Những đứa trẻ đi bán "may mắn"

10:02, 07/02/2013
.

(QNĐT)- Năm hết, Tết đến, đường phố khoác lên mình những “chiếc áo” mới lung linh, đầy màu sắc, giữa phố phường tấp nập mọi người đang nô nức mua sắm đón xuân, chen chân trong dòng chảy nhộn nhịp đó, là những đứa trẻ lặng lẽ với công việc mưu sinh.

TIN LIÊN QUAN


Tết. Trong khi biết bao đứa trẻ khác nghỉ ngơi, đang cùng cha mẹ đi sắm những bộ quần áo mới đón Tết thì với những đứa trẻ mưu sinh bằng nghề bán phong bao lì xì thì những ngày giáp Tết là thời điểm các em mưu sinh, ki cóp từng đồng bạc lẻ phụ giúp bố mẹ.


Đi từ sáng sớm đến chiều, đôi chân của em Nguyễn Văn Trí (13 tuổi), đã mỏi nhừ, nhưng Trí vẫn bê cái nia nhỏ rải những phong bao lì xì đỏ chót, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của TP Quảng Ngãi mời chào khách, chỉ với một nỗi đau đáu duy nhất: làm sao kiếm được nhiều tiền. Nhìn dáng người nhỏ bé, nhưng Trí đã có 4 năm kinh nghiệm trong cái nghề thời vụ này.

Nhà ở tận xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), cuộc sống gia đình khó khăn nên những ngày giáp Tết,  hằng ngày Trí phải dậy thật sớm, đạp xe đạp xuống TP. Quảng Ngãi để đi bán phong bao lì xì đến tối mịt tới về nhà.  

"Năm nào cũng thế, khi được nghỉ Tết là em xin bố  mẹ xuống Tp. Quảng Ngãi đi bán bao lì xì. Mỗi ngày em đi bộ len lỏi khắp các tuyến đường tính ra cũng cả chục cây số, mặc dù đi bộ hơi mệt những bù lại trung bình mỗi ngày em cũng kiếm được 50.000- 60.000 đồng phụ giúp bố mẹ"- Trí cười tươi.

 

Hàng ngày các em rong ruổi trên đường mời khách mua bao lì xì
Hàng ngày các em rong ruổi trên đường mời khách mua bao lì xì


Đi cùng với Trí, em Nguyễn Văn Tùng (14 tuổi) ở xã  Tịnh Bình (Sơn Tịnh) cũng đã có "thâm niên" 3 năm trong nghề này. Bê trên tay những phong bao lì xì đỏ chót, Tùng thật thà: Em chỉ tranh thủ được những ngày cuối năm để kiếm tiền thôi. May mắn được nhiều người mua thì em cũng kiếm được 50.000/ngày. Mấy bữa nay nhiều người bán quá nên bán ế. Em đi từ sáng tới trưa mà chẳng bán được đồng nào.

Tùng tâm sự, bố mẹ em đều là nông dân, nhà có 3 anh em, gia cảnh khó khăn nên dịp Tết nào em cũng tranh thủ đi bán. “Bố mẹ em không có tiền để mua áo quần Tết cho mấy anh em đâu”. Tùng  bảo, ở quê em nhiều bạn cũng tranh thủ ngày Tết đi bán bao lì xì như em.

Để có vốn làm nghề bán phong bao lì xì, Tùng phải dành dụm, tiết kiệm cả năm. Chỉ những phong bao lì xì, Tùng cười tươi: Mấy năm trước em chỉ bỏ vốn 200 -300 nghìn, năm nay em "đầu tư" hẳn 500 nghìn đồng tiền vốn. Hi vọng kiếm được nhiều tiền lời mua sắm quần áo mới cho các em.

 

Đi từ sáng đến trưa nhưng Tùng vẫn chưa bán được bao lì xì nào.
Đi từ sáng đến trưa nhưng Tùng vẫn chưa bán được bao lì xì nào.

 

Rong ruổi khắp các con đường từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà, bữa cơm trưa của Tùng và Trí chỉ là những phần cơm nguội ở nhà mang theo, có khi cũng chỉ là những ổ bánh mì ăn vội... Cuộc sống các em đầy những khó khăn, vất vả nhưng trên khuôn mặt các em luôn nở những nụ cười hạnh phúc mỗi khi có khách gật đầu đồng ý mua những phong bao lì xì.


Bán phong bao lì xì may mắn cho khách, nhưng đối với em Nguyễn Thị Nương ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) ao ước có một bao lì xì ngày Tết cho riêng mình là quá xa vời. Bởi vì, cuộc sống nhà em khá khó khăn. Lên 7 tuổi, tai nạn giao thông cướp đi cả cha và mẹ, Nương đã phải chịu cảnh mồ côi, sống với bà ngoại đã lớn tuổi.

Ngoài buổi đến lớp, em phải tranh thủ kiếm sống.  Ít ai có thể tin rằng cô bé chưa đầy 10 tuổi này đã “bôn ba” với đủ nghề, bán vé số, bán hàng rong… và những ngày gần Tết là bán bao lì xì. Với mong muốn kiếm thêm tiền để giúp bà, có thêm bữa ăn no, bộ quần áo mới đón xuân về...

 

Bán những bao lì xì mang lại may mắn cho người khác, nhưng với các em có được bao lì xì trong ngày Tết là niềm mơ ước.
Bán những bao lì xì mang lại may mắn cho người khác, nhưng với các em có được bao lì xì trong ngày Tết là niềm mơ ước.


Dọc các tuyến đường của thành phố, trong những ngày này cũng không khó để bắt gặp "đội quân" tuổi từ 10 - 15 tuổi đi bán bao lì xì. Mỗi em có một hoàn cảnh không giống nhau nhưng chúng đều có điểm chung đó là mong ước được đầy đủ hơn vào ngày Tết cho gia đình. Chính vì vậy, các em đã phải tự mình vượt qua những khó khăn, vất vả.

Từ bao lâu rồi, Tết đến xuân về đã trở thành mùa mưu sinh của hàng chục đứa trẻ nghèo như thế!



Bài, ảnh: Bảo Ngọc

 


 
 


.