Làng nghề truyền thống tất bật những ngày giáp Tết

11:01, 28/01/2011
.

(QNĐT) - Những ngày ngày, các làng bánh, mứt truyền thống đang hoạt động hết công suất để cho ra lò các mẫu bánh kịp phục vụ Tết. Quyện trong khí lạnh của những ngày giáp tết là mùi thơm ngát của mứt gừng, bánh thuẫn…

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Phùng ở thôn Tiên Đào, xã Bình Trung (Bình Sơn) - gia đình duy nhất của xã Bình Trung còn giữ nghề làm bánh thuẫn, chúng tôi như bị cuốn hút bởi không khí lao động rất khẩn trương của vợ chồng ông và đám trẻ con giúp việc. Đã quá trưa nhưng ông Phùng mọi người vẫn miệt mài đánh bột còn vợ ông và đám trẻ giúp việc vẫn hì hục bên bếp lửa than đỏ rực.
 
Trước sự “xâm chiếm” thị phần của các sản phẩm bánh kẹo cao cấp nhưng 15 năm qua, gia đình ông Phùng vẫn kiên trì với nghề truyền thống này không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì muốn gìn giữ cái nghề mà bao đời cha ông đã gắn bó.
 
Ngày thường gia đình ông chỉ làm khoảng hơn 10kg trứng nhưng những ngày giáp tết thì số lượng lên tới 20kg (khoảng 6.000 chiếc). Với số lượng ấy, hai vợ chồng làm không xuể nên phải nhờ đám trẻ con trong làng phụ giúp. Mỗi ngày, trừ chi phí gia đình ông cũng kiếm gần 1 triệu đồng.
 
Trước khi đổ bột vào phải xoa dầu phụng đều khắp khuôn.
Trước khi đổ bột vào phải xoa dầu phụng đều khắp khuôn.

Đậy nắp trong khoảng thời gian từ 5-7 phút, trên nắp cũng bỏ nhiều than lửa để bánh chín đều.
Đậy nắp trong khoảng thời gian từ 5-7 phút, trên nắp cũng bỏ nhiều than lửa để bánh chín đều.

Ngày nay, làm bánh thuẫn đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây, người ta dùng tay để đánh bột bánh thuẫn nhưng giờ đã có máy đánh chạy bằng điện, giúp người làm đỡ hao tốn sức lực, hơn nữa chiếc bánh nở đẹp hơn rất nhiều. Khuôn bánh cũng không còn rời từng chiếc mà thay vào đó là 12 cái trên cùng 1 khuôn rất tiện lợi.
 
Đầu tiên, lấy 1kg trứng, 1,2 kg đường trắng, 1,4 kg tinh bột mì phơi khô và 0,1 kg gừng tươi đổ chung vào, đánh chung cho đều để mọi thứ hòa quyện vào nhau. Thời gian đánh phải lâu và đều tay để chiếc bánh nở, xốp, giòn ăn mới thơm ngon.

Song song với việc đánh bột thì cũng cho khuôn lên lò và đun nóng trong 1 giờ đồng hồ. Xoa dầu đều khắp mặt khuôn rồi đổ bột vào khuôn, đậy nắp trong khoảng thời gian từ 5-7 phút, trên nắp cũng bỏ nhiều than lửa. Sau đó, vớt bánh ra để nguội rồi cho vào lò sấy khoảng 3 giờ đồng hồ trước khi đóng gói.
 
Sau khi vớt bánh ra đem sấy trên lửa than nhẹ khoảng 1 giờ đồng hồ cho bánh khô trước khi đóng gói.
Sau khi vớt bánh ra đem sấy trên lửa than nhẹ khoảng 1 giờ đồng hồ cho bánh khô trước khi đóng gói.
 
Tuy chỉ có những bước rập khuôn như thế, nhưng để bánh xốp, giòn, thơm và bảo quản được lâu là cả một bí quyết mà không phải bất kỳ ai cũng làm được. Bà Ba - vợ ông Phùng chia sẻ: “Vài năm gần đây, cũng có rất nhiều gia đình quay trở lại làm nghề truyền thống nhưng bánh mình làm ra luôn được khách hàng ưa chuộng. Để bánh giòn và giữ được mùi thơm lâu ngoài gừng, tôi luôn sử dụng theo công thức cứ 2 trứng gà và 1 trứng vịt, đặc biệt là dùng dầu phụng để xoa khuôn. Nếu dùng mỡ động vật hoặc trứng vịt không thôi thì chỉ sau một tuần bánh có mùi tanh rất khó chịu”.

Sản phẩm của gia đình ông Phùng làm ra luôn thơm ngon nên nhãn hiệu bánh thuẫn “Ba Phùng” có mặt khắp mọi nơi, luôn được khách hàng ưa chuộng. “Nhờ vậy mà năm nào gia đình tôi cũng đón tết vui tươi, đầm ấm. Và cũng chính nhờ nó mà 4 đứa con tôi được lo ăn học tử tế, đã có 3 đứa đã và đang theo học đại học, 1 đứa đang học lớp 11” -ông Phùng phấn khởi khoe.

Còn tại thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) vào những ngày này, lò bánh kẹo của chị Trần Thị Mỹ,  từ sân vào trong nhà, chất đầy nguyên liệu. Cùng với đó là ngập tràn tiếng nói, cười, gọi nhau í ới của hơn 20 con người đang tham gia làm công. Có lẽ đây cũng là thời điểm tình làng nghĩa xóm được thắt chặt nhất. 
 
Ngày thường, chị Mỹ chỉ làm kẹo gương, đường phèn, đường phổi nhưng đến dịp Tết chị lại quay sang làm mứt gừng. Theo chị, tuy bánh kẹo cao cấp, thậm chí là bánh kẹo ngoại nhập được bày bán tràn lan nhưng không vì thế mà sức mua đối với các mặt hàng bánh mứt truyền thống giảm đi.
 
Mỗi ngày chị xuất ra tới 600 kg mứt gừng, vì đây là mặt hàng để cúng, dùng trong dịp Tết, đặc biệt là làm quà biếu cho người thân nên sau Tết bán rất chạy.
 
Nghề làm mứt gừng vất vả và cần nhiều nhân công hơn nghề bánh thuẫn. Từ khâu chuẩn bị đến ra thành phẩm trải qua khá nhiều công đoạn.
 
Trước tiên, gừng được gọt sạch vỏ, ngâm trong nước có pha chanh. Rồi đem luộc cho bớt mùi hăng. Để mứt gừng dẻo, trắng ta phải xả thật sạch bằng nước lã, thông thường là sau 3 lần xả và phơi thật ráo. Sau công đoạn này, rồi mới đến công đoạn ướp đường cho thấm theo công thức cứ 1kg gừng thì 1,2 kg đường. Sau đó, đem sên trên bếp lửa than trong thời gian 1 giờ, đến khi có đường trắng bám xung quanh chảo thì nhắc xuống, đảo đều gừng cho đến khi mứt khô và rời ra.
 
Trước tiên, gừng phải được gọt sạch vỏ và thái thật mỏng.
Trước tiên, gừng phải được gọt sạch vỏ và thái thật mỏng.

Sau đó, đem luộc và xả thật sạch bằng nước lã.
Sau đó, đem luộc và xả thật sạch bằng nước lã.
 
 
Sên trên bếp than khoảng 1 giờ đồng hồ.
Sên trên bếp than khoảng 1 giờ đồng hồ.
 
Cho mứt ra mâm phơi vừa ráo đường, đồng thời thực hiện động tác lấy đũa đè mứt cho thẳng trước khi mứt thật sự khô.
Cho mứt ra mâm phơi vừa ráo đường, đồng thời thực hiện động tác lấy đũa đè mứt cho thẳng trước khi mứt thật sự khô.
 
Giá cả đầu vào của nguyên liệu tăng cao trong tháng Chạp nên giá bán cũng tăng so với ngày thường. Hiện giá bán tại lò là 54.000 đồng/kg. “1 kg mứt gừng thành phẩm trừ chi phí lãi được từ 2.000-3.000 đồng. Tuy mỗi năm chỉ làm nghề này có 1 tháng nhưng gia đình cũng kiếm được kha khá, đủ lo một cái Tết ấm cúng, hơn nữa đây là nghề mà bao đời cha ông ta đã gắn bó, mình phải giữ cho thế hệ mai sau” - chị Mỹ bộc bạch. 

Ái Kiều

 

.