(Báo Quảng Ngãi)- Từng chùm pháo hoa tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời, những con phố, đường làng được trang hoàng đủ sắc màu, từng khóm hoa khoe sắc rực rỡ, mọi người, mọi nhà đã trãi qua một cái Tết với biết bao câu chuyện ấm áp bên gia đình và những người thân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ước vọng năm mới
Hòa chung vào không khí của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hàng ngàn người dân Quảng Ngãi được trải qua giây phút háo hức với những màn pháo hoa rực rỡ. Từng chùm pháo hoa nhiều sắc màu, tỏa hương trên bầu trời TP.Quảng Ngãi, Lý Sơn, Bình Sơn đã mang lại cho người dân nhiều cảm xúc khó quên trong thời khắc giao thừa.
Ánh sáng pháo hoa đêm giao thừa mang theo những giấc mơ của riêng mỗi người con đất Quảng. Ảnh: NG.TRIỀU |
Thời tiết đêm giao thừa tuy lạnh, nhưng không mưa, nên người dân đổ về các điểm bắn pháo hoa rất đông, nhất là Quảng trường đường Phạm Văn Đồng và mong ước nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người. Khi những chùm pháo hoa đầu tiên sáng rực trên bầu trời TP.Quảng Ngãi thì cũng là lúc hàng ngàn người vỗ tay, reo hò, hô vang câu: Chúc mừng năm mới. "Cùng vợ con xem pháo hoa, gửi ước vọng một năm mới an lành, nhiều may mắn là một thông lệ của gia đình tôi từ nhiều năm nay. Pháo hoa đẹp rực rỡ làm cho người ta tràn đầy hy vọng”, anh Trần Vạn Quân, người dân phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi, chia sẻ.
Trước khi màn pháo hoa rực rỡ được trình diễn là các tiết mục văn nghệ sôi nổi mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi quê hương núi Ấn, sông Trà. Những ca khúc, hoạt cảnh đã làm cho người xem thêm yêu quê hương, tin vào con đường đổi mới, hội nhập để phát triển của quê hương, đất nước. Chương trình “Lễ hội đón giao thừa” đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Quảng Ngãi.
Tết trọn tình quê hương
Tết đến không chỉ có những chuyến du xuân, mà còn là dịp mọi người sum vầy bên mâm cơm tất niên với hương vị bánh tét quê nhà, là dịp các thành viên trong gia đình cùng ôn lại những chuyện đã qua trong năm cũ, ước vọng cho năm mới. Tốt nghiệp đại học, cô gái Nguyễn Thị Thanh Hương (25 tuổi, quê Mộ Đức) quyết định chọn TP. Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp. Nhớ về khoảnh khắc về quê đón Tết, Hương vẫn không khỏi nghẹn ngào: “Công việc của em phải làm sát Tết mới được nghỉ. Chiều 28 Tết xong việc liền ra bến xe về quê đón Tết mà lòng xao xuyến khó tả. Cái Tết cổ truyền của dân tộc ta là thế đấy, và còn có ý nghĩa hơn khi được sum vầy đón Tết cùng gia đình”.
Một tiết mục trình diễn bài chòi tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Trong hành trình về quê đón Tết của nhiều người trẻ không chỉ là ước mơ được sum vầy cùng gia đình, mà còn thể hiện sự sẻ chia, giúp đỡ nhiều bà con ở quê nhà có được cái Tết đủ đầy, ấm áp hơn. Những người con của xã Đức Phú (Mộ Đức) đang sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh đã có một cái Tết đầy ý nghĩa như thế khi hàng trăm suất quà cho người cao tuổi của xã. Anh Phạm Hữu Lộc, một trong những người có nghĩa cử cao đẹp đó, bộc bạch: “Những món quà chỉ mang ý nghĩa tinh thần, nhưng đó là cách để những người con xa quê thể hiện nghĩa cử ân tình, bởi lẽ Tết chỉ vui khi trọn tình quê hương”.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: Đêm Mùng 4 Tết, tại Khu nhà cổ (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), ngành VH-TT&DL tỉnh đã tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật bài chòi nhằm phục vụ cho người dân vui Xuân, đón Tết. Qua đó, góp phần khuyến khích các CLB, nghệ nhân giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống. Tại đây, CLB dân ca xã Bình Thuận (Bình Sơn), lực lượng nghệ thuật quần chúng huyện Đức Phổ, nghệ nhân ưu tú Trần Tám, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh đã đem đến cho người xem 12 tiết mục ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước, các trích đoạn bài chòi cổ… |
"Giữ sóng" xuyên Tết
Tết cũng là thời điểm nhiều ngư dân huyện đảo Lý Sơn nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, người thân nên việc sử dụng các dịch vụ di động, viễn thông tăng lên. Do đó, các sự cố có thể xảy ra, có khi còn nhiều hơn những ngày thường. Vì vậy, những cán bộ kỹ thuật của Viettel huyện Lý Sơn phải làm việc xuyên Tết. Đã 5 năm đón Tết tại đảo, anh Nguyễn Thanh Hiền - Phó Giám đốc Kỹ thuật Viettel huyện Lý Sơn (quê xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa), chia sẻ: “Tết ở đây cũng vui lắm. Năm nay trên đảo có bắn pháo hoa, nên đơn vị tổ chức cho anh em đón giao thừa. Và chúng tôi thật sự hạnh phúc khi được chính Tổng Giám đốc Viettel chúc Tết, dặn dò, động viên, chia sẻ khó khăn với anh em”.
Theo anh Hiền, tuy đơn vị chỉ có vài người, nhưng năm nào anh em Viettel huyện Lý Sơn cũng dành thời gian cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên. Mâm cơm ngoài đảo cũng sung túc không kém gì ở nhà: Có gà trống luộc, chả bò, thịt heo, có dưa hấu đỏ và đương nhiên không thể thiếu chút rượu quê và vài thùng bia mà đất liền gửi tặng anh em vui xuân. Ngày mùng 1 Tết, người dân sinh sống xung quanh trụ sở cơ quan sang chúc Tết, không khí ấm cúng như gia đình vậy. “Dù khoảng cách xa xôi, không được ở bên gia đình, nhưng đón Tết với đồng nghiệp cũng để lại trong lòng mỗi người đầy ắp những kỷ niệm. Có lẽ những sóng gió, khó khăn nơi đảo xa càng khiến cho tình cảm của anh em thêm gắn bó, ấm áp và thân thiết, cùng nhau đoàn kết phục vụ người dân đất đảo ngày một tốt hơn”, anh Hiền tâm sự.
Nhộn nhịp du Xuân
Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế ngày một khá hơn thì xu hướng “chơi Tết” đã dần trở nên quen thuộc, thay thế dần cho việc “ăn Tết”. Cùng với đó, lịch nghỉ Tết năm nay kéo dài tới 9 ngày, các địa điểm du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều người đi du xuân.
Du khách du xuân ở công viên Ba Tơ. Ảnh: PHẠM DANH |
Bên cạnh các địa điểm hút khách “truyền thống” là: Lý Sơn, thác Trắng (Minh Long), bãi biển Mỹ Khê (TP. Quảng Ngãi)... thì những nơi diễn ra các lễ hội đua thuyền, thi đấu thể thao... cũng có nhiều người dân đến cổ vũ. Điều này đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo. Chọn Lý Sơn làm điểm nghỉ ngơi trong dịp Tết này, anh Phan Anh Dũng ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi), chia sẻ: Mấy ngày Tết cả gia đình đi chơi ở biển, đảo để có tinh thần phấn chấn cho một năm mới tràn đầy niềm vui và hứng khởi. Hơn nữa, Lý Sơn cũng gần, đi lại thuận tiện, thích hợp với thời gian du lịch ngắn như dịp Tết.
Trong khi đó, điểm nhấn du xuân ở TP.Quảng Ngãi là vườn hoa Ba Tơ. Mở cửa từ ngày 25 tháng Chạp, dịp Tết này, vườn hoa đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm. Vài năm trở lại đây, vườn hoa Ba Tơ là điểm đến lý thú của người dân Quảng Ngãi và du khách ngoài tỉnh. Với việc trang trí độc đáo, với những tiểu cảnh gắn liền với làng quê, như: Chợ quê, lễ hội đua thuyền truyền thống... đã thu hút nhiều người đến khám phá nét đẹp truyền thống của quê hương. Không chỉ vậy, vườn hoa Ba Tơ còn trở thành “hậu cảnh” cho nhiều bức ảnh gia đình đầm ấm của người dân Quảng Ngãi trong những ngày Tết.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động TDTT, văn hóa nghệ thuật trong những ngày Tết để người dân thưởng thức và đón chào năm mới. Các lễ hội đua thuyền ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi)... được tổ chức đã tạo nên sự sôi nổi, phấn chấn cho người dân nơi đây, thu hút khách thập phương đến xem và cổ vũ. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng VH-TT huyện Trà Bồng, cho biết: Chào đón Xuân Bính Thân 2016, huyện Trà Bồng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao tạo khí thế sôi nổi cho năm mới như: Giải cờ tướng cấp huyện và chọn ra 5 kỳ thủ xuất sắc tham gia giải cấp tỉnh (được tổ chức từ ngày 19 - 21.2), giải bóng chuyền nữ, Liên hoan nghệ thuật đấu chiêng và đàn hát dân ca... “Đây là các lễ hội truyền thống, tổ chức ngày càng quy mô hơn, tạo được tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của người dân trong huyện", ông Tùng nhấn mạnh.
NG.TRIỀU - TR.PHƯƠNG