Tết cổ truyền của người Hrê

10:02, 18/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước kia, Tết của người Hrê kéo dài hết làng nọ đến làng kia, có khi kéo dài từ một đến hai tháng. Những năm gần đây, người Hrê cũng rộn ràng vui Xuân, đón Tết cùng thời điểm với Tết cổ truyền của người Việt. Nhưng điều đáng nói là, họ vẫn gìn giữ những phong tục ngày Tết mang đậm nét văn hóa của người Hrê.

TIN LIÊN QUAN

Người Hrê ăn Tết cổ truyền khi khí trời ấm áp hẳn lên, những ngọn gió heo may thổi nhè nhẹ qua những sườn cỏ tranh xanh mướt. Khi hoa gạo đua nhau nở rực rỡ, cũng là lúc người Hrê gói bánh nếp lá dong, làm lễ tết trâu, đánh chiêng ba, vỗ vinh vút, uống rượu cần, hát ca choi. Đây là những nét đặc trưng trong Tết cổ truyền của người Hrê.

Phụ nữ Hrê hát múa trong ngày Tết cổ truyền.
Phụ nữ Hrê hát múa trong ngày Tết cổ truyền.


Một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Hrê là bánh nếp lá dong. Loại bánh này có hai loại, gồm bánh đôi và bánh đơn. Bánh đôi tượng trưng cho sự gắn kết cộng đồng, lòng chung thủy lứa đôi. Bánh đơn được làm to hơn bánh đôi, để biếu họ hàng, khách khứa, nhất là làm quà cho những người thân ở nhà không đi ăn Tết được.

Trong Tết cổ truyền của người Hrê, lễ tết trâu diễn ra từ sáng sớm ngày ăn chính trước cửa chuồng trâu, để ơn trâu, con vật đã cùng người làm ra lúa gạo. Trong buổi lễ tết trâu, người chăn trâu được ưu ái nhất, được ăn đùi gà, uống rượu cần thơm ngon làm bằng lúa rẫy cùng với lời khuyên ân cần của chủ: Mày coi con trâu cho tốt, cho trâu ăn no, không được phá cái lúa ruộng, lúa rẫy...

Trong những ngày Tết cổ truyền của người Hrê, tiếng chiêng ngân càng cao hơn, xa hơn. Nhà nào có tiếng chiêng ngân hay hơn, thì ở đó có nhiều thanh thiếu niên nam nữ tụ tập. Tại đây, họ vừa thưởng thức tiếng chiêng, vừa có dịp để các chàng trai cô gái để ý nhau.

Và theo ý niệm của người Hrê, ngày Tết nhà nào có nhiều tụi trẻ tụ tập, thì suốt năm đó gia đình họ sẽ được nhiều điều may mắn và hạnh phúc. Anh Đinh Văn Bút, xã Thanh An (Minh Long) cho biết: Người Hrê dùng chiêng để đánh trong các dịp mừng lúa mới, mừng cái nhà mới làm xong, vậy nhưng ngày Tết mà không có cái chiêng nó buồn lắm. Tết là phải có tiếng chiêng thôi.

Một nhạc cụ được ưu ái trong ngày Tết là vỗ vinh vút. Đây là loại nhạc cụ chủ yếu dành cho các mế và các chị. Nếu tốc chinh diễn ra trên đầu tra, thì ở dưới sân là nơi các mế và các cô gái quây quần vỗ vinh vút. Cùng với tiếng vinh vút là những tràng cười giòn giã, những tiếng chọc ghẹo nhau không dứt. Người Hrê cho rằng tiếng vinh vút “pìng... puồng” chính là tiếng nhạc giao thừa báo hiệu năm cũ đã hết, Tết đã đến, mùa xuân đã về.

Các nghệ nhân Hrê chơi đàn V'rooc trong ngày Tết cổ truyền.
Các nghệ nhân Hrê chơi đàn V'rooc trong ngày Tết cổ truyền.


Một đặc trưng nữa là, ngày Tết của người Hrê nhà nào cũng phải có rượu cần mừng xuân, rượu cần mừng họ hàng. Ai có trâu thì có thêm rượu cần lễ tết trâu, gia đình khá giả thì có thêm rượu cần mừng khách. Lễ rượu cần xong là “cuộc” uống rượu cần. Tiệc rượu cần còn có ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa. Khi trời đã về trưa, sau tiệc bánh nếp lá dong, cơm nước xong xuôi là cuộc hòa vui uống rượu cần giữa chủ và khách.

Theo sự sắp xếp của chủ, khách và chủ tụm năm, tụm bảy cùng cầm chiêng vòng quanh các ché rượu, để cùng nhau cầu mong “năm cũ đã hết, Tết đã đến, mọi người có “sức mạnh như hùm như cọp; có cơm mời khách ngược, khách xuôi; ở sân này nền đất đó được vững vàng”... Những lời cầu mong như thế quyện hòa với khói hương nghi ngút. Bầu không khí êm ả, nhưng vui tươi tràn ngập núi rừng. Tiếp đó họ sẽ hát ca choi. Đây là lối hát đối đáp và tự sự, rất dễ làm mềm lòng nhiều người, đặc biệt là tình yêu đôi lứa, vợ chồng.

Thông thường, Tết của người Hrê diễn ra trong 3 ngày, đó là ngày nấu bánh tối hôm trước, với tục cúng dô lá tống đi những cái xấu của năm qua, xong mới vô lá dong để gói bánh. Ngày thứ 2 là ngày ăn chính. Ngày thứ 3 uống rượu cần nhạt dành cho họ hàng, bà con thân thích.

Ông Phạm Minh Đát, cán bộ Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết: Bây giờ, người Hrê ăn Tết cũng có sự đổi mới. Nếu như ngày xưa người Hrê ăn Tết chỉ có món thịt luộc, thịt nướng, thì Tết ngày nay còn có món thơm, món đậu xào, món cá hấp bắt từ ao, hồ nuôi.

Món cá niên nướng nhắm rượu bắt từ sông là không thể thiếu trong mỗi gia đình. Các loại hoa lan, hoa cúc, tranh ảnh cũng được bày biện trong nhà tăng thêm nét tươi tắn trong ngày Tết. Người già, lũ trẻ đã biết ăn mặc đẹp, tổ chức những trò chơi, hát làn điệu ca lêu, ca choi mang đậm bản sắc dân tộc. Nhiều cô gái Hrê cũng đã biết trang điểm cho ngày Tết thêm xuân.

Hết ba ngày Tết, người Hrê lại trở về với cuộc sống thường nhật. Cái rẫy, cái nương, con trâu, con bò được chăm sóc chu đáo, hứa hẹn một mùa vàng bội thu, với lũ gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở đàn đàn, lũ lũ, tạo nên một mùa xuân bất tận giữa núi rừng trùng điệp.


Bài, ảnh: HUỲNH THẾ
 


.