Mưu sinh những ngày cuối năm

08:01, 12/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Cận Tết, lòng người bỗng rạo rực trông chờ. Nhà nhà gác công việc sang một bên để mua sắm chuẩn bị đón xuân. Nhưng vẫn có nhiều người không dừng lại nghỉ ngơi mà tiếp tục tất bật kiếm việc làm thêm với mong muốn có thêm vài đồng trang trải cuộc sống.
Quanh năm, nhiều lao động nghèo bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đến những ngày cuối năm, họ lại càng hối hả hơn khi nghĩ về số tiền phải chi tiêu để mua sắm cho gia đình trong dịp Tết. Chính vì vậy, càng gần Tết họ càng hăng say làm việc. Những ngày này, các làng nghề truyền thống từ sản xuất bánh, kẹo, mứt đến sản phẩm thủ công đều là điểm đến hấp dẫn của họ.

 

Nhiều phụ nữ tìm đến cơ sở rim mứt gừng để làm thêm
Nhiều phụ nữ tìm đến cơ sở rim mứt gừng để làm thêm.
 
Chị Nguyễn Ngọc Lai ngụ ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) quanh năm bươn chải với nghề bán vé số. Thu nhập mỗi ngày có lúc hơn 100 nghìn đồng nhưng có lúc chỉ được vài chục nghìn đồng. Gánh nặng nuôi 3 con ăn học và người chồng bệnh tật vẫn không hề vơi đi chút nào. Do đó, những ngày trong tháng cuối năm, chị quyết định xin vào làm ở xưởng rim mứt gừng gần nhà để kiếm thêm ít tiền.

 

Các cơ sở từ làm đường phổi...
Các cơ sở làm đường phổi...

 

...đến làm bánh tráng, đều tấp nập người lao động đến làm
...đến cơ sở làm bánh tráng, đều tấp nập người lao động
 
 
“Làm mứt gừng thì phải dậy từ 3-4 giờ sáng nhưng được cái tiền công cũng khá, mỗi ngày tôi cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Hễ cố làm nhiều thì được nhiều, ăn theo sản phẩm mà. Ổn định hơn đi bán vé số nhiều”- chị Lai chia sẻ. Nhưng mỗi năm chỉ có những ngày giáp Tết thì thu nhập mới được ổn định vậy. Thời gian còn lại, chị Lai vẫn phải vất vả chịu nắng mưa ngoài đường để bán vé số với thu nhập bấp bênh.
 
Theo chị Lai, đây là thời điểm làm ăn được nhất của chị. Nên khi mọi người sắp nghỉ việc để đón Tết thì chị lại tất bật làm nhiều hơn. “Ngược đời vậy, nhưng giờ nếu không làm thì lấy tiền đâu ra mua bánh, mứt tết, thuốc thang cho chồng rồi quần áo mới cho con. Làm sao mình có thể nghỉ ngơi ở nhà được vào lúc này”- chị Lai băn khoăn.

 

Hầu hết các cơ sở sản xuất bánh, mứt truyền thống đều là điểm đến hấp dẫn của lao động trong những ngày giáp Tết
Hầu hết các cơ sở sản xuất bánh, mứt truyền thống đều là điểm đến hấp dẫn của lao động trong những ngày giáp Tết
 
 
Có cùng nỗi băn khoăn ấy, nhiều lao động, nhất là lao động nữ vẫn miệt mài đổ mồ hôi trong các cơ sở sản xuất kẹo, bánh, mứt truyền thống những ngày cuối năm. Tại cơ sở làm bánh tráng của ông Võ Sang ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành), mỗi ngày có hơn 10 lao động nữ đến làm thuê. “Nhu cầu đặt bánh nhiều trong dịp Tết nên tôi phải thuê thêm người mới kịp tiến độ sản xuất. Tiền công cũng ít thôi nhưng nhiều người muốn làm lắm. Họ vì mưu sinh nên có khi bị đau, ốm vẫn không chịu nghỉ”- ông Sang cho hay.
 
Nhiều năm nay, làm thêm vụ Tết đã trở thành thói quen của nhiều lao động nghèo. Ngược xuôi với công việc ruộng đồng, hay buôn bán nhỏ lẻ quanh năm. Nhưng cứ đến tháng cuối năm, họ lại quần quật lao động trong vụ Tết tại các cơ sở sản xuất bánh, mứt truyền thống.
 
Mỗi cơ sở cần thuê từ 10-20 lao động cho vụ làm Tết. Nếu tính nhẩm thì cũng phải đến cả ngàn lao động trong tỉnh Quảng Ngãi có việc làm thêm với thu nhập từ 1-3 triệu đồng/vụ. Số tiền ấy có thể là ít với nhiều người, nhưng với họ, nó là niềm vui của ngày giáp Tết, thấm đẫm nhọc nhằn và mồ hôi mặn chát.
 
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.