(Báo Quảng Ngãi)- Tết Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần, lượng người đi mua sắm tại các siêu thị, chợ, cửa hàng... trở nên đông đúc. Nhờ có sự chuẩn bị trước nguồn hàng, nên thị trường bánh kẹo, nước ngọt... không có biến động nhiều về giá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dạo quanh các điểm mua sắm lớn ở TP.Quảng Ngãi và khu trung tâm ở các địa phương trong tỉnh, có thể cảm nhận được “sức nóng” của thị trường hàng Tết đang tăng lên nhanh chóng. Tại Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, không khí mua sắm của người dân rất nhộn nhịp. Hàng chục nhân viên của siêu thị hối hả đóng gói những túi quà Tết cho khách hàng ngay trên khu vực lối đi dẫn vào siêu thị. Quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, anh Lâm - nhân viên của siêu thị cho biết, phải tranh thủ làm để kịp lô hàng các giỏ quà Tết của các doanh nghiệp đặt biếu cho nhân viên dịp cuối năm.
Nhân viên Siêu thị Co.op Mart làm việc không ngơi tay phục vụ khách hàng. |
Tại các gian hàng đặc trưng cho ngày Tết như bánh kẹo, mứt, bia, nước ngọt... có rất đông khách hàng. Đứng lựa chọn mua hạt điều và một ít bánh kẹo, chị Lê Na cho biết: Hàng ở siêu thị mẫu mã đa dạng, có nguồn gốc rõ ràng nên mua yên tâm hơn, giá cả lại hợp lý nên tôi chọn mua để dùng ngày Tết và biếu người thân”.
Không chỉ tại các siêu thị mà ngay tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa ở các địa phương cũng nhộn nhịp cảnh mua sắm Tết. Chủ một tạp hóa trên đường Nguyễn Thụy (TP.Quảng Ngãi), cho biết, những năm trước qua rằm tháng chạp là sức mua đã tăng cao. Tuy nhiên, năm nay người dân đi mua sắm Tết trễ hơn, nhưng bù lại mấy ngày qua lượng khách hàng đi mua sắm Tết đã tăng nhanh đột biến. Dù cửa hàng đã tăng cường thêm nhân viên để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của khách hàng, nhưng nhiều người vẫn phải chờ đợi lâu vì lượng khách quá đông.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, cùng với cái Tết của cộng đồng mỗi dân tộc, thì Tết truyền thống của 54 dân tộc anh em có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Nhà nhà, người người đều chuẩn bị đón Tết. Ở những bản làng xa trung tâm huyện, chị em phụ nữ rủ nhau đi chợ huyện để mua sắm cho ngày Tết. Gia đình nào có điều kiện, đường sá dễ đi lại thì xuống chợ bằng xe máy, còn những nơi điều kiện khó khăn thì cùng nhau đi bộ.
Từ 4 giờ sáng, chị Hồ Thị Thúy ở thôn 4, xã Trà Thủy (Trà Bồng) cùng với nhiều chị em ở cùng thôn đi bộ xuống chợ huyện mua sắm Tết. Cuốc bộ hơn 10km thế mà ai nấy cũng rạng ngời niềm vui trên khuôn mặt. Chị Thúy phấn khởi nói: "Đường đi lên thôn vẫn còn lầy lội, không đi xe máy được, nên rủ nhau đi bộ. Lần này xuống chợ, tôi mua quần áo mới cho chồng con, mua bánh kẹo để chuẩn bị ăn Tết".
Ở vùng cao Minh Long, đồng bào dân tộc thiểu số Hrê cũng rộn ràng không khí chuẩn bị đón Tết. Các vật dụng, đồ dùng thiết yếu sử dụng hàng ngày như chiếu, mền, chén đũa đến quần áo, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống là các mặt hàng được bà con mua nhiều nhất trong những ngày cuối năm.
Sau khi mua các đồ dùng thiết yếu, bánh kẹo Tết cho gia đình, chị Đinh Thị Hoa ở xã Thanh An cũng tranh thủ mua cho mình hộp phấn và thỏi son. Chị Hoa thẹn thùng, nói: "Cả năm quanh quẩn với ruộng vườn, nương rẫy nên đen đủi, xấu xí lắm. Tết sắp đến rồi, nên tôi cũng muốn sửa soạn cho tươi tắn hơn chút, một năm chỉ có dịp này mới được làm đẹp thôi".
Với đồng bào ở vùng cao, cả một năm bộn bề với công việc đồng áng, nương rẫy, chẳng mấy khi thư thả để cùng nhau đi chợ huyện, thế nên dịp cuối năm, đi chợ Tết là niềm vui, là nét đẹp truyền thống mà ai nấy đều háo hức. Chợ Tết vùng cao không chỉ là nơi để mua bán mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, du xuân, góp phần tạo nên một bức tranh mùa xuân đa sắc màu ở vùng cao. Năm nay do chủ động chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết, nên giá cả tương đối ổn định.
Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá, Sở Công thương tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các điểm bán hàng bình ổn giá chuẩn bị lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: K.NGÂN - H.THU