi to mấy người khiêng.
 
Sang “chơi Tết”
 
Ngày nay, với sự chuyển mình của xã hội, Tết cũng đã khác xưa nhiều. Đã vắng mùi bếp củi luộc bánh chưng vì làng xóm nay đã thành phố phường chật chội. Ngày trước chỉ Tết mới được ăn bánh chưng, thịt gà. Bây giờ, bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ. Thịt gà cũng không còn là tiêu chuẩn cho sự sung túc trong bữa cơm gia đình. Thậm chí không cần ra chợ, mọi hàng hóa còn có thể đặt mua online trên mạng, nên người dân không còn cảm giác háo hức ăn Tết như xưa kia.
 
Ngày nay đời sống hiện đại, việc sắm Tết cũng “hiện đại” theo sự ảnh hưởng văn hóa phương Tây rất rõ nét. Hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều gia đình do điều kiện kinh tế đã khá giả hơn, nên người lớn, trẻ con quanh năm ăn ngon mặc đẹp, do vậy không còn háo hức đợi ngày Tết như trước nữa. Thời kinh tế thị trường thứ gì cũng bán sẵn, các bà các mẹ không lo gói bánh, thức ăn sẵn cũng có rất nhiều nên việc chuẩn bị Tết đơn giản hơn trước. 
 
Thế hệ thanh niên quên dần không khí rộn ràng như những Tết xưa, còn trẻ con bây giờ không biết tới thế nào là háo hức, mong ngóng Tết đến Xuân về. Nghĩ mà thương sao những đứa trẻ vội vã đi học, đi thi và có lẽ Tết cũng không được trọn vẹn. Những điều thay đổi đó khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng “bao giờ cho đến Tết xưa”.
 
Ngoài cách ăn, cách chơi Tết của người dân bây giờ cũng khác trước. Ngày xưa thì quan niệm ba ngày Tết phải là “Mùng một Tết cha, Mùng hai Tết mẹ, Mùng ba Tết thầy” nhưng giờ đây, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại nên quan niệm trên cũng dần dần bị mai một. Ngày nay, người ta dành nhiều hơn thời gian nghỉ Tết cho hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, thăm bạn bè nhiều hơn… Thậm chí nếu xưa kia, người ta thấy luyến tiếc khi Tết qua đi, thì ngày nay lại mong những ngày Tết kết thúc sớm để trở lại với những công việc khác..
 
Thực tế, những năm trở lại đây, không ít gia đình khóa trái cửa đi Tết xa nhà như trở thành một mốt thời thượng. Với lý do, cả năm chỉ có ngày Tết là dịp được nghỉ nhiều nhất trong năm, do đó nhiều gia đình cứ được nghỉ Tết lại đi du lịch.
 
Về cơ bản, nghi lễ trong ngày Tết chưa có nhiều biến đổi, song cũng không thể phủ nhận rằng Tết nay có phần “nhạt” hơn xưa. Tuy vậy, giữa muôn bề những lo toan của cuộc sống, ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta vẫn là cái gì đó thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn nhất, là nhu cầu sinh hoạt văn hoá không thể thiếu được đối với mỗi người dân Việt Nam. Và có lẽ cho dù ở thời nào, Tết luôn mang lại hoài niệm với bất cứ ai. Sự tiếp nối ấy là sợi dây kết nối các thế hệ mà mỗi mùa Xuân như một nấc thang hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
H.Thịnh
 

.