(Baoquangngai.vn)- Quê hương không chỉ là chốn để về, là nơi sum họp, mà quê và Tết quê còn mang đến những dư vị rất riêng. Vậy nên, những ai không về quê ăn Tết luôn bùi ngùi tìm vị Tết trong những món đặc sản xứ Quảng để thỏa nỗi nhớ mong.
[links()]
Trong ký ức mỗi người Việt, ai cũng từng có cảm giác háo hức, mong chờ mỗi dịp Tết đến xuân về. Lũ trẻ con được may quần áo mới, người lớn lo sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa đón xuân. Tết là khi cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét hàn huyên trong đêm giao thừa.
Quanh năm suốt tháng tất bật với nhịp sống phố thị ồn ào làm chúng ta tạm quên đi nỗi nhớ quê nhà. Chỉ đến khi vị Tết về thật rõ, trên những nụ mai, đào chúm chím và mùi hương trầm thoang thoảng, trong lòng những người con xa quê bỗng nôn nao nỗi nhớ da diết. Sự xa cách càng khiến cho mong muốn sum vầy bên gia đình ngày Tết càng trở nên cháy bỏng.
Không khí Tết rộn ràng, những người con xa quê lại nôn nao nỗi nhớ quê nhà da diết. |
Tết này đã có những người con được vui niềm vui đoàn viên cùng gia đình. Nhưng cũng có những cuộc sum họp qua màn hình vi tính, điện thoại từ xa của bao người chưa thể về nhà. Năm nào cũng có không ít người phải đón Tết xa quê. Đó là người con đi du học xa, người công nhân chưa gom đủ tiền về xe hay sinh viên muốn ở lại nơi phố thị để kiếm thêm chút tiền trang trải việc học.
Nhưng dù sao đi nữa, trong tâm thức của mỗi người con miền Trung vẫn luôn đong đầy vị Tết quê - vị thơm ngon của đặc sản quê hương, vị đậm đà của mâm cơm đầu năm mẹ nấu. Vậy nên, những món quà quê gửi đến phương xa giúp những người con tha phương như được ôm vào lòng vị Tết lẫn tình cảm tươi đẹp nhất của quê hương.
Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu để làm nên vị Tết quê. |
Đặc sản ngày Tết của quê hương xứ Quảng đơn giản chỉ là những loại bánh in, bánh xốp, bánh thuẫn, bánh nổ, mứt gừng, mứt đậu có vị ngọt đậm được làm những nguyên liệu dân dã, dễ tìm ở nông thôn. Hay quà quê cũng có thể là đòn bánh tét kèm hũ kiệu muối, xấp bánh tráng mỏng, hoặc hành, tỏi Lý Sơn, hũ cá bống Sông Trà đậm đà vị quê hương... Quà quê hòa với tấm lòng người quê theo những chuyến tàu xe tấp nập ra bắc, vào nam những ngày giáp Tết để kịp tới tay những người con xa xứ. Tất cả như một món quà để gọi tên cảm xúc, để Tết của những ai xa quê trở nên an vui và ấm áp hơn.
Tết này, chị Võ Bích Trâm - một người con Quảng Ngãi đang định cư ở TP.Hồ Chí Minh không thể về ăn Tết cùng gia đình, nên không khỏi chạnh lòng khi thêm một mùa đoàn viên nữa không được về nhà. Nhưng chị cho rằng, mình vẫn còn may mắn vì được nhận quà, bánh từ quê hương.
Xa nhà ngày Tết, bánh mứt truyền thống là món quà để những người con quê hương cảm nhận được vị Tết đủ đầy hơn. |
Đón nhà xe Chín Nghĩa chạy từ Quảng Ngãi vào để nhận quà quê mẹ gửi, chị rưng rưng nghẹn ngào. Chị Trâm chia sẻ, nhìn hũ thịt muối, đòn bánh tét, hũ kiệu muối chua, cả cái bắp chuối non và nhiều loại bánh, mứt truyền thống… được gói ghém cẩn thận trong thùng giấy cứng mà tôi nhớ quê khôn xiết. Ở TP.Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn được ăn Tết quê hương. Tôi cảm thấy ấm áp khi nhận những món quà quê dân dã!
Với cái nhìn lạc quan, những người con xa xứ đã biết cách tự tạo cho mình một cái Tết ấm áp, dù xa quê nhưng vẫn đầy ắp tình nhà. Thay vì được ăn mâm cơm Tết do mẹ chuẩn bị, từ những món quà quê dân dã, họ sẽ tự tay nấu mâm cơm Tết riêng. Tuy không đủ đầy như mẹ làm nhưng vẫn có thể mang đủ hương vị thân quen của nhà mình. Thay vì buồn rầu nhớ quê ngày Tết, họ sẽ mời bạn bè đến nhà để thết đãi những món bánh, mứt truyền thống gửi từ quê hương, trò chuyện rôm rả bên ly trà nóng đầu xuân.
Vị quê hương giúp Tết xa hóa gần. |
Hơn thế nữa, công nghệ hiện đại đã giúp mang Tết nhà đến gần hơn. Những người con xa quê vẫn có thể chia sẻ niềm vui ngày Tết với gia đình qua màn hình điện thoại di động được kết nối internet. Dù xa cách, nhưng tình cảm mà họ trao nhau vẫn vẹn nguyên, chân thật. Tết không chỉ có ở nhà, Tết chính là ở trong những trái tim nóng được vỗ về bởi hương vị quê hương.
Bài, ảnh:
THANH PHƯƠNG