Bữa cơm muộn đêm giao thừa

10:01, 30/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Màn pháo hoa giữa bầu trời đêm rực rỡ báo hiệu năm mới đang đến. Mọi người hò reo vỡ òa trong niềm vui. Trong khi đó, những người lao công vẫn lặng lẽ với công việc dọn sạch đường phố. Mãi đến tận gần sáng của ngày đầu năm mới, họ mới được trở về nhà và “xông đất” trên chính nhà mình…

 
8 giờ tối đêm giao thừa, khi dòng xe ngày càng tấp nập đổ ra đường thì ở một góc vỉa hè, hơn 10 công nhân của Công ty CP môi trường đô thị Quảng Ngãi ngồi xoay tròn vừa nói chuyện rôm rả vừa ăn bữa cơm cuối ngày. Bữa cơm ấy tuy giản đơn với vài lát thịt và bát canh rau, nhưng lại là nguồn năng lượng để họ có đủ sức để lao động suốt đêm.
 
Chị Trần Thị Phương Thùy  vừa húp bát canh không còn nóng vừa nói: Bọn chị đêm giao thừa nào cũng thế. Mọi người tập trung lại ăn uống cho vui vẻ để có động lực đi làm tiếp. Từ chiều giờ thì phân nhóm ra dọn ở các khu dân cư. Giờ nghỉ ngơi một xíu là xuống chỗ khu vực chợ tạm dọn, rồi đến khu vực chợ hoa.

 

Bữa cơm muộn trên vỉa hè của những lao công để lấy sức lao động trong đêm giao thừa
Bữa cơm muộn trên vỉa hè của những lao công để lấy sức lao động trong đêm giao thừa.
 
“Nhờ có bữa cơm này chứ không thì đến hơn 3 giờ sáng mới được về nhà thì chỉ xỉu mất”- chị Thùy thật thà nói trong sự đồng tình của những lao công ngồi xung quanh. Bữa cơm đạm bạc chỉ diễn ra ngắn ngủi. Để rồi mọi người lại tản ra đi làm công việc của mình khi dòng người và xe vẫn tấp nập trên mọi nẻo đường.
 
Anh Trần Lê Vân và 2 người trong đội môi trường số 2, Công ty CP môi trường đô thị Quảng Ngãi vội vã đưa những nhát chổi tóm gọn đống rác ở khu vực chợ tạm Quảng Ngãi. Dù ngoài trời se lạnh, nhưng mồ hôi vẫn chảy mướt trên khuôn mặt của những người công nhân. Năm nào cũng vậy, thời điểm họ làm việc vất vả nhất vẫn là đêm giao thừa.
 
Anh Vân vừa luôn tay làm việc vừa mở lòng: Tôi làm nghề này hơn 10 năm rồi. Hầu như cả 10 cái Tết đều phải đón giao thừa ngoài đường. Suốt 3-4 ngày gần Tết thì bận rộn đi thu rác ở các khu dân cư. Còn đêm giao thừa thì quét dọn ở khắp các nẻo đường. Nặng nhất vẫn là đường hoa Phạm Văn Đồng. Năm nào cũng chỉ cầu mong người ta bỏ lại ít hoa, ít chậu vỡ thôi để mình còn được về nhà sớm.
 
Cách đó không xa, đội của anh Nguyễn Thành Minh cũng vừa hối hả đẩy chiếc thùng đựng rác ngoại cỡ vừa nhanh tay quét và gom rác đổ vào thùng. “Tranh thủ lúc người ta tập trung hết ở quảng trường để xem bắn pháo hoa thì chúng tôi phải lẹ tay dọn rác ở các con đường vắng người qua lại. Rồi đợi mọi người đi đón giao thừa về nhà và ngon giấc rồi thì chúng tôi mới tất bật với công việc của mình. Năm nào cũng vậy, chúng tôi làm việc trong lặng lẽ của đêm giao thừa thì mới đạt hiệu quả được”- anh Minh kể.

 

Những công nhân môi trường cần mẫn làm sạch phố phường torng đêm giao thừa.
Những công nhân môi trường cần mẫn làm sạch phố phường torng đêm giao thừa.

 

Chị Nguyễn Thị Nở, quê Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, người có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân môi trường, cũng chừng ấy năm chị chưa hề đón giao thừa ở nhà với chồng con. Chị Nở cho biết, hầu như năm nào cũng vậy, cứ ngày cuối năm là chị có mặt trên những tuyến phố để dọn vệ sinh từ 3 giờ chiều đến tận 3-4 giờ sáng hôm sau.

“Tất cả mọi việc từ cúng ông bà, dọn dẹp nhà cửa đều giao hết cho bố mẹ và chồng con. Cũng may là chồng và gia đình chồng ai cũng hiểu và thông cảm cho công việc này. Năm nào cũng xông đất nhà mình với đầy mùi hôi, thế nhưng cả nhà ai cũng vui và hạnh phúc”- Chị Nở chia sẻ.
 
Nếu như chị Nở có hơn 10 năm không đón giao thừa cùng gia đình thì anh Bùi Sơn, ở phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi có hơn 16 năm đón giao thừa ngoài đường. Anh Sơn chia sẻ: Đàn ông làm nghề vệ sinh môi trường, mới nhìn ai cũng thấy kỳ kỳ. Thế nhưng nghề này trông vậy cũng đòi hỏi sức khỏe, nếu không thì khó ai trụ nổi. Bởi vừa quét dọn, rồi phải kéo xe rác đến nơi tập kết cho xe rác tới thu gom. Cực nhọc đã đành, mùi hơi thối từ rác bám vào quần áo…
 
“Có nhiều đứa thanh niên, mới vào làm được một hai năm chịu không nổi đành phải nghỉ. Cực một phần, nhưng cái mà nhiều người chịu không nổi đó là không năm nào được đón giao thừa cùng gia đình nên rất buồn, tủi... nhưng nếu như ai chịu được qua năm thứ 3 thì xem như qua thử thách, lúc đó lại muốn gắn bó lâu dài với nghề” .
 
Anh Bùi Sơn có hơn 16 năm  đón giao thừa ngoài đường.
Anh Bùi Sơn có hơn 16 năm đón giao thừa ngoài đường.
 
Anh Sơn cho biết thêm: Làm vệ sinh môi trường đêm giao thừa cực nhất là phải đối mặt với cả một “núi” rác từ các điểm vui chơi, điểm bắn pháo hoa, điểm bán hoa… Bởi năm nào cũng vậy, sau giao thừa, lượng rác từ những điểm vui chơi, chợ hoa rất khổng lồ. Anh em làm rất cật lực mới thu gom xong, có năm phải làm tới 5 giờ sáng. Ai nấy đều mệt lừ.
 
Còn anh Mai Hồng Tường, ở phường Trần Phú, người cũng có gần 20 năm làm công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ: Đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng, mong chờ nhất trong năm của mọi người, thì những người làm công nhân môi trường lại lao vào công việc dọn vệ sinh đường phố. Tội nhất là vợ con ở nhà, không năm nào được đón giao thừa với chồng. Nhiều lúc nghĩ lại thấy thương vợ, con.. 
 
Quả thật vậy, khi mọi người đã về nhà thì đường phố mới vắng lặng để những người công nhân đưa chổi quét đi mọi thứ rác ở khắp ngóc ngách của con đường. Ngoài tàn dư của phố hoa, nhiều loại rác sinh hoạt và thức ăn, bao ni lông của nhiều người đi đón giao thừa vô ý vứt ra đường. Nhiệm vụ của họ vẫn là nhẫn nại thu gom tất cả. Miệt mài và kỳ công.
 
Để rồi trong sáng mồng 1 Tết, đường phố lại sạch bong giống như chưa hề có hàng trăm, hàng nghìn thứ rác tồn tại trong đêm giao thừa. Đường phố và lòng người sẵn sàng đón xuân sang. Nhưng ít ai biết đến công việc thầm lặng với những nhát chổi tre hối hả của hơn 400 trăm người lao công của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi làm việc cật lực trong đêm giao thừa. Tiếng chổi cứ xào xạc, âm thầm bên lề giấc ngủ của mọi người.
 
Trở về nhà khi kim đồng hồ điểm hơn 3 giờ sáng. Những người lao công lại vội vàng đi vào giấc ngủ chập chờn. Họ chỉ được nghỉ mỗi ngày mồng 1 Tết. Từ mồng 2 Tết trở đi, khi mọi người vẫn còn sum vầy với gia đình kể chưa hết về câu chuyện mùa xuân thì những người lao công đã làm việc trở lại như 364 ngày còn lại của năm.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn-Th.Phương

.