Tục dựng nêu và tết trâu

07:01, 12/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất nước ta phong phú về lễ hội, với nhiều tập tục cổ truyền. Tục dựng nêu và lễ tết trâu trước, sau dịp Tết cổ truyền cũng khá phổ biến ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Những lễ tục này đậm chất dân gian, phản ánh cuộc sống của người xưa, sự phát triển vượt bậc của văn minh lúa nước.

Về tục dựng nêu, nhà nhà thực hiện trong ngày hai mươi chín tháng Chạp nếu là tháng đủ, hai mươi tám nếu là tháng thiếu. Gia đình khá giả, có đủ sức lao động thì dựng nhiều cây nêu từ ngoài ngõ, trước nhà chính, bên cạnh giếng nước, chuồng gia súc, nhà bếp. Còn nhà nghèo, sức lao động yếu thì dựng một cây trước nhà.

 

Dựng cây nêu trước nhà trong ngày Tết.            ảnh: Internet
Dựng cây nêu trước nhà trong ngày Tết. ảnh: Internet


Để dựng nêu, người ta chọn những cây tre tốt nhất trong lũy tre, trảy sạch mắt, ngọn để nguyên đọt và một ít lá. Ngọn nêu được quấn thêm giấy đỏ, và người ta treo vào đó một chiếc giỏ tre nhỏ, bên trong đặt một tấm vỉ tre cỡ nửa bàn tay đan bằng năm cọng nan ngang, bốn cọng nan dọc. Trên tấm vỉ đó người ta bày thêm trầu lá, cau trái đều tươi. Hoàn thành việc dựng nêu ngày hôm trước, hôm sau gia đình làm lễ rước ông bà, đến mùng bảy tháng giêng thì hạ nêu. Khi hạ nêu, trầu cau trong giỏ được tập trung lại đem đổ vào nhà, sau đó mới quét dọn. Còn cây tre dùng vào việc chẻ hom kẹp tranh, rạ thành tấm lợp. Theo quan niệm dân gian, dựng nêu nhằm xua đuổi ma quỷ, trừ tai ác, đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình.

 

Người dân Lý Sơn dựng cờ phướn ở nhà thờ tộc họ trong dịp Tết.      ảnh V.C
Người dân Lý Sơn dựng cờ phướn ở nhà thờ tộc họ trong dịp Tết. ảnh V.C


Lễ tết trâu diễn ra vào sáng mồng bốn tháng Giêng. Nhà nông bày lễ vật trước sân gồm hoa quả, bánh chưng, bánh tét, hương đèn…để cúng Thành hoàng, thần Nông, thần Quách Cảnh Ngưu Lang... Sau một hồi khấn vái cầu mưa thuận gió hòa, gia súc nói chung, trâu bò nói riêng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, chủ nhà cầm cuốc ra vườn cuốc mấy nhát vào đất làm lễ động thổ, bắt đầu một năm mới cày cấy tăng gia sản xuất. Cúng xong, người nhà cuộn bánh tét vào cỏ tươi cho trâu bò ăn, lấy giấy vàng bạc dán lên cột, cổng chuồng, trên sừng trâu bò, coi đó là lễ tết trâu bò, tết gia súc..
.
Dựng nêu tuy mang màu sắc tâm linh nhưng cũng là chỗ dựa tinh thần của ông cha thời xưa. Nó trở thành tập tục ăn sâu vào ký ức thế hệ trưởng thành và để lại trong lòng con cháu hôm nay nỗi niềm hoài cảm. Lễ tết trâu thể hiện vai trò nghề nông trong xã hội và sức kéo trâu bò trong nông nghiệp. Dân gian từng có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, trâu bò giúp nhà nông cày bừa, khai khẩn đất đai, làm ra nhiều thóc gạo cung ứng cho cuộc sống.

Ngày nay tục dựng nêu khi Tết đến hầu như không còn nữa, thay vào đó nơi công sở, trường học, nhà nhà treo Quốc kỳ. Trong nắng gió đầu xuân, lá cờ tung bay phất phới, hồn thiêng sông núi trào dâng, cuộc sống thanh bình, ngày một đổi thay no ấm. Và cũng trong nắng xuân dịu dịu, những cánh đồng lúa, đồng rau màu xanh tươi; máy móc đã giúp nhà nông tăng năng suất; đồng sâu được chống úng, đồng cao hay nương rẫy được khắc phục hạn hán. Trâu bò ít được sử dụng cày bừa hơn, nhưng hình ảnh trâu bò trong ký ức nhà nông không thể phai mờ.

Dựng nêu và tết trâu là hai lễ tục trước và sau ba ngày Tết âm lịch, đậm nét cổ truyền dân gian, thể hiện nỗi niềm đời sống nông thôn ngày xưa và tình cảm con người đối với trâu bò, loài vật luôn gần gũi, gắn bó với nghề nông. Trước thềm Xuân Giáp Ngọ, câu ca dao: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” như gợi cảm lòng người yêu làng quê một nắng hai sương, yêu đất nước đã từng vượt qua những chặng đường gian khó!


Bùi Văn Tạo


 


.