(Báo Quảng Ngãi)- Có một nhà văn đã nói: Thời gian dù chậm chạp trôi đi, con người càng sống với hoài niệm và ký ức. Ký ức như một bếp than hồng được phủ lên lớp tro thời gian, khi ai đó khơi lên, bếp than lại hừng hực cháy. Ký ức còn là sợi dây nối liền giữa quá khứ và hiện tại, giúp con người nhận biết họ đi lên bằng giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công tạo dựng...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dẫu thời gian đã xa, nhưng trong tôi vẫn không sao quên được khung cảnh đất trời nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Tôi còn nhớ những ngày cuối tháng Chạp, thời tiết ở miền Trung năm nào gió mùa Đông Bắc cũng tràn về, mang theo những cơn mưa phùn gió bấc lạnh buốt.
Xuân trên đất đảo. ẢNH: MINH THU |
Ở quê tôi ngày giáp Tết còn gợi lại khung cảnh bình lặng của những chiếc thuyền nan sau những ngày lênh đênh trên biển trở về neo đậu ở bến sông quê. Bất chấp thời tiết thế nào, không khí chuẩn bị đón Tết vẫn tất bật, hối hả. Con đường trước nhà dẫn về chợ tết luôn tấp nập người qua lại, kẻ mua người bán, tiếng cười nói đông vui náo nhiệt.
Cảnh chợ quê ngày ấy sao mà rạo rực đến thế. Nông sản thực phẩm được bày bán đủ thứ nào là gạo nếp, đường, bột, heo, gà, các loại nông sản để làm bánh in, bánh nổ, bánh ít lá gai, các loại củ quả làm kẹo, mứt... Ngày ấy, người ta bán những nông sản, thực phẩm, hoa quả... phục vụ người mua đem về nhà chế biến, trong chợ rất ít thấy bán những loại bánh mứt được chế biến sẵn như bây giờ.
Những ngày gần Tết nhà nào cũng bận rộn, nhà thì rang nếp nổ, đâu đây nghe tiếng chày giã bột bánh ít, đóng bánh nổ phình phịch, nhà kia thì gói bánh chưng (bánh hộc gói bằng lá dừa non). Bận rộn nhất vẫn là các mẹ, các chị đúc bánh thuẫn, bánh in, rim mứt... Bà nội tôi dù bận mấy cũng làm món dưa kiệu, đu đủ và không quên chuẩn bị món “ruột” mà mọi người trong nhà ưa thích, đó là nồi cá ngừ kho để ăn trong ba ngày Tết. Những ngày giáp Tết tờ mờ sáng đã nghe tiếng heo éc của các nhà “đậu tay” mổ heo chia phần. Dạo quanh xóm, đâu đâu không khí chuẩn bị Tết cũng rộn ràng, mùi của bánh ít lá gai, mùi thơm của bánh thuẫn, mùi gừng xen lẫn mùi đường xênh làm bánh nổ... ngào ngạt hương thơm.
Dọc các con đường trong thôn xóm, các trò chơi cũng bắt đầu “khai hội”. Bọn trẻ con thích nhất là trò chơi đánh đáo, chấn tiền, đốt pháo; các nhóm bầu cua tôm cá cũng đã tụ hội... Ngõ xóm, làng quê đâu đâu cũng rộn ràng. Đất trời, khung cảnh, lòng người những ngày này tràn ngập sắc xuân.
Ngày tháng cứ trôi qua cuốn xô bao kỷ niệm. Song, trong mỗi người cứ bâng khuâng, hoài niệm về giây phút thăng hoa trong những ngày Tết... Đặc biệt là giờ phút thiêng liêng vào chiều ba mươi Tết. Lúc này, cả nhà quây quần đông đủ chuyện trò rôm rả bên mâm cỗ. Đúng giờ giao thừa, ông tôi dâng bánh trái lên bàn thờ tổ, thắp nhang đèn trong nhà, ngoài sân, mời ông bà ngự lãm sản vật do con cháu dâng tặng.
Sáng mùng 1 Tết, cả nhà dậy thật sớm, sau bữa ăn sáng, ai có việc ấy, mọi người ăn mặc chỉnh tề, diện những bộ quần áo mới may đẹp nhất. Sau đó tôi giúp ông nội bê mâm bánh trái vào cúng ông bà ở nhà thờ từ đường, mẹ tôi và các cô lên mộ thắp hương. Xong công việc lễ nghi, mọi người đi chúc Tết nội ngoại, con cháu chúc thọ, mừng tuổi ông bà đầu năm mới; ông bà lì xì rồi dặn dò, chúc cho con cháu chăm ngoan, học giỏi. Những ngày còn lại, mọi người đi chúc Tết bà con, họ hàng, bạn bè, đêm về rủ nhau ra sân đình xem hát bội, ban ngày xem đua thuyền, chơi các trò hốt lú, xóc xỉa, bầu cua tôm cá...
Ngày nay, trong thời hội nhập và mở cửa, sự phát triển đi lên không ngừng của xã hội đã và đang thách thức loài người trước sự bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Nhìn về quá khứ, dân tộc Việt Nam đã và đang tồn tại một nền văn hóa rất phong phú và đa dạng. Nhưng trong thực tế có những phong tục, tập quán, lễ thức... không còn phù hợp với xã hội hiện đại, thời gian sẽ gạn đục khơi trong, chắt lọc giữ lại những giá trị tinh túy, từng bước loại bỏ những tập tục không còn phù hợp với đời sống hiện tại.
Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam đã hình thành từ rất xa xưa, là nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc. Việc kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị truyền thống trong thời hiện đại phải xuất phát từ cội nguồn văn hóa dân tộc, nếu làm biến dạng, mất gốc các yếu tố truyền thống sẽ trở thành vô nghĩa. Song, sự vật, hiện tượng cùng những giá trị văn hóa tinh thần không bao giờ đứng im, mà nó luôn vận động, bổ sung, bồi đắp và ngày càng phát triển... như một quy luật tất yếu. Bảo vệ bản sắc văn hóa, song không bảo thủ với bản sắc, mà luôn tiếp thu có chọn lọc để Tết cổ truyền của dân tộc ngày càng thêm phong phú, đa dạng trong thời hội nhập và mở cửa.
NGUYỄN NGỌC TRẠCH