Ngày xuân nói chuyện trồng người

08:02, 10/02/2016
.

Không chỉ là thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới, Tết Nguyên đán còn là dịp để mọi gia đình người Việt sum họp, tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội, bày tỏ tình nghĩa xóm làng.


Một tập tục luôn được coi là nét đẹp truyền thống trong ứng xử của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán đó là “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Đây là biểu hiện lòng kính trọng, biết ơn với cha mẹ đã có công sinh thành, với thầy giáo có công dưỡng dục. Biểu hiện ấy không chỉ là nét đẹp văn hóa dạy con người lòng biết ơn, sống có trước có sau mà còn thể hiện một xã hội có nền nếp, tôn ti trên dưới.

Đặc biệt, con người Việt Nam sống gắn bó với gia đình từ nhỏ tới lớn. Đi đâu rồi cũng muốn về lại mái nhà của mình. Chính bởi lẽ đó, gia đình có ý nghĩa rất đặc biệt tới sự hình thành phát triển nhân cách của người Việt.

Thời gian vừa qua, đâu đó trong đời sống vẫn còn chuyện tiêu cực về đạo đức xã hội nói chung khiến nhiều người phiền lòng.

Lý giải cho hiện tượng này, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng trong một thời gian dài, chúng ta giao phó mọi trách nhiệm “trồng người” cho nhà trường. Giao hết việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ cho nhà trường, đoàn thể mà quên mất truyền thống nói chung, đặc biệt là vai trò của giáo dục gia đình đã khiến nảy sinh những vấn đề tiêu cực.

Cũng theo GS. Vũ Minh Giang, ngay trong một lớp học bị coi là “cá biệt”, vẫn có những em học sinh chăm ngoan học giỏi. Trong một môi trường chung giống nhau, ai có gia đình tốt thì  người đó trưởng thành tốt hơn. Và chúng ta cần coi giáo dục gia đình là khâu cực kỳ quan trọng việc nâng cao giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội…

Trong xã hội hiện đại, con người không sống bó hẹp trong phạm vi làng xã, bản quán nữa. Cũng vì thế mà những nền nếp gia đình, gia phong có thể bị phai nhạt theo mối quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình.

Do vậy, mỗi khi tết đến xuân về là dịp, là thời điểm quý báu để ta siết chặt lại những mối quan hệ tình cảm của một gia đình; là dịp để mỗi người tự nhắc nhở, chấn chỉnh lại mình trong khi vì cuộc mưu sinh ta trót… đi lệch một chút trong ứng xử, trong suy nghĩ.

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là tết của gia đình, tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, vẫn tìm mọi cách để trở về sum họp trong mái ấm gia đình, để được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên.

Vì thế “Về quê ăn Tết”  không phải là một khái niệm thông thường là đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mỗi năm chỉ có một lần. Điều này lý giải câu chuyện có những người đi làm xa quê, cả năm tằn tiện chắt bóp chỉ để đến tết có tiền về quê sum họp.

Sự sum vầy của gia đình Việt mỗi dịp tết cổ truyền không chỉ là câu chuyện của một gia đình và không chỉ mang nặng giá trị tình cảm. Đó còn là giá trị giáo dục đạo đức, văn hóa và cũng chính là vấn đề sống còn, bền vững của một quốc gia dân tộc.

Đạo đức là một phần quan trọng của văn hóa. Do vậy, bồi đắp, giữ gìn đạo đức, truyền thống tốt đẹp chính là bảo tồn văn hóa. Nói cách khác, từ việc giữ gìn đạo đức, truyền thống gia đình, chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa, coi giá trị văn hóa như nền tảng tinh thần cho xã hội cho sự phát triển bền vững của một đất nước.
 

Theo Nguyệt Hà (Chinhphu.vn)

 


.