Khi những giọt mưa Xuân lất phất qua đi, nhường chỗ cho những tia nắng vàng ấm áp khiến lòng người trở nên xốn xang đón Tết về. Nhà cửa đã dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Hai chậu cúc vàng rực rỡ đặt ngay ngắn dưới hiên nhà. Đó là lúc mẹ tôi chuẩn bị nào là đậu xanh, bột dẻo, đường, khuôn bánh... làm bánh dẻo. Món bánh truyền thống dịp Tết nào mẹ tôi cũng làm từ hàng chục năm nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày còn nhỏ, chúng tôi luôn háo hức chờ mẹ sửa soạn dụng cụ làm bánh dẻo. Vừa thích thú ngồi nhìn, vừa đợi để “vét” nồi nhân làm từ đậu xanh thơm dịu, ngọt ngào luôn là giây phút thú vị, đáng nhớ. Mẹ tôi không mua đậu xanh làm sẵn, mà ngâm đậu xanh còn nguyên vỏ để dành từ vụ trước. Đậu xanh ngâm nước qua một đêm, nở bung phần vỏ lộ ra những hạt đậu trắng mơn mởn. Sau khi đãi vỏ đậu xanh rồi cho đậu vào hấp chín. Đợi cho đậu nguội, mẹ xay nhuyễn đậu bằng máy cầm tay để đậu giữ lại hương vị thơm ngon, độ quyện.
Bánh dẻo truyền thống ngày Tết. |
Trong lúc mẹ xay đậu xanh, chúng tôi giúp mẹ nhóm bếp than lên. Đậu vừa xay xong, mẹ cho đậu và đường trắng vào cái nồi bằng đồng to. Cái nồi đồng này vốn là của hồi môi của bà ngoại tặng mẹ ngày xuất giá với mong muốn mẹ tôi giữ nghề làm bánh của gia đình. Bếp than đỏ rực, ấm cả một góc bếp. Mẹ dùng đũa tre khoáy đều, đường tan ra, kết lại với đậu xanh, bốc mùi thơm lừng cho đến khi nhân đậu xanh quyện lại thành khối có độ kết dính. Đấy là khi công đoạn làm nhân đã xong, chỉ cần đợi nhân đậu nguội, vo lại thành viên. Còn “phần thưởng” cho chúng tôi khi ấy là những viên nhân đậu xanh nho nhỏ, thơm lừng, ngọt lịm.
Để làm phần bột bánh dẻo, mẹ tôi rây bột qua một tấm lưới mỏng rồi rắc bột vào nồi nước đường đã nấu sẵn. Tay rắc bột, tay kia mẹ dùng một cái đũa to để khoáy đều, liên tục không cho bột đóng cục. Vậy là hai công đoạn làm nhân và bột bánh quan trọng nhất trong công thức làm bánh dẻo đã xong. Tiếp đến là phần in bánh cũng cần phải khéo léo để mặt bánh được sắc nét, nhân không bị lộ ra ngoài.
Những chiếc bánh dẻo trắng trong, mềm mại, nhìn trông thật ngon mắt. Bánh dẻo làm xong đợi khoảng một tiếng đồng hồ để bánh có độ dẻo nhất định. Sau đó, mẹ dùng giấy bóng trong bọc xung quanh. Mẻ bánh vừa làm xong, mẹ xếp bánh lên đĩa rồi ba tôi kính cẩn đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang dâng lên ông bà tổ tiên.
Vì mọi công đoạn làm bánh đều bằng tay nên cần nhiều thời gian tỉ mỉ, kỹ công. Nhờ vậy mà món bánh dẻo truyền thống thêm phần ngon miệng hơn. Cắn miếng bánh dai mềm, vị bánh mịn tan dần trong miệng, không lợn cợn như bánh làm sẵn.
Cho đến ngay cả bây giờ, chỉ cần ghé vào một hiệu tạp hóa bất kỳ cũng dễ dàng mua được các loại bánh kẹo làm sẵn với đủ màu sắc, hương vị. Nhưng mỗi lần Xuân về, tôi vẫn nôn nao mong chờ Tết đến để được thưởng thức những chiếc bánh dẻo mẹ làm. Mùi than bếp ấm cúng, vị thơm lừng của nhân bánh đậu xanh, tiếng lục đục chuẩn bị nào là bếp lò, than củi, tiếng leng keng va vào nhau của những chiếc khuôn bánh... như đánh thức những ký ức tuổi thơ ùa về trong hương vị ngày Tết cổ truyền.
Bài, ảnh: BẢO HÒA