(Báo Quảng Ngãi)- Ngày Xuân chợt nghe làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng, lòng lại bâng khuâng nhớ về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã hòa nhịp cùng đời sống cư dân xứ Quảng Ngãi bao đời…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhớ điệu hát “xứ nẫu”
Chúng tôi tìm về xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), nơi mà một thuở đêm đêm bên bờ biển, làn điệu hát hố ngân vang trong tiếng sóng rì rào. “Ơ em ơi sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Bên kia đọc sách thì bên nàng quay tơ/ Quay tơ năm bảy mối tơ/ Dù năm bảy mối em phải chờ cái mối anh”. Khởi đầu từ lời trêu ghẹo của chàng trai, đêm hát hố kéo dài đến tận khuya, người già, trẻ con khoái cái tài đối đáp nên cũng theo nghe. Mỗi khi tàu rời bến, lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước, những chàng trai xứ biển nhớ đêm hát hố, nhớ cô gái mình ngỏ lời thương đến nao lòng. Cụ Lê Văn Mức (78 tuổi, ở khu dân cư số 4, thôn Phổ Trung) hồi tưởng: “Nhớ lắm, hồi trai đi biển cứ nghêu ngao hát một mình cho đỡ nhớ đêm hát hố ở quê. Giờ già rồi vẫn mê hát hố không dứt được”.
Hội bài chòi dịp Tết Nguyên đán. |
Người dân Quảng Ngãi dẫu ở phương nào, khi nghe làn điệu hát hố lại tìm đến với nhau, say sưa đối đáp. Cụ Mức kể, năm ấy ông ngoài 30 tuổi, tàu cập bến ở Phan Thiết (Ninh Thuận). Đêm trên dòng sông tĩnh mịch, cô gái hàng rượu vẫn chong đèn. Ngồi trên mạn thuyền, chàng trai Lê Văn Mức trêu ghẹo: “Ơ... em ơi anh biểu em về kiếm một đời chồng/ Đừng có bơi xuồng bán rượu mà giữa dòng sông thiên hạ họ cười”. “Chỉ một vài câu thôi cháu hể, vậy mà sáng ngày bả đến mời bác về nhà”, cụ Mức nói cười như thể sống lại cái ngày trai trẻ say sưa hát hố. Khi đến nhà người con gái nọ, cụ Mức bất ngờ vì ở đó đã có những đôi trai gái quê “xứ nẫu” chờ sẵn để được ứng đáp.
Đó là chuyện của mấy mươi năm về trước, giờ thì thi thoảng dăm bảy cụ lại chống gậy đến nhà cụ Mức để hát hố. Không có giọng nữ đối đáp, chất giọng cũng không trong, không thanh như thuở trước, nhưng từng câu chữ vẫn mộc mạc, sâu sắc như chính con người xứ Quảng vậy.
“Bài chòi phát triển từ bài chòi chiếu lên ca kịch bài chòi, đến nay người ta còn hát đơn ca bài chòi. Theo thời gian, bài chòi có sự thay đổi và ngày càng phong phú hơn, được thế hệ trẻ đón nhận. Ngành VH-TT&DL đang khuyến khích thành lập các CLB hát bài chòi, động viên các nghệ nhân truyền dạy bài chòi cho thế hệ trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa” Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL. |
Không biết chữ, nhưng tài hát hố bậc nhất
Xưa, đâu phải ai cũng được học hành. Cụ Nguyễn Thưa (80 tuổi, người cùng xóm với cụ Mức), nào có biết chữ, vậy mà khi hát hố thì chữ nghĩa tuôn như mưa. Mê giọng hát của cụ Thưa, ngày trước khi dện nền nhà người trong làng mời cụ đến hát. Nghe điệu hát hố để dện nền nhà cho thật chặt. Tự mình ứng đáp với chính mình, ông chuyển thể, ứng tác rất tài tình.
Ngẫm chuyện ông kể cảm thấy vui, song cũng càng thêm nể phục tài chơi chữ của cụ. Chuyện là Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố của tỉnh có mời một vài phụ nữ ở Phan Rang về TP. Quảng Ngãi hát hố. Đôi bên nam nữ tóc bạc phơ say sưa đối đáp, thế mới thấy sức sống mãnh liệt của làn điệu hát hố trong lớp người xưa. Các cụ ông ở Nghĩa An mời các cụ bà về quê thăm chơi. Lâu lắm rồi, Nghĩa An mới “sống lại” đêm hát hố. Đêm ấy, các cụ hát đối đáp với nhau rất tài tình, sau mỗi bài đối-đáp là những tràng pháo tay giòn giã của bà con xóm làng.
“Hát hố hay lắm, trong đầu cứ phán ra chứ nào có sách vở. Nhiều người hỏi tui học lớp mấy, tui bảo nói ra đừng cười, cha mẹ tui nghèo nên có học hành gì đâu… Có điều tụi trẻ bây giờ không ưa. Tui có sáu thằng con trai, nhưng không có đứa nào biết hát hố”, cụ Thưa chép miệng. Ông cụ tiếc nuối vì nghệ thuật hát hố đặc sắc đến thế, lưu giữ từ nhiều đời nay, nhưng lo là khi thế hệ của ông mất đi sẽ không còn ai biết hát hố.
Sống dậy nghệ thuật bài chòi
Nếu như số người biết hát hố chỉ còn đếm trên đầu ngón tay thì cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều địa phương lại rộn ràng hội bài chòi. Loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này đang ngày một sống dậy trong cộng đồng dân cư. Ngày Tết, vùng quê ven biển Bình Thuận (Bình Sơn) đông vui hơn với hội bài chòi. Không chỉ có người già mà thanh niên nam nữ, trẻ con cũng tập trung tại khoảng sân rộng để xem loại hình nghệ thuật dân gian này.
Câu lạc bộ Bài chòi xã Bình Thuận đã khơi dậy sức sống của nghệ thuật bài chòi. Và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi ở địa phương yêu thích bài chòi. Ông Nguyễn Thực-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi xã Bình Thuận cho biết, những câu hát được dùng trong bài chòi thường mang chủ đề lao động sản xuất. Ngày nay, nhiều nghệ nhân đã sáng tác nhiều câu hát mới phù hợp với xã hội hiện đại. Có những câu hát tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, song cũng có những câu hát khéo léo chê bai thói hư tật xấu ngoài xã hội hiện đại.
Hội bài chòi được tổ chức vào dịp Tết đến, Xuân về tại xã Bình Thuận (Bình Sơn). |
Ở TP. Quảng Ngãi, những năm gần đây không khí tươi vui của hội bài chòi cũng được khơi dậy trong mỗi dịp Tết. Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Nhà Văn hóa thiếu nhi và trong các hội vui Xuân, ngành VH-TT&DL tỉnh, thành phố tổ chức hội bài chòi để giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, bài chòi được bổ sung thêm những làn điệu, sắc thái khác nhau theo từng địa phương và tích hợp thêm những yếu tố văn hóa âm nhạc của các vùng miền, làm phong phú thêm làn điệu bài chòi.
Để giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, tỉnh ta đã khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật bài chòi. Ngày càng có nhiều câu lạc bộ bài chòi được thành lập ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ… Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi đã triển khai có hiệu quả dự án "Sân khấu học đường" để truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho học sinh, đồng thời tổ chức các lớp dạy bài chòi cho người dân.
Sau 3 năm thành lập, đến nay trung tâm đã truyền dạy cho gần 200 học sinh và giáo viên của các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Em Nguyễn Văn Phước (24 tuổi, sinh viên năm cuối chuyên ngành Âm nhạc Trường Văn hóa nghệ thuật Quy Nhơn, quê xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ) là thế hệ học sinh được truyền dạy nghệ thuật bài chòi từ dự án "Sân khấu học đường", đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ III năm 2015. “Dân ca bài chòi rất hay, dễ đi vào lòng người với những làn điệu sâu lắng. Hy vọng tỉnh ta sẽ tổ chức nhiều hơn nữa hội bài chòi, để tạo sân chơi cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của quê hương", Phước ao ước.
Hát hố cưới được vợ Chẳng biết hát hố có tự bao giờ, theo lời kể của các bậc cao niên, từ tấm bé họ đã nghe mẹ, nghe bà hát ru từ những bài hát hố, lớn lên cùng bạn đi hát hố khắp làng trên xóm dưới. Vào những đêm trăng thanh gió mát, nhà nào có giã gạo, xắt củ… làn điệu hát hố lại cất lên. Nam nữ trổ tài ứng biến. Đêm càng khuya hát hố càng hay, từng câu chữ ứng biến càng đi vào lòng người. Hát hố giờ đây bị lãng quên, nhưng với những người từng sống, từng yêu loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này thì từng câu chữ trong bài hát hố ngày xưa vẫn đi theo năm tháng của đời người. Có người đến ngỏ lời xin được nghe hát hố, cụ Bùi Phụ Tiệm (94 tuổi) ở tổ 12, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) lấy làm lạ. Có người muốn nghe, nói chuyện về hát hố, ông cụ mừng lắm. Cụ bảo: “Lớn tuổi rồi, hơi không còn dài, chứ ngày xưa hát hay lắm”. Càng nghe ông hát chúng tôi càng mê và nể phục tài ứng biến lém lỉnh qua câu chữ. Ngày trước, nhiều người phải lòng nhau rồi nên vợ nên chồng cũng bởi say mê hát hố. Cụ Tiệm được vợ cũng là nhờ hát hố. Hát hố đặc sắc không chỉ ở sự thâm thúy của ý nghĩa câu từ, mà còn hay ở cái tài đối đáp “liền tay”, với sự mộc mạc, chân tình.
|
TRỊNH PHƯƠNG - MINH ANH