(Báo Quảng Ngãi)- Những con tàu từ đất liền rẽ sóng vươn khơi, mang theo hương vị Tết cổ truyền từ đất liền ra quần đảo Trường Sa. Tết ấm áp đã đến sớm với những chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hải trình đến với Trường Sa hơn 1.000 hải lý, đi hết vòng cũng phải 20 ngày. Mỗi con tàu chở khoảng 500 tấn hàng Tết đi trong gió mùa. Chính trị viên tàu 561, đại úy Dương Văn Đắc, nói rằng: “Anh em thủy thủ vất vả trong sóng gió, nhưng rồi sẽ về đất liền, chứ cán bộ, chiến sĩ ở đảo thì thiếu đất liền, vắng người thân, nên dù vất vả đến mấy anh em chúng tôi vẫn cố gắng chở hàng phục vụ đồng đội ăn Tết ở đảo xa”. Bởi vậy, dù có vất vả, gian lao bao nhiêu thì những người lính thủy trên tàu cũng vượt sóng cấp 7, cấp 8 mà đi, để mang hàng Tết, mang tình cảm của đồng bào ở đất liền ra quần đảo Trường Sa.
"Bàn thờ" Bác Hồ được lính đảo Tiên Nữ chăm chút. |
Trên chuyến hải trình đến với Trường Sa dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã đặt chân đến các hòn đảo thuộc tuyến giữa của quần đảo Trường Sa là Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Thuyền Chài, cùng đón Tết sớm với cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời nơi hải đảo xa xôi.
Ở các đảo, nghi lễ đón tàu trang trọng, các sĩ quan, chiến sĩ xếp hàng thẳng tắp, giơ tay lên vành mũ chào đoàn công tác. Những cái bắt tay rất chặt, những vòng tay ôm nhau như đi xa bao nhiêu năm bây giờ mới gặp lại. Người lên trước, hàng hóa lên sau, mấy cây quất lúc lỉu quả, rau củ, lá dong, đàn heo cũng theo bước chân những tân binh lên đảo.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh ăn Tết ngay hôm tàu cập đảo. Không khí đón Tết trên đảo cũng không khác gì đất liền. Anh em trong đoàn sau khi tìm hiểu về đời sống của cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đây đã được tham gia một hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết, đó là cùng những người lính gói bánh chưng từ lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo... "Năm nay là năm thứ 8 tôi đón Tết trên quần đảo Trường Sa. Vào dịp Tết, đơn vị đều tổ chức gói bánh chưng. Nhiều anh em khi mới ra đảo không biết gói bánh, nhưng người trước chỉ người sau rồi ai cũng biết gói bánh cả", trung tá Hoàng Văn Ánh nói.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh quây quần gói bánh chưng đón Tết sớm. |
Không trồng được đào phai, đào bích phương bắc, hay mai vàng phương nam, nhưng người lính đảo tỉ mẩn, khéo léo, cắt dán, tỉa tót tạo hình những cành đào, cây mai cũng sống động như thật. Loại hoa đặc trưng của các đảo được làm từ vỏ ốc biển, vỏ sò được sơn phết đẹp mắt. Thêm dây điện nhấp nháy, những mẩu giấy gấp hình hoa, cánh hạc ghim vào cành, ghi nội dung câu hỏi, thế là thành cây hoa để đêm “giao thừa” tổ chức tiết mục hái hoa dân chủ.
Buổi tối, trong khi tuổi trẻ đơn vị tổ chức hái hoa dân chủ, hát mừng chờ đón thời khắc của năm mới, nồi bánh chưng cũng đã sôi ùng ục tô hồng khuôn mặt của các chiến sĩ. Những ngón ghi ta điêu luyện, những giọng ca trầm bổng, ngân vang làm cho buổi giao lưu thêm phần vui nhộn, thắm tình đồng chí, đồng đội. Những bài hát truyền thống, ngợi ca quê hương, đất nước hòa cùng tiếng sóng biển dạt dào.
Đêm của một ngày đầu năm mới giữa muôn trùng sóng gió, không chỉ với những người lính hải quân, chúng tôi cùng chung niềm xốn xang, phấn chấn lạ thường khi vinh dự trong khoảnh khắc của một năm mới đang đến, được đứng cùng các cán bộ, chiến sĩ ngắm nhìn đất trời quê hương ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Những cái bắt tay, những lời chúc mừng năm mới được trao nhau, ấm áp tình quân dân.
Và, giữa thời khắc thiêng liêng ấy, người chiến sĩ hải quân vẫn không quên nhiệm vụ canh gác biển trời. Binh nhất Nguyễn Tấn Hào, ở đảo Phan Vinh, chia sẻ: “Liên hoan văn nghệ đêm giao thừa, ai cũng muốn tham dự, nhưng mỗi người lính chúng em đều hiểu rằng, nhiệm vụ là trên hết. Vì vậy, đêm nay đứng gác, nhưng trong lòng em vẫn cảm nhận được niềm vui của đồng đội, hơi ấm của đất liền và không khí Tết đang ngập tràn trên đất đảo”.
Khi tàu chở hàng đến đảo chìm, đảo nổi cuối cùng thì chỉ còn già nửa tháng nữa là đến Tết. Không khí đón xuân ở các đảo rất nhộn nhịp. Tết của người lính hải quân làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa dù ở đảo chìm hay đảo nổi đủ đầy như ở đất liền, cũng có bánh chưng, cây quất, cành mai... chỉ là thiếu tình cảm đoàn viên của gia đình. Dẫu vậy, cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa vẫn luôn cảm thấy ấm áp, bởi họ cảm nhận được tình cảm của đồng bào ở đất liền hướng về nơi đảo xa. "Mỗi điểm đảo có một đặc thù riêng, cán bộ, chiến sĩ đến từ nhiều vùng miền, nhưng điểm chung là anh em một lòng đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau chắc tay súng để canh giữ biển, đảo của Tổ quốc”, Chính trị viên đảo Tốc Tan B, thượng úy Nguyễn Trần Giang bày tỏ.
Tết của người lính trên quần đảo Trường Sa ấm cúng và thiêng liêng, để lại trong mỗi chúng tôi tình cảm lưu luyến, ấn tượng khó quên trong những ngày đầu Xuân mới.
Bài, ảnh: XUÂN HIẾU