Về quê ăn Tết

07:01, 29/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Cha giấu lệ sau nụ cười với gương mặt nhăn nheo theo năm tháng, mẹ già rưng rưng nước mắt đón con trở về quê sau cả năm xa cách. Về quê ăn Tết là niềm mong ước của những người con tha hương và là sự đợi chờ của người thân nơi quê nhà.


Hình ảnh người phụ nữ ôm con nhỏ khóc trên sân ga Sài Gòn vì trễ tàu về quê đón Tết khiến cho bao người rớm lệ. Với chị và nhiều người con tha hương, niềm mong ước lớn nhất là được về quê đón Tết cùng những người thân yêu trong gia đình. Nhiều người vất vả ngược xuôi tìm mua vé tàu xe từ nhiều tháng trước đó. Và còn có nhiều người không thể mua vé đành phải vượt hàng nghìn cây số bằng xe máy trở về quê hương với bao nỗi hiểm nguy và nhọc nhằn.

 

Về quê ăn Tết để được ra đồng tảo mộ ông bà
Về quê ăn Tết để được ra đồng tảo mộ ông bà

Về quê là trở về nơi chôn nhau cắt rốn với bao kỷ niệm buồn vui từ thuở thiếu thời. Nơi ấy có thể là dáng cha gầy còm dõi mắt ngóng trông, có thể là hình bóng mẹ lưng còng tóc bạc rưng rưng khóe mắt khi thấy ta trở về. Cửa nhà lại rộn tiếng cười vui sau bao ngày xa cách. Và, có lẽ, con dân đất Việt đã trải qua bao đời khốn khó, bữa cơm thường ngày chỉ với những món đạm bạc qua cơn đói. Nhưng dẫu nghèo thế nào chăng nữa thì “…ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà” để dâng cúng tổ tiên và ăn cho thỏa thích. Vậy nên mới có “ăn Tết”, dù rằng cuộc sống giờ đã đủ đầy, ăn chỉ là thứ yếu chứ không còn được xem trọng như trước. 

 

Về quê ăn Tết để được thành kính dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên
Về quê ăn Tết để được thành kính dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên
 
Với những người con sinh sống phương xa, về quê ăn Tết là niềm khát khao cháy bỏng. Sâu thẳm trong tâm tưởng mỗi người, quê hương là mái nhà xưa, nơi người thân đang ngóng đợi, là nơi lưu giữ những ký ức buồn vui mà chỉ cần chạm khẽ là dào dạt tuôn trào. Sau cả năm bận rộn mưu sinh, Tết là dịp để trở về, dù cuộc hành trình ấy lắm gian nan. Về để tìm lại nguồn cội qua việc ra đồng tảo mộ ông bà, thành kính dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên… và hưởng trọn niềm vui trong những ngày Tết.

Quê tôi, vùng đất nằm ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nhiều người con tha hương tìm kế sinh nhai. Mỗi dịp Tết đến xuân về, họ tất tả trở về. Xóm làng râm ran lời thăm hỏi cùng tiếng cười vui. Bữa cơm gia đình thêm đầm ấm trong những ngày đầu xuân se lạnh, xua tan bao nỗi ưu phiền trong cuộc sống.

Chợt nhớ, có ý kiến cho rằng nên bỏ Tết cổ truyền hay gộp vào Tết tây để tránh lãng phí và tăng năng suất lao động… Thực ra, Tết là dịp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đón Tết cổ truyền là truyền thống ngàn đời của con dân đất Việt, là sợi dây gắn kết tình cảm giữa người và người. Bỏ Tết cổ truyền hay gộp vào Tết tây. Điều ấy có nên chăng?
 

Trang Thy

 


.