(Baoquangngai.vn)- Đêm giao thừa, trong khi cùng nhau quây quần hạnh phúc bên gia đình hoặc ra đường đón đón khoảnh khắc chuyển giao năm mới thì đâu đó trên các con đường, tuyến phố vẫn còn rất nhiều người dân lao động nghèo tất bật mưu sinh.
TIN LIÊN QUAN
Quảng trường TP. Quảng Ngãi trong đêm giao thừa thu hút rất đông người dân khắp nơi trong tỉnh nô nức tập trung về đây để xem pháo hoa, chào đón khoảnh khắc giao thừa. Hòa lẫn trong dòng người ấy là những người bán bong bóng bay, cá viên chiên, bắp nướng… mưu sinh. Vẫn là những món hàng rất cũ, hàng ngày vẫn nhìn thấy, vẫn buôn, vẫn bán, nhưng họ niềm nở hơn, cười nhiều hơn và bán cũng được giá hơn.
Với dáng người gày gò bên xe đẩy cà tàng, phía trên là "thùng đồ nghề" bán bánh cam, bánh tiêu, "gian hàng" của anh Ngô Thế Lợi ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) nằm lọt thỏm giữa dòng người qua lại. Gắn bó với nghề bánh tiêu, bánh cam hơn 5 năm nay là ngần ấy năm anh đón giao thừa ở Quảng trường.
“Ăn nhau là mấy ngày này, đêm giao thừa người dân đổ về đây đông nên hàng bán cũng chạy hơn bình thường. Hàng bán chạy hơn nên lời lãi cũng tàm tạm. Vất vả vì phải thức xuyên đêm nhưng thôi thì cả năm có ngày Tết, có đêm giao thừa, mình cố gắng để kiếm thêm cái bánh, cái kẹo ngày Tết cho con”- anh Lợi chia sẻ.
Hòa trong dòng người dạo chơi trên phố là những gánh hàng của người mưu sinh. |
Cùng chung cảnh ngộ với anh Lợi, phía bên kia đường, rảo bước với chùm bóng bay “khổng lồ” có đến gần trăm quả với đủ thứ hình thù: thỏ, mèo, ngựa… chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) đon đả mời khách mua hàng "Anh, chị ơi! Mua cho cháu quả bóng bay nhé! Mua đi, em không lấy đắt đâu”. Lời mời chào của chị thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường và không ít người đã dừng lại mua bong bóng của chị. Mỗi một trái bóng được bán đi là trên môi chị nở một nụ cười rạng rỡ.
Chị cho biết, đêm giao thừa nhìn mọi người sum họp gia đình hay cùng gia đình đi dạo phố, trong khi mình vẫn phải bươn chải bán buôn cũng cảm thấy chạnh lòng, nhưng biết làm sao được, cuộc sống mình không đủ đầy như người ta nên mình cũng phải cố gắng bươn chải mưu sinh để ra Tết cả nhà được vui vầy hơn.
Với chị đây là khoảng thời gian bán tốt nhất, cho chị số lời nhiều nhất vì hầu như ai cũng dễ tính hơn. "Giá mỗi quả bóng bay tùy theo hình thù, kích cỡ mà dao động từ 20.000 – 50.000 đồng. So với ngày thường, giá tăng chút đỉnh dăm bẩy ngàn một quả. Nếu bán tốt cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ đêm. Dù không được ở bên gia đình trong thời khắc chuyển giao năm mới, nhưng tôi rất vui và hạnh phúc vì có thể kiếm thêm chút tiền giúp gia đình cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học"- chị Hạnh chia sẻ.
Họ chấp nhận mưu sinh trong đêm giao thừa để con cái họ sau này có cuộc sống đủ đầy hơn |
Trong câu chuyện của những người mưu sinh trong đêm giao thừa mà chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện, dù mỗi một người một một nghề, một hoàn cảnh, một câu chuyện cuộc đời, một số phận nhưng khi hỏi đến thì họ cùng trả lời là vì cuộc sống, vì phải mưu sinh, họ phải tạm gác những cảm xúc riêng để mong bán được nhiều hàng, có thêm thu nhập và trở về sum họp với gia đình.
Thời khắc thiêng liêng báo hiệu phút chuyển giao năm mới đang xích lại gần, rất gần. Câu hát “Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà. Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi... Tết đến đoàn tụ cùng ở bên bếp hồng và nồi bánh chưng chờ xuân đang sang...” ở nơi Quảng trường chợt vang lên càng khiến chúng tôi thêm cảm thương cho những mảnh đời nghèo khó. Đầu năm mới, chỉ mong rằng, trong năm tới, họ sẽ được sung túc hơn....
PV